Bà Ngô Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BDH cho rằng, ở Việt Nam, đơn vị dẫn đầu phim truyền hình vẫn là VTV, ngoài ra các đối tác khác có đài THVL, SCTV… sản xuất rất ít, trung bình một năm chỉ có 2-3 bộ phim. Trong khi, tại thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc con số này gần như gấp đôi, thậm chí là gấp 3.
Trong danh sách Top 10 bộ phim truyền hình được người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất google năm 2022, nổi bật nhất là phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó chỉ có 1 phim Thái Lan duy nhất xuất hiện.
Những tác phẩm Hàn Quốc, Trung Quốc nổi đình đám trong năm qua như:“Hẹn hò chốn công sở”, “Big Mouth”, “Tinh hán xán lạn", “Chiếc bật lửa và váy công chúa”... đều góp mặt. Trong khi đó, phim Việt Nam lại hoàn toàn “thất thu” ngay trên chính sân nhà.
Lý do khiến phim Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn đầu?
Dẫn đầu Top 10 bình chọn là bộ phim “Hẹn hò chốn công sở” của xứ sở Kim Chi. Chuyện phim xoay quanh tình yêu ngọt ngào giữa nữ chính Shin Ha Ri (Kim Se Jeong) - nhân viên bình thường và Tổng Giám đốc Tae Moo (Ahn Hyo Seop). Ra mắt hồi tháng 2, tác phẩm từ xứ Kim chi nhanh chóng gây "sốt" tại Việt Nam nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tự nhiên cùng nội dung gần gũi, vui nhộn.
Theo trang The Star của Hàn Quốc, phim thành công một phần nhờ giữ được tinh thần của bản webtoon A Business Proposal (tác giả Haehwa), có 450 triệu lượt xem. Tác giả Haehwa cho biết cô không tham gia tuyển chọn dàn diễn viên nhưng hoàn toàn bất ngờ vì tạo hình của họ hoàn toàn giống truyện tranh.
“Big Mouth” đứng thứ hai trong danh sách vừa được Google công bố. Bộ phim lên sóng đài MBC (Hàn Quốc) từ tháng 7/2022, thu hút sự chú ý ngay từ tập đầu nhờ sự góp mặt của Lee Jong Suk và Yoona. Tác phẩm là câu chuyện về một luật sư tầm thường vô tình bị cuốn vào cuộc điều tra án mạng. Anh bất đắc dĩ giả làm thiên tài lừa đảo “Big Mouse” để bảo vệ tính mạng của bản thân, sự an toàn của gia đình cũng như vạch trần những âm mưu của các thế lực xấu xa.
Cũng trong danh sách Top 10 được Google công bố, “Tinh hán xán lạn”, “Chiếc bật lửa và váy công chúa”, “Trầm vụn hương phai”… là những bộ phim Trung Quốc được khán giả Việt Nam tìm kiếm nhiều trong năm 2022. Dễ thấy các bộ phim được khán giả yêu thích chủ yếu khai thác đề tài tình yêu, cùng với câu chuyện nhẹ nhàng, phim nhanh chóng chiếm được cảm tình từ người hâm mộ.
Đánh giá về sự thành công của phim truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc, nhiều chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này thừa nhận, hiệu quả từ việc đầu tư cho truyền hình tại đây là rất lớn. Không chỉ tạo tiền đề cho điện ảnh phát triển mà con là bước đệm thúc đẩy các ngành công nghiệp khác.
Hướng đi cho phim Việt Nam
Tổng giám đốc BDH - bà Ngô Bích Hạnh nhận định, sở dĩ phim Hàn Quốc và phim Trung Quốc có lượng người tìm kiếm nhiều hơn xuất phát từ chính sách hỗ trợ sản xuất phim để quảng bá. Ở Việt Nam, hầu như các đơn vị đều phải tự tìm cách do không có đối tác hỗ trợ. Hơn nữa, bản thân ngành công nghiệp truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã có thâm niên nhiều năm, có kinh nghiệm đầu tư phim lớn.
Theo bà Hạnh, ở Việt Nam, đơn vị dẫn đầu phim truyền hình vẫn là VTV, ngoài ra các đối tác khác có đài THVL, SCTV… sản xuất rất ít, trung bình một năm chỉ có 2-3 bộ phim. Trong khi, tại thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc con số này gần như gấp đôi, thậm chí là gấp 3. Vì vậy, muốn phim Việt Nam đa dạng, phong phú thì phải có thêm các đơn vị khác cùng cạnh tranh nhằm tạo nên một bữa tiệc đa màu sắc trên thị trường điện ảnh Việt Nam (bao gồm cả truyền hình).
Bà Hạnh cũng nhấn mạnh: Có rất ít các đơn vị đầu tư vào thị trường phim truyền hình Việt Nam, so với thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc. Muốn thay đổi thị trường phim truyền hình trong nước cần có thêm nhiều đơn vị nữa đầu tư, chứ không thể trông chờ vào 1, 2 đơn vị để thay đổi toàn bộ thị trường phim truyền hình.
Đề xuất hướng đi cho phim truyền hình Việt Nam, bà Ngô Bích Hạnh bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách nâng tầm điện ảnh của Nhà nước.
“Đã có nhiều phim của các hãng tư nhân được đánh giá tốt, đoạt các giải thưởng cao. Đó là một tín hiệu đáng mừng khi nhìn nhận về thị trường phim Việt Nam một năm qua. Mặc dù chất lượng phim Việt Nam đang ổn định, đồng đều nhưng đang thiếu tính đột phá. Để tìm được hướng đi cho sự phát triển của phim truyền hình cần đến chi phí và tầm nhìn xa và rộng hơn”, Tổng Giám đốc BDH nhìn nhận.