Thế giới tiếp tục khó khăn cùng với những diễn biến phức tạp về địa chính trị, lạm phát và suy thoái... Song, năm 2022, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Kiều hối vẫn ổn định ở mức cao
Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư đưa ra dự báo, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước, mặc dù thế giới vẫn bị tác động bởi đại dịch và lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia. Theo đó, lượng kiều hối về Việt Nam ước tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng từ 3,6 – 4,5% trong năm tiếp theo. Trước đó, năm 2021, kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục từ trước tới nay với 12,5 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, tổng lượng kiều hối về Việt Nam khá cao và TPHCM vẫn là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối chuyển về.
Nói về lượng kiều hối năm 2022, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thông tin, lượng kiều hối chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong năm 2022 ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Ông Lệnh cho biết, lượng kiều hối chuyển về trong năm 2022 là một kết quả đáng khích lệ.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, so với nguồn thu ngân sách thành phố thì lượng kiều hối chuyển về trong năm 2022 là không nhỏ. So với tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm chiếm 48%.
Về nguyên nhân giúp Việt Nam thu hút lượng lớn kiều hối, một số ý kiến đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng cởi mở hơn, tăng trưởng kinh tế những năm qua cũng khá ấn tượng nên đã thu hút dòng kiều hối ngày càng tăng. Việc kiểm soát dịch bệnh tốt không làm nền kinh tế bị đóng băng. Tất cả những điều này tạo nên niềm tin cho kiều bào chuyển tiền về nước. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM và lãnh đạo các ngân hàng đang kỳ vọng, kiều hối tiếp tục tăng mạnh trong dịp cận Tết. Lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng 20 – 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm vì thế lượng kiều hối chuyển về sẽ khả quan.
Đánh giá tầm quan trọng của lượng kiều hối, tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân TPHCM vào tháng 12/2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố kỳ vọng tiếp tục tăng ở mức cao, nhất là thời điểm cận Tết.
Tăng hiệu quả đầu tư từ lượng kiều hối
Mong muốn đón nhận lượng kiều hối lớn vào dịp cuối năm, nhiều công ty kiều hối, ngân hàng “chạy đua” các chương trình khuyến mãi nhằm hút lượng kiều hối và tăng lợi nhuận dịch vụ. Đơn cử, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Western Union tung chương trình “Mùa kiều hối Agribank, nhận tiền nhanh - nhiều quà tặng” với hơn 19.000 giải thưởng, tổng trị giá lên đến 1,9 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng triển khai chương trình “Kiều hối đến tay - lì xì vào túi”. Theo đó, cá nhân sử dụng dịch vụ nhận tiền mặt từ nước ngoài chuyển về tại các điểm giao dịch của ngân hàng thông qua công ty kiều hối MoneyGram sẽ có cơ hội được tặng tiền.
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng tăng lợi nhuận từ những hoạt động dịch vụ, mà còn thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối hoặc đẩy mạnh hoạt động đầu tư giúp tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều năm gần đây không đơn thuần là hỗ trợ người thân mà còn có mục đích đầu tư. Chẳng hạn mua bất động sản, gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán...
PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng nhận định, kiều hối vẫn đang rất ổn định. Việt Nam là một trong 10 nước nhận được kiều hối lớn nhất thế giới. Trong đó, ước tính có khoảng 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Còn TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM nhìn nhận, trong bối cảnh thành phố gặp khó khăn về vốn để phát triển thì kiều hối vẫn là một trong những nguồn vốn quan trọng. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, cần có giải pháp cũng như định hướng cụ thể để lượng kiều hối về TPHCM chảy vào đầu tư, sản xuất nhằm tạo ra giá trị lan tỏa tốt hơn, không đơn thuần chỉ phục vụ tiêu dùng.
Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư nhằm hấp dẫn lượng kiều hối đổ vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hướng đến hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất vừa và nhỏ, quỹ kiều hối bất động sản... hỗ trợ khởi nghiệp. Luật Nhà ở cũng nên cởi mở hơn để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam tạo điều kiện để Việt kiều giao lưu, gắn bó với quê hương. Kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác khi không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ kiều hối rất lớn.
Nhiều chuyên gia nhận định tình hình kinh doanh bất động sản có thể sẽ được cải thiện nhờ sự gia tăng dòng kiều hối, nguồn vốn FDI và mong muốn sở hữu nhà ở vào dịp cuối năm. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay đạt 14-16 tỉ USD, sẽ là trợ lực giúp thị trường thanh khoản tốt hơn. Theo lãnh đạo các ngân hàng, những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi. Vì thế, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ khả quan.
Dòng kiều hối tiếp tục khả quan
Báo cáo về Di trú và Phát triển do WB thực hiện đưa ra dự báo năm 2023, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Kiều hối chuyển về Việt Nam không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, việc cởi mở hơn cơ chế, chính sách cho các Việt kiều để thu hút kiều hối là điều cần thiết nên làm.
Ông Vũ Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cho biết nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới. Song, tình hình đã cải thiện tích cực vào nửa cuối năm nên tính chung cả năm, lượng kiều hối vẫn khả quan. “Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vốn là mùa cao điểm của kiều hối. Đây thực sự là một nguồn vốn đầu tư quan trọng để phát triển nền kinh tế với lợi thế lớn nhất là không tiềm ẩn rủi ro” - ông Trung nhận định.