Kiều hối là một yếu tố quan trọng khi nói đến nguồn lực kiều bào, thế nhưng một trong những nguồn lực đang được nhắc đến ngày càng nhiều hiện nay là nguồn lực con người. Ước tính mỗi năm có hàng ngàn lượt kiều bào về nước đầu tư và các đóng góp của họ mỗi năm chiếm khoảng trên dưới 5% GDP của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh- địa phương thu hút nguồn lực kiều bào mạnh nhất cả nước.
Thêm nguồn lực lớn để phát triển đất nước
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), dù năm 2016 lượng kiều hối chuyển về nước qua các kênh chính thức đã giảm xuống còn 9 tỷ USD, thấp hơn mức kỳ vọng tới 25%.
Tuy nhiên, WB vẫn đánh giá rất cao nguồn lực này của Việt Nam khi chúng ta vẫn duy trì vị trí thứ 3 châu Á và thứ 11 thế giới về thu hút kiều hối.
Trong quá khứ, mức tăng trưởng kiều hối từng khiến nhiều quốc gia châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc phải kính nể.
Chẳng hạn, nếu như năm 1993 kiều hối mới đạt 140 triệu USD thì 9 năm sau đã đạt 10 tỷ USD. Đến 2015 đã đạt đến con số ấn tượng là 13 tỷ USD.
Mặc dù vậy nhìn vào nguồn lực kiều bào hiện nay, không chỉ đánh giá riêng về lượng kiều hối. Thực tế, một nguồn lực khác đang lớn mạnh dần, đó là dòng đầu tư của kiều bào, đặc biệt là từ Mỹ và Đông Âu về nước đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong GDP thu nhập mỗi năm của quốc gia.
Theo các nhà phân tích kinh tế, chỉ tính trong 10 năm gần đây thì TP HCM đã trở thành địa phương hàng đầu của Việt Nam thu hút được lượng vốn đăng ký lớn do các kiều bào đầu tư về nước.
Trong đó, lượng kiều hối chuyển về trong các năm gần đây thậm chí còn thấp hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù còn nhỉnh hơn so với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và vốn ODA.
Những năm trước đây, kiều hối trên địa bàn TPHCM đạt tỷ lệ khoảng 45-47%, đến năm 2016 lượng kiều hối TP HCM dù giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 5 tỷ USD, chiếm đến 57% tổng lượng kiều hối cả nước. Kiều hối giảm nhẹ, nhưng TP HCM lại đang nổi lên như một điển hình về thu hút vốn đầu tư của kiều bào về nước.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phượng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, hiện có khoảng hơn 900 doanh nghiệp có vốn của kiều bào đầu tư tại thành phố, với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD.
Tính đến nay, TP HCM đã có hơn 120 dự án của kiều bào đầu tư, được cấp phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhiều doanh nhân tỷ phú của Việt Nam hiện nay đều có xuất xứ thời gian “thử lửa” từ các quốc gia ở khu vực Đông Âu và Hoa Kỳ, có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nhân gốc Việt.
Ông David Dương - Việt kiều Mỹ với biệt danh “vua rác” đã có hơn 10 năm đầu tư thành công tại TP HCM trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải đô thị.
Doanh nhân này đã biến một vùng Đa Phước của huyện Bình Chánh từ một nơi hoang vu trở thành một trong những Khu xử lý rác lớn nhất cả nước, với công nghệ chôn lấp, phân loại rác tại nguồn.
Chưa dừng lại ở đó, David Dương dự kiến bỏ tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 450 triệu USD vào Khu công nghệ môi trường xanh Long An.
Doanh nhân này chia sẻ rằng, có một thực tế là sau khi đất nước mở cửa là một làn sóng Việt kiều đầu tư về nước theo tiếng gọi trở về quê hương.
Thế nhưng cũng có rất nhiều người thất bại do nhiều nguyên nhân như: môi trường đầu tư thay đổi, thiếu hiểu biết về luật pháp, ngôn ngữ, xã hội, luật lệ, va vấp thực tế thiếu sự hỗ trợ…
“Tôi muốn dùng chính kinh nghiệm hơn 10 năm của mình để làm điển hình và chia sẻ sự thành công của mình để anh em Việt kiều lạc quan và tin tưởng trở về đầu tư nhiều hơn”- David Dương đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về môi trường đầu tư ở quê hương
.
Ngoài kiều bào từ Mỹ, theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, hiện nay đông đảo kiều bào, đặc biệt là các kiều bào ở Tây Âu và Bắc Mỹ cũng đang trở về thành phố đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đăng biệt là công nghệ cao, điện điện tử, năng lượng sạch,…
Điển hình như TS Trần Văn Bình, từng có 12 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt quốc gia DEMINEX/VEBA OIL (Đức) khi nhìn nhận những tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện gió tại quê nhà, đã nhanh chóng có quyết định trở về nước cống hiến.
Theo ông Bình, biển Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng sạch, không chỉ đủ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu năng lượng nếu biết cách khai thác tối ưu.
Và, khi chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ, trợ giá, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án (hiện vẫn còn nằm trên bản vẽ) mau chóng trở thành hiện thực thì mục tiêu về một nền kinh tế hướng ra biển của Việt Nam sẽ có khả năng đạt được như mong muốn (sử dụng khoảng 11% năng lượng tái tạo vào năm 2050).
Không riêng ông Bình, có rất nhiều kiều bào khi về nước đều bày tỏ mong muốn được cống hiến cho TPHCM, nơi có môi trường đầu tư hết sức thuận lợi trong các lĩnh vực công nghệ cao, CNTT và điện tử viễn thông.
Mới đây khi được lãnh đạo thành phố hỏi ý kiến, TS Lê Minh Hòa- giảng viên Đại học Northumbria (Anh) đã hiến kế về việc nghiên cứu hệ thống chiếu sáng và thông tin thông minh nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng cho đô thị lớn nhất nước.
Còn TS Vũ Tường Thụy- giảng viên Đại học Nottingham cơ sở tại Malaysia thì hiến kế trong việc xây dựng nguồn dữ liệu mở là việc cấp thiết, tạo điều kiện cho các đối tượng trong xã hội được khai thác và đóng góp để phát triển. Không chỉ riêng TP HCM mà nhiều địa phương khác ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về “Big Data” khi có một nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức và kỹ năng phù hợp cho phát triển công nghệ xử lý và làm chủ quản lý, khai thác dữ liệu lớn.
“Thảm đỏ” chưa êm
Có một thực tế, dù đã được nói đến rất nhiều, kiều bào góp ý qua các hội thảo, hội nghị khi có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ và UBND TP HCM, tuy nhiên dường như chưa thực sự có chuyển biến căn bản nhanh chóng trên thực tế.
Đó là vấn đề thủ tục hành chính vẫn rườm rà, nhiêu khê; giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; sự lấn cấn giữ chủ trương chung và triển khai sản xuất thực tế của doanh nghiệp; các bất cập về thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, quy hoạch đất đai,…còn gây nhiều bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Chính TS Đinh Thanh Hương- Việt kiều Pháp, đang công tác tại Tập đoàn Accenture của Mỹ khi được hỏi về xu hướng kiều bào đầu tư về nước, đã chia sẻ: “Tôi có một người bạn là tỉ phú tiền đô, rất thân thiết. Tôi muốn anh này về đầu tư tại Việt Nam nên đã tạo điều kiện để anh gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan trong nước. Nhưng cuối cùng, anh bạn này nói rằng cơ hội thì nhiều nhưng không rõ ràng lắm, anh cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Chưa kể là nhiều lĩnh vực tiềm năng nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đến nay, người này vẫn chưa đầu tư được”.
Như vậy, còn những băn khoăn nhất định của kiều bào mà chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng được.
TS Hoàng Xuân Bình- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan phải thốt lên rằng, cái đầu tiên mà kiều bào muốn mang về nước không phải là tiền mà là công nghệ, tri thức. Thế nhưng có thể nói rằng, các chính sách thu hút cũng chưa nhìn ra được “mỏ vàng” đầy tiềm năng này.
Thậm chí, ngay cả khi đã quyết định được điểm đến như TS Nguyễn Thanh Mỹ - Việt kiều Canada chia sẻ khi mới quyết định về Trà Vinh đầu tư thì ông cũng đã rất lo lắng về các chính sách của Nhà nước. Động lực thôi thúc duy nhất với TS Mỹ khi đó chính là niềm tự hào dân tộc và một quyết tâm thành công ngay trên quê hương.
GS Nguyễn Đăng Bằng- Việt kiều Pháp cho rằng, Việt Nam muốn tận dụng được các nguồn lực cho phát triển đất nước phải học hỏi được các mô hình từ ngoài nước.
Ông lấy cảm hứng từ mô hình của TP Cambridge (Anh), dù chỉ với 280.000 dân nhưng được biết đến như một trong những thành phố có nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới.
GS Bằng khuyên chính quyền TP HCM hiện nay đã là thành phố cởi mở, cũng nên tiếp nhận xu hướng mới, đặc biệt là tận dụng nguồn lực của đông đảo tầng lớp trí thức, kiều bào luôn sẵn sàng đóng góp.
Nhiều kiều bào cũng bày tỏ tâm huyết hiến kế với đất nước nên bắt nhịp với xu hướng hiện nay của thế giới đầu tư cho khoa học công nghệ.
Bởi vì chi phí đầu tư khoa học công nghệ là quan trọng nhưng không thể dựa vào kinh phí ngân sách mà cần huy động được các nguồn lực khác, muốn vậy cần có cơ chế đột phá.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phượng- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, hiện có khoảng hơn 900 doanh nghiệp có vốn của kiều bào đầu tư tại thành phố, với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Tính đến nay, TP HCM đã có hơn 120 dự án của kiều bào đầu tư, được cấp phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhiều doanh nhân tỷ phú của Việt Nam hiện nay đều có xuất xứ thời gian “thử lửa” từ các quốc gia ở khu vực Đông Âu và Hoa Kỳ, có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nhân gốc Việt. |