Người xóa hủ tục

Nguyễn Chung 17/10/2015 09:30

Suốt hơn 10 năm gắn bó với Mặt trận, ông Phạm Văn Thành luôn được xem là một cán bộ có nhiều sáng kiến hay trong các cuộc vận động do Mặt trận khởi xướng.

Người xóa hủ tục

Bằng sự chân thành và nhiệt tình trong vận động của ông Thành,
giờ đây đồng bào người Thái tại Sơn Điện đã không còn duy trì các hủ tục.

Lên vùng núi Quan Sơn, Thanh Hoá hỏi ông Phạm Văn Thành làm cán bộ Mặt trận ở xã Sơn Điện, chẳng ai lạ gì. Ông “nổi tiếng” không chỉ bởi là chủ tịch MTTQ xã duy nhất của 11 huyện miền núi ở xứ Thanh, vinh dự được đi báo cáo điển hình tại Thủ đô Hà Nội mà còn bởi, suốt hơn 10 năm gắn bó với Mặt trận, ông luôn được xem là một cán bộ có nhiều sáng kiến hay trong các cuộc vận động do Mặt trận khởi xướng.

Sau gần 4 tiếng đồng hồ rong ruổi trên Quốc lộ 217, với những con đèo, những khúc cua tay áo, nhiều đoạn tưởng mình lạc vào mây, cuối cùng tôi cũng đến được Sơn Điện (thuộc huyện miền núi Quan Sơn – Thanh Hóa) khi mặt trời đã xế bóng. Nụ cười hào sảng và cái bắt tay khá chặt của ông Thành khiến lằn ranh chủ - khách giữa tôi và ông nhanh chóng được xóa bỏ, thay vào đó là cảm giác gần gũi của những cố nhân lâu lắm mới có dịp gặp lại.

Ông là người dân tộc Thái, việc đến rồi gắn bó với công tác Mặt trận cũng thật tự nhiên, tình cờ. Ông kể, sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, trở về quê và tham gia nhiều công việc của địa phương. Thấy ông năng nổ, nhiệt tình với công việc, xã đã bầu ông làm Phó Chủ tịch HĐND xã. Được ít năm, trở thành người Mặt trận rồi gắn bó đến tận bây giờ.

“Làm công tác Mặt trận trên này khác dưới xuôi nhiều lắm! Người Mặt trận phải cần cù như con ong thợ, phải biết nói nhiều thứ tiếng như con chim trên rừng mới làm tốt được!” – ông vui vẻ chia sẻ.

Mà quả đúng như ông nói. Do đặc thù tập quán của nhiều dân tộc cùng chung sống, ông Thành phải thông thạo cả 3 ngôn ngữ của người Thái, người Mường, người Mông, am hiểu về văn hóa của từng dân tộc và…phải biết uống rượu mà không say.

Ngày ông sang nhận đảm đương công tác Mặt trận, đồng bào dân tộc ở đây còn chìm trong nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt là trong ma chay, cưới hỏi. Hủ tục như con ma rừng đeo bám, làm nghèo kiệt bản làng hết đời này qua đời khác… phải làm gì để giảm bớt và chấm dứt những điều này luôn là câu hỏi đau đáu chưa có lời giải với ông trong một thời gian dài. Thế rồi cơ hội cũng đến.

Khi đang loay hoay tìm hướng tiếp cận, vận động bà con thì cháu họ ông là Phạm Bá Đại - người bản Nhài mời ông họp gia đình để bàn chuyện lấy vợ.

Đại vốn là cán bộ đoàn xã nhưng có gia cảnh khá khó khăn. Để cưới được cô gái ở bản bên, Đại phải có 1 con lợn béo nặng 60kg, 30 lít rượu trắng, 3 triệu đồng tiền mặt và mấy chục nén bạc trắng theo điều kiện thách cưới của nhà gái. Không những thế, theo phong tục của người Thái, đám cưới phải mổ trâu bò, mời bà con ăn uống linh đình trong 3 ngày, một ngày thết tiệc riêng cho đám thanh niên là bạn bè cùng trang lứa…

Trong lúc gia đình đang vò đầu bứt tóc vì chưa biết tìm đâu ra nguồn tiền để làm đám cưới thì ông Thành đĩnh đạc đứng ra nhận trách nhiệm. “Đây là cơ hội để mình thay đổi những tập tục vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con! Biết là khó lắm đấy nhưng vẫn phải cố!” – ông Thành nhớ lại.

Khi cả họ chưa hiểu ông sẽ làm cách nào để lo cho đám cưới cho thằng cháu thì ông đã “khăn gói” sang nhà gái nói chuyện, phân tích những thiệt hơn. Ban đầu, phía gia đình và họ hàng nhà cô dâu không đồng ý, nhất quyết đòi phải đủ sính lễ như đã thách cho “bằng mày, bằng mặt” với anh em. Ông tiếp tục kiên trì đi lại nói chuyện, vận động nhiều lần, cuối cùng nhà gái cũng hiểu ra và đồng ý thách cưới chỉ với một con lợn và 1 triệu đồng, ngày cưới không phải tổ chức tiệc linh đình.

Đám cưới của cháu ông đã trở thành tiền lệ mới cho những đám cưới sau này của bà con dân tộc Thái tại Sơn Điện. Từ việc của Đại, ông tiếp tục mở nhiều đợt tuyên truyền đến tận hộ gia đình, cá nhân trong xã. Bằng sự kiên nhẫn, tận tụy của ông, đã không còn những đám cưới được tổ chức linh đình, những thách cưới nặng nề, các hủ tục… cũng dần được xóa bỏ.

So với 5 năm về trước, hôm nay Sơn Điện đã thay đổi nhiều. 6/11 bản của Sơn Điện đã đăng ký khai trương xây dựng làng văn hóa, trong đó có 1 bản đạt danh hiệu bản văn hóa cấp tỉnh, một bản đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Có được những thành tích đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người cán bộ Mặt trận như ông Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người xóa hủ tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO