Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa dân số đang nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Nỗi niềm của người cao tuổi
“Nơm nớp lo” đó là tâm trạng của vợ chồng bà Nguyễn Thị Vui (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khi được hỏi về cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Ở tuổi ngoài 60 cả hai vợ chồng bà Vui hàng ngày vẫn phải đi dọn dẹp nhà thuê, ai thuê gì làm nấy. Tối về chồng bà nhận làm bảo vệ cho tòa chung cư gần đó. Chịu khó mỗi tháng hai vợ chồng cũng có được từ 10 đến 12 triệu đồng. “Nếu không ốm đau hay có việc đều tay thì với số tiền này hai vợ chồng tiêu cũng dư dả nhưng tuổi càng cao thì càng khó tìm việc. Thế nên cuộc sống tuổi già cứ trôi qua trong nơm nớp lo âu. Lo khi một ngày không có ai thuê thì không biết sẽ sống thế nào” - bà Vui giãi bày.
Cùng cảnh ngộ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dương (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng trong tình cảnh lo ăn từng bữa cho dù đã ở tuổi 65. Ở tuổi này, hai ông bà vẫn phải nhận trông trẻ tại nhà để có tiền trang trải sinh hoạt hàng tháng. “Nhà có hai cô con gái nhưng cả hai đã có gia đình riêng, cuộc sống cũng không dư dả nên hai vợ chồng tự nhủ còn sức thì còn cố để con cái đỡ vất vả” - ông Dương chia sẻ.
Cũng theo ông Dương những cặp vợ chồng không lương hưu ở nơi ông cư trú không phải hiếm. Ngay trong cùng ngõ gia đình ông ở, có nhiều người cao tuổi không có lương hưu. Mấy năm trước khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng quán vẫn phát triển nên cả ngõ sống dựa vào tiền cho thuê mặt bằng nhưng gần 2 năm nay cả khu chỉ lác đác có vài nhà có người thuê. “Tiền thuê nhà cũng chỉ được 7 đến 8 triệu đồng/ tháng nhưng cũng đủ để người già “bấu víu” vào đó lo cho đời sống. Nhưng giờ kinh tế khó khăn, hàng quán không buôn bán được, không có người thuê. Để có tiền sinh sống hầu hết người cao tuổi ở đây đều phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy” - ông Dương cho hay.
Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 0,63 triệu người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi). Như vậy còn khoảng trên 7 triệu người cao tuổi hiện nay không được hưởng bất kỳ chính sách trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ Bảo hiểm xã hội.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.
Hỗ trợ tăng quyền lợi cho người dân
Mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người. Như vậy, để đạt mục tiêu này, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 3,84 triệu người. Để đạt được mục tiêu này, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số, bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ LĐTB&XH cho rằng, vai trò của Nhà nước hỗ trợ người dân tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội là nhân tố quyết định. Xuất phát từ thực tế này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất một số chính sách cần thiết phải có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như: Trợ cấp hưu trí xã hội; trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật dự kiến tổng ngân sách dự toán bình quân hàng năm tăng thêm khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Với số kinh phí hỗ trợ này, Bộ LĐTB&XH lý giải hiện nay, do người nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995 bình quân mỗi năm giảm khoảng 34 nghìn người, tương đương ngân sách Nhà nước giảm chi khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, còn giảm chi từ ngân sách Nhà nước do giảm số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công chức, viên chức, người lao động tham gia đóng hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo lộ trình tinh giảm biên chế khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, thực tế ngân sách Nhà nước không phát sinh tăng chi mới nhiều, phần giảm chi so với hiện hành khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm cần được dùng để thiết kế các chính sách nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28- NQ/TW.
Liên quan đến nội dung này, tại Nghị quyết số 114/NQ-CP phiên họp Chính phủ tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ cũng thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.