"Những gì khủng khiếp nhất đã qua” hay “điều tồi tệ nhất đã ở lại phía sau” là chia sẻ của nhiều người Việt Nam đang làm ăn hay của các du học sinh đang học tập, sinh sống ở Nhật Bản, khi được hỏi về dịch Covid-19 thời điểm hiện tại. Dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song người Việt Nam ở Nhật Bản vẫn luôn tương trợ, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua khó khăn nơi xứ người.
Đoàn kết, sẻ chia
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Nhật Bản khiến nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều người Việt mất việc làm và cũng không thể trở về quê hương do đường hàng không hạn chế. Nhiều người trong số đó là những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ. Họ sang Nhật mang theo hoài bão và ước mơ lập nghiệp, nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến cho những dự định ban đầu không thực hiện được. Họ thất nghiệp, không có việc làm, không có thu nhập. Nhiều người trong số đó đã phải tìm đến cửa Phật, xin sự trợ giúp từ Sư cô Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Chùa Đại Ân Honjo (Tokyo), hiện là Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Sư cô Thích Tâm Trí đã chia sẻ từng bữa cơm, nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn; thậm chí hỗ trợ để đưa tro cốt của những người xấu số là những du học sinh, thực tập sinh về nước an toàn. Hơi ấm từ những việc làm của Sư cô Thích Tâm Trí đã lan tỏa rộng rãi, vừa là tình người, tình đồng hương, vừa là lòng trắc ẩn, tình yêu thương nhau tha thiết đã ấp ôm làm dịu những nỗi lo sợ, cơn đói của những người sống nơi đất khách quê người.
Chia sẻ về những việc làm thiện nguyện của mình, Sư cô Thích Tâm Trí cho biết, thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới chao đảo và sự bất an dường như bao trùm cả thế giới. Nhưng cũng chính từ trong sự bất an đó, con người dường như nhận ra những chân giá trị trong hoàn cảnh khắc nghiệt mang tính toàn cầu để cùng vượt qua gian khó.
Để giúp đỡ được nhiều người Việt khó khăn, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản do Sư cô Thích Tâm Trí làm hội trưởng đã chủ động hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, kêu gọi nhiều tổ chức, cơ quan của Nhật Bản giúp đỡ cộng đồng người Việt. Hội đã vận động quyên góp được hơn 90 tấn gạo, 3.500 thùng mì ăn liền, 300 tấn thực phẩm khô các loại, 500.000 khẩu trang và dung dịch sát trùng đã được hội quyên góp và chuyển thành các phần quà ý nghĩa gửi tới các hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, chùa Đại Ân Honjo cũng là một địa điểm cưu mang những hoàn cảnh cơ nhỡ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, làn sóng Covid-19 như một thảm họa càn quét khắp thế giới. Sư cô Thích Tâm Trí đã kêu gọi sự trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân rồi lại đến tận nơi du học sinh, thực tập sinh người Việt, người Nhật Bản gặp khó khăn để trao quà, thăm hỏi, động viên. Hàng nghìn người đã có sự chia sẻ ấm áp, có chỗ ăn, chỗ ngủ khi dịch Covid -19 đang hoành hành. Chính sự bao bọc và yêu thương đó đã làm nỗi sợ hãi, bất an dường như đã qua đi, sinh lực mới cho cuộc sống mới lại được nhen nhóm từ vóc dáng bé nhỏ nhưng tràn ngập yêu thương từ Sư cô Thích Tâm Trí.
Không chỉ riêng Sư cô Thích Tâm Trí mà những ngày gần đây, anh Đỗ Văn Tuân, người Việt Nam hiện đang sống tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội người Việt tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi cũng đang tích cực giúp đỡ người Việt cơ nhỡ lâm vào cảnh khốn cùng tại Nhật. Đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản, có người bị mất việc, có người không còn nơi ăn chốn ở. Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp, anh Tuân nhận được nhiều hơn bao giờ hết những lời đề nghị xin được giúp đỡ. Để giúp đỡ được nhiều người, anh Tuân cũng tự bỏ tiền túi đi mua và dự trữ thực phẩm trong nhà, để bất cứ lúc nào cũng có thể hỗ trợ kịp thời cho những người gặp khó khăn.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Đỗ Văn Tuân cho biết, bản thân mình đã sang Nhật được 8 năm, làm nhiều công việc khác nhau từ phiên dịch cho đến giáo viên dạy ngôn ngữ nên thu nhập khá ổn định. Nhưng khi dịch bùng phát mạnh, nhiều công ty phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất đã khiến cho nhiều lao động tự do, lao động chân tay là người Việt bị mất việc làm. Xa nhà, xa quê hương, xa người thân không người bấu víu, nhiều người rơi vào hoàn cảnh bi đát. Chứng kiến điều đó, nên anh Tuân luôn mong muốn được giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Cùng đi qua gian khó
Tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau của người Việt đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Tinh thần ấy được khẳng định khi đất nước gặp thiên tai, địch họa. Do đó, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này, tinh thần yêu thương, đoàn kết của những người con Việt lại được trỗi dậy mạnh mẽ. Không đứng ngoài những gian khó đó, các Hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản như: Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Người Việt Nam tại Nam Trung Nhật Bản, Hội Giao lưu văn hóa thể thao Việt Nam tại Nhật Bản, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản... cũng vào cuộc một cách mạnh mẽ bằng những việc làm và hành động thiết thực nhất. Đặc biệt, khi chủng mới Covid-19 có tốc độ lây lan mạnh, nạn thất nghiệp ra tăng, các Hội đoàn đã tổ chức nhiều đợt để cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm thông qua vận động, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm như: Lương thực, thực phẩm, khẩu trang cũng như hỗ trợ các thông tin cần thiết để người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Ngoài ra, Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Thanh niên sinh viên tại Nhật Bản, Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản, Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo, nhiều hoạt động tư vấn trực tuyến nhằm hỗ trợ người Việt Nam tìm việc, chuyển việc làm tại Nhật Bản, chia sẻ và phổ cập thông tin về những vấn đề trong phòng, chống dịch bệnh để người Việt chủ động có những biện pháp phòng, chống hữu hiệu nhất.
Tính đến hết năm 2020, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới hơn 420.000 người. Hơn một năm trở lại đây, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã làm cộng đồng Việt tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Trong đó, rất nhiều du học sinh, thực tập sinh mất việc làm, không có thu nhập, chật vật với cuộc sống. Với những nỗ lực của cả Đại sứ quán và các tổ chức, Hội đoàn, cá nhân người Việt và người Nhật trong hơn một năm qua, mặc dù Nhật Bản là một địa bàn “khá nóng” về Covid-19, nhưng may mắn cho đến nay số lượng người Việt nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản không nhiều và chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Theo ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Nhật Bản, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới cộng đồng người Việt Nam vì phần lớn các thực tập sinh, du học sinh Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi nhiều học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học dưới dạng tự túc phải đi làm để kiếm thêm thu nhập. Đây là các đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid- 19, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân công và thậm chí, phải ngừng hoạt động. Tình hình này đã khiến số lượng người Việt Nam muốn hồi hương tăng đột biến. Tuy nhiên, do khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly ở trong nước hạn chế nên mỗi tháng, chỉ có một số lượng nhất định, khoảng 1.000 người được hồi hương. Ngoài ra, để giúp đỡ người Việt bớt khó khăn hơn, Đại sứ quán Việt Nam cũng đang nỗ lực vận động chính quyền Nhật Bản và các công ty cho phép các lao động hết hạn hợp đồng được gia hạn và được tiếp tục làm việc. Hiện khoảng 10.000 người đăng ký về nước đã được tiếp tục làm việc trở lại trong thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, thời điểm hiện tại, vấn đề khó khăn hơn cả là hỗ trợ cho những người không thu xếp được công việc, không có chỗ ăn, chỗ ở và đặc biệt là những lao động tự do. Đây là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch bởi họ không có hợp đồng nên không có cơ chế gì để bảo hiểm cho họ, không có công ty hay cơ quan nào hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở, hoặc thu xếp việc làm. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức từ thiện để mở các khu cung cấp chỗ ở miễn phí cho các đối tượng này. Tính đến nay, đã có 4 khu như vậy được mở ra, hỗ trợ cho khoảng 1.000 người, trong đó có nhiều lao động tự do.