Ngày bé, qua chiếc đài nhỏ tôi hay được nghe nhắc đến cụm từ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Lớn lên, do công việc tôi may mắn nhiều lần được gặp, trò chuyện với một trong những nhân chứng của sự kiện ấy: Đại tá Nguyễn Xuân Bột, hiện nghỉ hưu ở quê nhà xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ký ức của ông giúp chúng ta hiểu hơn về sự hào hùng trong gian khó của đất nước một thời...
Đánh thắng trận đầu
Theo vị Đại tá nay đã ngoài 90 tuổi, sau kháng chiến chống Pháp, ông thuộc lứa lính bộ binh đầu tiên được cử đi đào tạo khóa huấn luyện thuyền trưởng sau khi Quân chủng Hải quân được thành lập. Học xong ông về công tác ở phân đội 3-Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133. Sau năm 1963, để “có cớ” tấn công miền Bắc nước ta, Mỹ mở chiến dịch “khiêu khích Bắc Việt Nam”, trong đó có việc cho tàu khu trục Maddox xâm phạm hải phận Việt Nam ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù khi ấy hải quân ta còn non trẻ, mới được thành lập 9 năm nhưng chủ trương của ta khi ấy là phải đánh đuổi được tàu Maddox. Và, phân đội 3-Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133 (gồm tàu 333, 336, 339 cùng 2 tàu tuần tiễu, do ông Lê Duy Khoái làm Tiểu đoàn trưởng, Trung úy Nguyễn Xuân Bột làm Phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333) chính là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh đuổi Maddox. Sáng ngày 2/8/1964, sau 8 tiếng vật lộn các ông đã vượt sóng từ Quảng Ninh tới được vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa). Nghỉ ngơi chưa lâu thì… Maddox xuất hiện.
Đại tá kể: “Nhận lệnh xuất kích, tôi cho phân đội chạy theo đội hình hàng dọc, mỗi tàu cách nhau 50 m, cho ra-đa bám sát mục tiêu. Phát hiện 3 tàu phóng lôi của ta đang tiếp cận, Maddox liền tăng tốc. Phân đội vẫn bám sát. Còn cách nhau khoảng 80 liên (10 liên bằng 1 hải lý, 1 hải lý bằng 1.853m), ỷ thế có hỏa lực mạnh, Maddox dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình phân đội ta, nhiều vị trí trên tàu dính đạn, chao đảo. Trong tình thế đó, tôi lệnh cho phân đội chuyển đội hình tránh pháo thành “bậc thang trái, bậc thang phải”. Pháo trên tàu Maddox vẫn tới tấp nhả đạn. Tôi tăng tốc tàu 333 để chặn tàu địch, tạo điều kiện cho hai tàu còn lại tấn công. Khi tiếp cận được góc thuận lợi, anh Giản, thuyền trưởng tàu tàu 339 hạ lệnh phóng lôi nhưng không trúng mục tiêu. Trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay Mỹ, chúng bắn trúng khoang máy chính tàu 339 khiến 1 pháo thủ và 1 lính cơ điện hy sinh, tàu phải thả trôi. Tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu, rồi phóng lôi. Lần này, rất tiếc vẫn bị chệch. Lúc này, pháo trên tàu địch vẫn bắn dữ dội, khi phóng lôi xong, quay ra, tàu 336 bị trúng đạn, anh Tự thuyền trưởng hy sinh tại chỗ, anh Chuẩn thuyền phó bị thương vẫn chỉ huy tàu chiến đấu...”
Ông kể tiếp: “Lúc này, tôi quyết định tăng tốc tàu 333 lên 42 hải lý/giờ để mở góc mạn ra ngoài biển. Tình hình rất nguy cấp! Cột ăng ten bị pháo địch đánh gục, không thể báo cáo lên cấp trên, quả ngư lôi bên trái bị trúng đạn, sợ nổ tàu, anh em tự động giật cò ném xuống biển. Chỉ còn 1 quả bên phải nên tàu bị lệch, rất khó lái. Còn cách tàu địch khoảng 8 liên, anh Khoái sốt ruột giục tôi phóng lôi. Tôi tăng tốc tầu lên tối đa 52km/giờ để tiếp cận mục tiêu gần hơn, quyết chiếm được góc mạn phải. Maddox vẫn xối xả vãi đạn. Còn cách 6 liên, 5 liên thì pháo 14ly5 của ta khai hỏa. Khi chỉ còn 4 liên, rồi 3 liên cả tàu hô: “Chuẩn bị!”. Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi, chúng tôi nín thở. Maddox vội vã xoay mũi để tránh. Một tiếng nổ vang trời. Anh em hô: trúng rồi! Binh lính trên tàu địch chạy nhốn nháo, các cỡ pháo trên tàu địch im bặt. Một tốp máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện để cứu Maddox. Chúng điên cuồng xả rốc két. Cả tàu huy động hết các loại súng, pháo đánh trả. Khoảng 20 phút sau thì cả Maddox và máy bay địch cùng rút lui ra phía hải phận quốc tế…”.
Như đã biết, sau trận đánh, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lu loa khắp thế giới Hải quân Việt Nam vô cớ tấn công Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế; ồ ạt đánh phá miền Bắc theo âm mưu từ trước. Để rồi ngày 2/8 và ngày 5/8/1964 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân dân miền Bắc trước chiến tranh phá hoại của Mỹ…
Chuyến tàu đặc biệt
Sau trận đánh lịch sử ngày 2/8/1964, Đại tá Nguyễn Xuân Bột tiếp tục gắn bó với lực lượng Hải quân; là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 (phát triển từ Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133, từ Trung đoàn 172). Trong cuộc tổng tấn công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, đơn vị của ông làm nhiệm vụ chốt ở các cửa biển, chặn đường rút lui của địch. Tin chiến thắng dồn dập, quân ta đánh đến đâu địch tan rã đến đó. Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn lần lượt được giải phóng…
Ông kể, ngày 2/5/1975, tại cảng Rạch Dừa (Bà Rịa-Vũng Tàu) diễn ra một cuộc họp khẩn của lực lượng Hải quân. Tại đây, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thông báo, hiện đất liền đã được giải phóng nhưng chúng ta bị mất liên lạc, không nắm rõ tình hình ngoài Côn Đảo-nơi địch đang giam giữ hơn 2.500 người của ta. Ông giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 172 kết hợp với Tiểu đoàn Bộ binh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi giải phóng, đón tù chính trị ngoài Côn Đảo, theo hai phương án: ra tối hậu thư bức hàng địch, nếu địch không hàng sẽ đổ bộ, tấn công chiếm đảo. Tư lệnh giao Đại tá Nguyễn Xuân Bột (khi đó là Trung đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn 172 Hải quân) chỉ huy tàu thuyền ra đảo; giao Cục Chính trị Hải quân làm nhiệm vụ ra “tối hậu thư”; giao ông Nam Ninh, Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Bà Rịa chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh.
“17 giờ 30 phút ngày 3/5/1975 đoàn xuất phát. Sau 16 tiếng hành quân thì đến được đảo Hòn Chim, rồi rẽ vào Vụng Cá Mập (Côn Đảo). Tôi cho tắt máy, thả trôi tàu, tăng cường quan sát. Côn Đảo lúc này yên tĩnh đến lạ thường! Bất chợt chúng tôi thấy thấp thoáng sau hàng dương có bóng cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng; sau đó lại thấy có mấy người từ đó chạy ra, vừa chạy vừa vẫy tay rối rít. Đến mép biển, họ nhảy lên một chiếc thuyền gỗ, mải miết chèo ra chỗ tàu chúng tôi đang thả neo. Cập mạn, họ đồng thanh hô to: “Côn Đảo giải phóng rồi! Côn Đảo giải phóng rồi!”. Hóa ra toàn người mình cả! Qua họ tôi được biết nghe tin Sài Gòn thất thủ, chúa đảo Chính Khương vội bỏ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ anh em tù nhân trên đảo đã nổi dậy, diệt ác ôn, tự giải phóng rồi thành lập Uỷ ban Mặt trận giải phóng Côn Đảo. Vậy là cả hai phương án đã chuẩn bị đều không phải thực hiện. Tiểu đoàn Bộ binh chỉ việc đổ bộ lên đảo rồi tỏa đi cắm chốt trên đảo”, Đại tá nhớ lại.
Khi biết có lực lượng Hải quân ra đón tù nhân, Ủy ban tổ chức một cuộc họp đại diện dân chúng và tù nhân, thông báo, từ nay mọi việc trên đảo tạm thời do Ủy ban điều hành. Tất cả các tù nhân được trả tự do, chờ chính sách của cách mạng. Trước mắt, theo chỉ thị của trên, các tù nhân sẽ lần lượt được đưa về đất liền. Chuyến đầu có thể đưa được khoảng 250 người, ưu tiên những người từng bị địch tuyên “án tử” nhưng chưa kịp hành quyết, người bị giam cầm lâu nhất, người ốm yếu, phụ nữ, người già. Trước khi về, tất cả cùng được dự một bữa liên hoan nhỏ. Ba giờ sau những người được về đã tập trung, ai cũng hân hoan dù nhiều người sau thời gian bị giam cầm nhìn gầy gò, ốm yếu. 16 giờ (ngày 4/5/1975) tàu nhổ neo. Những người ở lại chạy ra sát biển vẫy chào. Thủy thủ trên tàu cũng xếp thành hai hàng dài trên boong, vẫy tay chào tạm biệt những người ở lại. Nhiều người bật khóc vì xúc động. Đêm ấy biển lặng, hiền hòa, giữ cho những người vì lòng yêu nước chấp nhận gông cùm, xiềng xích một đêm bình yên trở về đất mẹ…
Lần gặp gần đây, Đại tá Nguyễn Xuân Bột không nhắc nhiều đến “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chỉ kể chuyện lần ông được đơn vị cũ mời vào Đà Nẵng dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Lữ đoàn Hải quân 172, đón nhận danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Mỹ. “Tôi đưa cả bà nhà tôi vào, được đơn vị cũ đón tiếp trang trọng. Gặp tôi, có ông tướng xưa là cấp dưới biếu tôi mấy triệu đồng, bảo biếu thủ trưởng uống rượu. Tôi đưa cả cho bà nhà tôi!”, ông kể rồi cả hai ông bà cùng cười vui vẻ.