Trong số các quốc gia Đông và Trung Âu thì Romania có số lượng người Việt sinh sống ít nhất với khoảng gần 600 người, thu nhập chủ yếu bằng kinh doanh ở thủ đô Bucharest. Đặc điểm nổi bật của cộng đồng người Việt nơi đây là sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Vợ chồng anh Lữ, chị Hà tại quầy hàng của mình.
Ngày nào cũng vậy, khoảng 6h30, chị Lan lại lái xe đến khu chợ Dragosul ở thủ đô Bucharest, nơi chị bán hàng quần áo. Chị luôn mang theo cập lồng cơm và túi hoa quả, là bữa trưa của chị và người phụ nữ Romania phụ việc.
Sống tại Bucharest từ gần 20 năm nay, người phụ nữ xấp xỉ tuổi 60 quê Thái Bình này được hết thảy bà con người Việt quý mến bởi lòng tốt, sự chân thành, nhiệt tình và đặc biệt nghị lực vượt qua những nỗi đau lớn. Mỗi khi có người từ trong nước ghé qua Bucharest thì căn hộ của chị là nơi đón tiếp ấm cúng, giúp mọi người xua tan cảm giác e ngại nơi đất khách quê người.
Khu thương mại Dragonul mà bà con Việt Nam quen gọi là chợ nằm cách thủ đô Bucharest khoảng 10 km. Đây là trung tâm bán buôn lớn nhất châu Âu với chủ yếu các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ trang trí trong gia đình được nhập từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Hầu hết bà con người Việt ở thủ đô Bucharest tập trung kinh doanh tại khu chợ này.
Dragosul hoạt động hàng ngày từ 7h00 đến 16h00 từ thứ 2 đến thứ 7. Khu này trước kia là Trung tâm thương mại Europa, sau người Trung Quốc đầu tư vào đây nên đổi tên thành Dragosul (Con Rồng - tiếng Romania). Người kinh doanh ở đây chủ yếu là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Người Việt kinh doanh tại khu chợ Dragosul xuất thân từ những thành phần khác nhau. Có người trước kia từng học tập tại Bulgaria, Romania, sau biến động chính trị ở Đông Âu thì quay lại Bucharest kiếm sống bằng kinh doanh. Có người là con cái của cán bộ sứ quán Việt Nam thời những năm 80 rồi cũng ở lại buôn bán. Sau khi cuộc sống ổn định, họ đưa anh em, họ hàng sang và hình thành một cộng đồng người Việt ở thủ đô Bucharest. Đó là trường hợp gia đình anh Minh, chị Liên, định cư tại Bucharest từ hơn 20 năm nay, hiện có một đại gia đình gồm hơn 50 người.
Các gia đình đều buôn bán ổn định, sắm được nhà, được xe, con cái được đi du học tại Mỹ, Anh. Cuối tuần, cả đại gia đình lại tụ họp ăn uống, thăm hỏi nhau. Tết Âm lịch, phụ nữ, trẻ em đều mặc áo dài đứng lễ trước bàn thờ tổ tiên. Dù sống xa quê hương nhưng nét đẹp truyền thống văn hoá vẫn được gia đình duy trì.
Những đứa con làm nên tự hào
Dù phải bôn ba kiếm sống nơi đất khách quê người nhưng bà con người Việt luôn chú trọng đầu tư học tập cho con cái. Ở Bucharest, ai ai cũng nhắc tới gia đình anh Trần Văn Lữ và chị Bạch Thị Hà với ba người con trai đều là những học sinh xuất sắc của Romania. Đặc biệt con trai út của anh chị, cháu Trần Bạch Nguyên, 14 tuổi, là thành viên đội tuyển quốc gia Romania tham dự cuộc thi Olympic toán học trẻ khu vực Balcan năm 2017 và giành huy chương vàng.
Quê Nghệ An, anh Lữ vốn là lưu học sinh Việt Nam tại Romania thời kỳ 1975-1981 sau đó làm việc tại Viện thiết kế Bộ Xây dựng. Trong một dịp trở lại thăm trường cũ, gặp bạn bè xưa, tình đất, tình người Romania đã níu kéo anh, lại thêm cuộc sống trong nước bộn bề khó khăn nên anh Lữ quyết định quay lại Romania lập nghiệp. Chị Hà, vợ anh, lúc đó đang có công việc ổn định tại Ngân hàng Nhà nước, cũng ngậm ngùi bỏ việc theo chồng.
Chỉ mới một tuần trên đất khách, quê người, lạ nước, lạ cái, khó khăn chồng chất, chị đã muốn quay lại Việt Nam với những người thân. Rồi nhờ sự giúp đỡ của anh em, bè bạn, cuộc sống của anh chị dần ổn định. Anh chị hiện cũng có một quầy hàng tại chợ Dragosul.
Anh Lữ tâm sự: tâm niệm của tôi là làm mọi giá để các con có thể tập trung học tốt. Không phụ công của bố mẹ, ba người con của anh đều là những học sinh xuất sắc về toán học. Cậu con cả 22 tuổi hiện đang học tập tại Mỹ. Cháu thứ hai Trần Bạch Hải (18 tuổi) và Trần Bạch Nguyên đều giành huy chương vàng cho Romania trong các cuộc thi Olympic toán học khu vực Balkan.
Còn đối với anh Nguyễn Ngọc Bảo, 56 tuổi, sống tại Bucharest từ năm 1993, thì con cái cũng là niềm tự hào của gia đình. Cậu con trai lớn của anh (22 tuổi) hiện trở thành nhân viên của UNICEF sau cuộc thi tuyển căng thẳng cùng với nhiều thanh niên châu Âu khác. Còn cậu thứ hai (21 tuổi) hiện đang là sinh viên Đại học kinh tế ở Bucharest.
Những đứa trẻ giỏi giang không chỉ là niềm tự hào riêng của gia đình mà còn mang vinh dự cho cả cộng đồng người Việt Nam ở Bucharest. Đó cũng là một trong những lý do mà người Việt Nam được chính quyền sở tại ưu ái hơn công dân các quốc gia khác.
Anh Điện Văn Hùng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Romania cho biết bà con sinh sống tại Romania đều có giấy tờ hợp pháp, không có người sống lưu vong nên rất thuần. 100% bà con là hội viên và tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng mà Hội tổ chức vào các dịp lễ 30-4 và 1-5 ; Quốc khánh 2-9, rằm Trung thu, Tết nguyên đán. Mọi người đều sống đùm bọc, thân ái. Những chuyện vui, buồn của mỗi gia đình đều được cả cộng đồng sẻ chia, động viên.
Mái nhà chung của bà con người Việt
Hội người Việt Nam tại Romania được thành lập từ đầu những năm 1990 và thực sự là cầu nối gắn kết bà con. Lãnh đạo Hội đều là những con người tâm huyết, nhiệt tình như anh Điện Văn Hùng, Chủ tịch, anh Phạm Duy Hưng, phó Chủ tịch. Sự tận tình, lòng nhiệt huyết của các anh cùng những thành viên Ban chấp hành đã tạo nên sự sôi nổi cho các hoạt động của Hội.
Vào tất cả các ngày lễ lớn của dân tộc, Hội đều tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao để bà con có dịp gặp gỡ, chuyện trò, cùng uống với nhau chén rượu, cùng cất lời ca, tiếng đàn. Qua đó bà con càng thêm gắn bó, yêu thương nhau.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức lớp học tiếng Việt cho trẻ em, giáo viên là các lưu học sinh Việt Nam hiện đang học tập tại Bucharest. Nhờ đó, các em nhỏ, dù sinh ra và lớn lên tại Bucharest nhưng vẫn nói giỏi tiếng Việt và hiểu những truyền thống của dân tộc.
Để có được những hoạt động bổ ích cho cộng đồng, không thể không nói đến sự giúp đỡ tận tình của Đại sứ quán Việt Nam ở Romania. Đối với bà con nơi đây, Sứ quán như một ngôi nhà chung với cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Mọi hoạt động của Hội, đều được Sứ quán tạo điều kiện.
Theo ông Trần Quang Việt, tham tán công sứ, Hội người Việt Nam tại Romania hoạt động năng động, có trách nhiệm, luôn cố gắng phát huy bản sắc dân tộc ở nước sở tại để quảng bá hình ảnh tốt về đất nước, con người Việt Nam. Sứ quán luôn theo sát các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam, giúp đỡ họ trong những trường hợp cần thiết và điều quan trọng tạo cho mọi người cảm giác như được trở về ngôi nhà của mình mỗi khi bước qua cánh cổng của Sứ quán.