Nguy cơ mất lao động chất lượng cao

Tâm Luân 04/11/2015 09:15

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, thị trường mở cửa một cách sâu rộng như hiện nay chắc chắn xảy ra tình trạng vừa “chảy máu chất xám” đối với lao động trình độ cao. Trong khi đó, phân khúc khác lại không đáp ứng được nhu cầu sản xuất gia tăng cạnh tranh vì năng suất lao động quá thấp. 

Nguy cơ mất lao động chất lượng cao

Dự báo sẽ có làn sóng lao động nước ngoài sớm di chuyển vào Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,32 triệu người. Dự kiến, nếu một số hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực thì thị trường lao động tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, sẽ tập trung vào các ngành vốn thâm dụng lớn về lao động như: may mặc, da giày, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử…

Theo đó, khi tham gia AEC số lượng việc làm của Việt Nam tăng 14,5% vào năm 2025. Riêng với thị trường AEC, Việt Nam chiếm 15% tổng lực lượng lao động. Đối với TPP, thị trường lao động Việt Nam cũng được đánh giá cao khi dân số vàng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế.

Nhận định về thị trường lao động khi hội nhập cộng đồng kinh tế trong vực TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, khi AEC và TPP chính thức đi vào hoạt động thì lượng lao động nước ngoài từ các ngành như kiến trúc, bác sĩ, nha sĩ… sẽ di chuyển tự do vào Việt Nam.

Bản thân lao động Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt từ nguồn lao động các nước trong nội khối. Ngược lại, lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang các nước cũng ở mức cao. Đây chính là điều kiện tốt để lao động có trình độ cao của Việt Nam lựa chọn môi trường làm việc phù hợp song nhiều ý kiến lo ngại, nguy cơ “chảy máu chất xám” hoàn toàn không nhỏ.

Mặc dù cơ hội mở ra cho thị trường lao động Việt Nam khá lớn khi một số hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực, song thị trường lao động Việt Nam đối mặt hai vấn đề lớn.

Thứ nhất, lao động có trình độ cao, chuyên môn giỏi “di cư” sang môi trường làm việc “ngoại” đầy tiềm năng khác.

Thứ hai, xét trên bình diện chung thì số lao động còn lại không đáp ứng được nhu cầu phát triển vì trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam quá thấp. Như vậy có thể thấy rõ, năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện thấp so với khu vực.

Trường hợp xét tận tường hơn nữa thì lao động của 15 người Việt Nam làm việc mới bằng 5 người Singapore, 5 người Việt Nam làm việc mới bằng 3 người Malaysia, 2 Thái Lan...

Quan ngại về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cảnh báo: Gia tăng năng suất lao động thể hiện gia tăng về trình độ, mức sống của người dân. Không tăng năng suất lao động thì 2035 GDP của Việt Nam chỉ bằng Thái Lan những năm hiện nay.

Bàn về giải pháp tăng năng suất lao động ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động trong nước khi mở rộng thị trường, Việt Nam cần phải có những đánh giá xác thực. Từ đó tìm ra giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng lao động, cải thiện các điều kiện lao động trong nước để đáp ứng các yêu cầu theo cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất lao động chất lượng cao