Chính phủ

Người Việt Nam ở nước ngoài mong có chính sách trọng dụng các nhà khoa học

Quang Vinh, Việt Thắng 22/08/2024 11:53

Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu đã phản ánh về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngày 22/8, tại hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu cho biết, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng lớn mạnh, không chỉ gia tăng về số lượng mà mức độ hội nhập, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thành công trong sự nghiệp và tham gia vào đời sống chính trị tại các quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Cộng đồng NVNONN dù ở đâu vẫn luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước.

z5754917256111_4d21c279808f7b4547dc7c7624c69b59.jpg
Ông Hoàng Đình Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Thắng nói rằng: "Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước. Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước".

Thay mặt Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu, ông Thắng đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN thành các quy định pháp luật cụ thể để NVNONN được gần gũi hơn với quê hương với tư cách là người con đất Việt.

Luật căn cước 2023 đã được ban hành, ông Thắng mong sớm có hướng dẫn cụ thể về việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân nhằm tạo điều kiện cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Ông Thắng kiến nghị, cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai. Bởi nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.

Về việc hỗ trợ cộng đồng, ông Thắng kiến nghị, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập và phát triển. Hỗ trợ thành lập mới các hội đoàn NVNONN phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, tạo các diễn đàn cho cán bộ hội đoàn NVNONN có “sân chơi” để kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi cử ra nước ngoài. Xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của NVNONN, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch.

Ông Thắng cũng cho rằng cần, tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức NVNONN thông qua các hoạt động như kết nối mạng lưới trí thức NVNONN với các cơ quan, địa phương trong nước. Tạo diễn đàn quy mô lớn cho chuyên gia, trí thức NVNONN bày tỏ sáng kiến, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước. Tạo điều kiện cho kiều bào ta về nước làm việc, cống hiến.

“Có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức NVNONN. Tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ, giao lưu kinh tế với các nước, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp người Việt ở sở tại giao lưu, kết nối, chia sẻ, góp phần thúc đẩy từng doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường sở tại, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn để kiều bào có thể đầu tư về trong nước”-ông Thắng kiến nghị và đề nghị quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt, cử thêm giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em NVNONN ở sở tại. Tăng cường chương trình liên kết, trao đổi sinh viên Việt Nam với các nước; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với sở tại và phục vụ cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin trong nước ra nước ngoài với các phương thức truyền tải và mô hình tiếp cận mới, phù hợp với cộng đồng, nhất là lớp trẻ thế hệ thứ 2, thế thệ thứ 3 của người Việt ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt Nam ở nước ngoài mong có chính sách trọng dụng các nhà khoa học