Nguồn tài trợ phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm: Người điều trị ARV sẽ ra sao?

Hồng Hà 07/07/2016 10:45

Những năm qua, Việt Nam đã giảm được nhiều tiêu chí về số người mắc mới và tử vong cho HIV/AIDS. Kết quả đó có được một phần là do nước ta nhận được nguồn viện trợ trong công tác phòng chống HIV/AIDS bền vững từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Thế nhưng, hiện các nguồn tài trợ đã đang và còn tiếp tục bị cắt giảm khiến cho những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS lo lắng.

Nguồn tài trợ phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm: Người điều trị ARV sẽ ra sao?

Điều trị bằng ARV là cơ hội giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh.

Hơn 227.000 người có H cần được chăm sóc

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại chính sách về Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động phòng chống HIV/AIDS, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hiện trên toàn quốc có hơn 227.000 người có HIV cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời. Trong điều trị HIV/AIDS thì thuốc kháng virus (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khoẻ của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến tháng cuối tháng 4/2016 đã có khoảng 110.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Phần lớn nguồn thuốc ARV chiếm đến khoảng 95% là miễn phí do được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Thế nhưng thời gian qua các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017.

Vậy việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình điều trị của người nhiễm HIV/AIDS? Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS thì, năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ cho mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh tài trợ rút đi. Trong thời gian tới, khi không còn viện trợ thì bảo hiểm y tế đang được xác định là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV được điều trị.

Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí cho mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và bền vững điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bao gồm cả ARV cần thông qua bảo hiểm y tế.

Theo lộ trình thì đến đầu năm 2017, thuốc ARV sẽ được chuyển sang phương thức chi trả bằng bảo hiểm y tế. Như vậy, việc tham gia bảo hiểm y tế là phương án giúp duy trì điều trị liên tục đối với người có HIV và là phương án khám, chữa bệnh hiệu quả, tiết kiệm cho những bệnh nhân nhiễm mới trong tương lai.

Thờ ơ với bảo hiểm

Thế nhưng, theo ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, điều đáng băn khoăn hiện nay là số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế ở mức thấp. Theo khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 30-50% bệnh nhân mắc HIV có thẻ. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn quốc là 77% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

Như tại TP HCM, hiện mới chỉ có 20% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn có thẻ BHYT, phần lớn người nhiễm HIV không thiết tha tham gia BHYT vì nhiều lý do, trong đó có cả sự lo ngại bị kỳ thị. Hiện thành phố đã triển khai chương trình thí điểm BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 và Thủ Đức, tuy nhiên số bệnh nhân tham gia chưa nhiều.

Con số trên đã phản ánh thực tế rằng, vẫn còn rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS chưa quan tâm đến việc BHYT, đây chính là thiệt thòi lớn cho họ trong quá trình điều trị. Về nguyên nhân, theo bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, đa số người nhiễm HIV là người nghèo, có nhiều gia đình, vợ chồng và các con của họ đều bị nhiễm HIV.

Do sức khỏe yếu nên thường xuyên phải điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội rất cần bảo hiểm y tế nhưng họ lại không đủ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình.

“Dù Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định hộ cận nghèo được miễn 50% tiền mua bảo hiểm y tế, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí. Nhưng theo quy định việc xác định hộ nghèo đa chiều như hiện nay, được công nhận hộ gia đình nghèo để được cấp thẻ bảo hiểm y tế là hết sức khó khăn. Chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với những người có HIV” – Bà Trâm nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, mỗi bệnh nhân khi vào viện, nếu tính đủ chi phí lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Nếu không có nguồn hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế, ngay lập tức trở thành hộ nghèo. Và với những bệnh nhân có HIV thì lại càng cần thiết hơn.

Thuốc kháng virus (ARV) hiện nay đang được xác định là cứu cánh, là cơ hội giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh. Khi điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người chưa nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Điều trị bằng ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn tài trợ phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm: Người điều trị ARV sẽ ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO