Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (TT KTTV QG) đã đưa ra dự báo, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão sau 24-36 giờ tới, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh có khả năng gây ra các đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đến 12/10, Biển Đông khả năng lại xuất hiện thêm cơn bão nữa.
Khả năng bão nối bão
Ngày 6/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái đã ký báo cáo về một số nhận định sớm tình hình thiên tai 10 ngày tới và xu hướng diễn biến 3 tháng cuối năm 2021, gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo đó, TT KTTV QG nhận định, chiều 5/10, một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía Nam Biển Đông, ngay trên dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có xu hướng mạnh lên trong những ngày tới. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía Quần đảo Hoàng Sa, sau đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8-12/10.
Dự báo, khoảng ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông, nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo còn có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão, do bão kết hợp với không khí lạnh).
Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.
Mưa lớn sẽ xuất hiện ở Trung Bộ
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo từ ngày 6-8/10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên), trong đó ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn.
Từ ngày 8/10 đến 12/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn. Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to.
Các tỉnh/thành phố ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng. "Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh/thành phố ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng", công văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn lưu ý.
Về nhận định tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm 2021, Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định: Theo các dự báo hạn dài thì ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80% trong các tháng còn lại của năm 2021. La Nina thường làm gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và gây mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ.
Về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới: Dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều ATNĐ, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong 3 tháng cuối năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đến tháng 10 và 11/2021, mưa bão tập trung cao điểm ở khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Nhận định tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên trong mùa mưa bão năm nay, TT KTTV QG nhận định, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1)-BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và có nơi trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10, 11/2021.
Nhận định tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Cần Thơ, Vĩnh Long.
Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm; tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, mùa mưa được dự báo kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.
Trên cơ sở những phân tích dự báo nêu trên cho thấy, diễn biến thiên tai trong 10 ngày tới và 3 tháng cuối năm rất phức tạp do có sự kết hợp của nhiều loại hình thiên tai. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV Quốc gia theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại thiên tai. Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan đang ngày càng có diễn biến phức tạp, khó dự đoán.
Tổng cục KTTV đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các cơ quan, đơn vị phòng, chống thiên tai sử dụng bản tin dài hạn, từ xa để định hướng công tác ứng phó, sử dụng các bản tin ngắn hạn được cập nhật mới nhất, có độ tin cậy cao nhất để triển khai các phương án phòng, chống cụ thể theo quy định.
Tập trung ứng phó với mưa bão
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, ngày 6/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Công điện của Phó Thủ tướng gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên nêu rõ:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trủ an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.
Chỉ đạo, tổ chức đảm bảo an toàn trên đất liền rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hỗ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Triển khai hoạt động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020 để kịp thời triển khai công tác sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu. Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ sat lở đất, lũ quét để chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.