Ngày 18/7 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đánh giá, đến nay tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đã tăng ở tất cả các tuyến.
Ảnh minh họa.
50% thuốc nội đáp ứng nhu cầu của người dân
Tổng kết quá trình thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, TS Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện và tuyến tỉnh đã tăng lên so với trước đây.
Cụ thể, năm 2018, tỉ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%. Nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Đáng chú ý, trên 50% số địa phương đạt tỉ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước. Điển hình như giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám, chữa bệnh công lập chiếm tỉ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng lên đến 87% (năm 2018).
Theo báo cáo của các Sở Y tế: Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Long An… hiện các địa phương này có tỉ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018. Tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỉ lệ thuốc sử dụng trong nước cao và đạt mục tiêu đã đề ra như Bệnh viện trung ương 71 Thanh Hoá, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Phong Da liễu trung ương Quy Hòa… đạt tỉ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng năm 2018.
Cùng với đó, số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện, cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S (Công ước về Thanh tra Dược và Chương trình hợp tác thanh tra).
Ngoài ra, thuốc sản xuất trong nước còn đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Đã có 652 thuốc trong nước được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc và thuốc phát minh.
Có thể thấy, những con số thống kê về tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước không chỉ khẳng định chất lượng của thuốc được sản xuất ở trong nước, mà còn thay đổi suy nghĩ của người dân, tạo nên chuyển biến mới cho ngành dược.
Bớt dần tâm lý “sính ngoại”
Từ lâu, tâm lý “sính ngoại” luôn tồn tại trong nhận thức của không ít người. Nhiều người cho rằng thuốc được sản xuất ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước lớn sẽ cho chất lượng tốt hơn so với thuốc nội được sản xuất ở trong nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân về thuốc nội, thuốc sản xuất ở trong nước đã tăng đáng kể sau khi Bộ Y tế thực hiện hàng loạt các buổi toạ đàm (truyền hình, phát thanh) nhằm quảng bá tính ưu việt của thuốc Việt. Định kỳ mỗi năm 2 lần, Bộ Y tế cũng tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu thuốc Việt tới thế giới, hội thảo đánh giá hiệu quả điều trị và chất lượng sản phẩm của thuốc nội nhằm thay đổi thói quen “sính ngoại” đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân.
Nhằm đưa thuốc nội đến gần hơn với người dân, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân thông qua nhiều hoạt động như: Tổ chức tọa đàm, xây dựng phóng sự, quảng cáo, talkshow trên các kênh phát thanh, truyền hình với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, giới thiệu những chủ trương, chính sách, các sản phẩm thuốc, nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt” theo khuyến cáo của WHO góp phần tăng cường hiểu biết cho người dân và cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, thuốc sản xuất tại Việt Nam đảm bảo hiệu quả điều trị, có giá thành rẻ hơn thuốc ngoại nhập.
Thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu đề ra trong đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản đó là giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; giải pháp đối với các cơ sở sản xuất thuốc và giải pháp về truyền thông.