Nguy cơ khi trẻ chơi game mất kiểm soát

Đức Trân 16/02/2022 11:46

Nghiện game không chỉ là một hành vi, một thói quen mê chơi điện tử mà nó là một loại bệnh. Theo phân loại từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện game là một bệnh lý về tâm thần với hậu quả vô cùng nghiêm trọng về cả sức khỏe và tinh thần cho người mắc.

Ảnh minh họa.

Không chỉ đơn thuần là mê chơi điện tử

Thấu hiểu rằng con rất buồn khi quá lâu không được đi học, cùng với công việc bận rộn, vợ chồng chị Đặng Ngọc Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn cho rằng, con trai 14 tuổi của mình chơi game cũng là một cách để trẻ thư giãn, giải trí, chỉ cần không lơ là việc học.

Tuy nhiên, gia đình “tá hỏa” khi phát hiện ra cháu thức đêm hàng ngày để chơi game, thậm chí mê chơi đến nỗi “mất ăn, mất ngủ”.

“Thời gian gần đây vợ chồng tôi phát hiện con ít nói hơn, tính hay cáu bẳn, cục cằn hơn trước nhiều. Quan tâm tới con nhiều hơn thì chúng tôi mới biết con thường xuyên thức đêm, lúc học trực tuyến cũng vừa học vừa chơi game. Chúng tôi đã cấm không cho con tiếp xúc với trò chơi điện tử nữa nhưng con phản ứng rất mạnh, kêu gào, khóc lóc. Lo lắng quá nên gia đình buộc phải đưa con tới cơ sở y tế để thăm khám” - chị Tâm chia sẻ.

Trường hợp nói trên không phải là hiếm có, nhất là sau một thời gian dài trẻ phải học trực tuyến tại nhà. Không có người giám sát cũng như không có hoạt động giải trí nào khác, không ít trẻ đã vô tình mắc chứng nghiện game.

Thông tin từ Khoa Tâm thần (Bệnh viện 103), bệnh nhân nghiện game buộc điều trị tại Bệnh viện 103 rất trẻ (độ tuổi từ 13-28). Tất cả bệnh nhân (cả nam và nữ) đều nhập viện trong tình trạng tích hợp cả nhóm biểu hiện giống người nghiện ma túy cũng như các triệu chứng của người trầm cảm nặng: Thèm chơi game mạnh mẽ, không kiểm soát được thời gian chơi game, mất mọi hứng thú và sở thích, mất ngủ, chán ăn, hay cáu gắt, thậm chí có người còn có ý định tự sát.

Thống kê tương tự tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho thấy, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, mà nguyên nhân chính là do nghiện chơi game…

Báo động hơn, theo ThS Vũ Hồng Cường, Đại học Luật Hà Nội, nghiện game còn có thể dẫn tới hành vi phạm tội. Bởi khi nghiện game sẽ có những tình huống xảy ra như: Có thể trộm cắp tài sản khi cần tiền chơi game, xung đột ảo biến thành xung đột đời thực, hành động bạo lực do bị ảnh hưởng bởi game…

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường

Lý giải về nguyên nhân trẻ mắc chứng nghiện game và lý do thực trạng này ngày càng gia tăng, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, những hoạt động tương tác hàng ngày bị hạn chế bởi những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang làm cho mọi người không thể trò chuyện với nhau, không thể biểu lộ cảm xúc với nhau qua nét mặt, qua sự biểu cảm. Việc chơi game trở thành một biện pháp giải tỏa căng thẳng.

Bên cạnh đó, việc không đến trường và không được tham gia vào các hoạt động, sử dụng quá nhiều thời gian để học tập với các phương tiện như điện thoại, máy tính trong một căn phòng chỉ có một mình khiến học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái nghiện game lúc nào không biết. Đồng thời, bố mẹ quá bận rộn với công việc và không có thời gian để chú ý quản lý việc chơi game quá nhiều của trẻ…

BS Huyền cho biết thêm: “Trẻ nghiện game thường có các biểu hiện như cảm thấy bồn chồn, bứt dứt, khó chịu trong người nếu không được chơi game. Nói dối bạn bè hoặc gia đình khi được hỏi về thời gian chơi game; Không tiếp xúc, tránh giao lưu với người khác để dành thời gian chơi game. Trẻ cũng có những triệu chứng về cơ thể như mệt mỏi, đau đầu, hội chứng ống cổ tay do sử dụng quá mức chuột máy tính, lười vệ sinh cá nhân”.

Theo BS Huyền, với những trẻ có nguy cơ nghiện game, gia đình cần theo dõi thói quen chơi game của trẻ: Về thời gian chơi, trò chơi, thói quen đi ngủ và mức độ cô lập, hạn chế giao tiếp xã hội…

Việc tuân thủ theo các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc phải được đảm bảo nhưng nên có các hoạt động tương tác giữa các học sinh, ví dụ có những cuộc trao đổi, gặp mặt trực tuyến hoặc tham gia vào những chương trình tự học…

Bố mẹ cần phải dành thời gian để tương tác với con như theo dõi và quy định giờ chơi game của trẻ, đặc biệt là về giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ phòng riêng và chơi game suốt đêm, không kiểm soát được giờ giấc. Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời ngay tại khu vực nhà mình như đi bộ tập thể dục, đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cá ngựa, cờ vua, cờ tướng...

Thống kê của WHO, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Khi nghiện game, học sinh sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ khi trẻ chơi game mất kiểm soát