Công nghệ

Nguy cơ nào khi tuyết rơi ít hơn?

Hà Anh 30/11/2023 07:16

Lượng tuyết rơi đang giảm trên toàn cầu khi nhiệt độ ấm lên do biến đổi khí hậu, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm và nước uống của hàng tỷ người.

anh-bai-chinh-29-11.jpg
Tuyết tích tụ sau những cơn bão ở vùng núi Sierra Nevada, California, Mỹ. Nguồn: Getty Images.

Đây là kết quả phân tích mới từ một nhà khoa học của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Ông Brian Brettschneider - tác giả nghiên cứu - cho biết, một thế giới ấm hơn có nghĩa là mùa đông có nhiều mưa hơn là tuyết. Có thể trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều cơn bão mùa đông khắc nghiệt hơn và lượng tuyết rơi gia tăng trong một số năm - như dữ liệu cho thấy ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, nhưng khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên, số năm đó sẽ ít hơn và cuối cùng chúng ta sẽ thấy lượng tuyết rơi giảm đáng kể.

“Các định luật nhiệt lực học cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục làm cho trái đất ấm lên, tuyết sẽ chuyển thành mưa ngày càng nhiều”, ông Brettschneider nói.

Phó Giáo sư địa lý Justin Mankin tại Đại học Dartmouth - cho rằng, tuyết sẽ không giảm khi nhiệt độ tăng. Thay vào đó, khi đạt đến một ngưỡng nhiệt độ nhất định, sẽ có nhiều điểm bùng phát hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều nơi chưa có lượng tuyết rơi lớn sẽ bắt đầu có lượng tuyết rơi lớn hơn chỉ với tình trạng ấm lên hơn một chút.

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết, lượng tuyết rơi toàn cầu hằng năm đã giảm 2,7% kể từ năm 1973. Xu hướng giảm đặc biệt đáng chú ý ở các vĩ độ trung bình của bắc bán cầu – khu vực giữa phía bắc vùng nhiệt đới và phía nam Bắc Cực, nơi nước Mỹ và phần lớn dân số thế giới sinh sống.

Mặt trời ở khu vực này chiếu trực tiếp hơn so với các vĩ độ cao hơn, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa thu khi trời vẫn còn tuyết. Màu trắng của tuyết có tác dụng giống như tấm che nắng của ô tô, làm chệch hướng ánh sáng mặt trời và phản chiếu sức nóng của nó trở lại không gian. Không có tuyết, nhiệt từ ánh sáng mặt trời sẽ được mặt đất hấp thụ, làm bầu khí quyển ấm lên.

Ít tuyết rơi hơn cũng có nghĩa là ít tuyết tích tụ thành lớp băng tuyết hơn. Giáo sư kỹ thuật môi trường Jessica Lundquist của Đại học Washington cho biết, điều này rất quan trọng đối với nguồn cung cấp nước vì lớp băng tuyết giống như một hồ chứa tự nhiên, lưu trữ nước dưới dạng tuyết trong thời gian lạnh giá và sau đó giải phóng khi tuyết tan lúc trời ấm hơn.

Theo bà Lundquist, mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước do tuyết giảm rõ rệt nhất ở những vùng khí hậu có chu kỳ mưa bùng nổ và sụt giảm cực đoan hơn, như khí hậu Địa Trung Hải ở California và các khu vực khác ở miền tây nước Mỹ.

“Thời tiết ở California là điển hình vì ở đây không mưa có vào mùa hè, do vậy, lượng tuyết tan vào cuối mùa là hoàn toàn cần thiết cho hệ sinh thái, nền nông nghiệp, các thành phố hoặc bất kỳ ai muốn có nước trong mùa khô”, bà Lundquist khẳng định.

Theo Phó Giáo sư Mankin, hiểu được tác động của việc tuyết rơi ít hơn đối với nguồn cung cấp nước toàn cầu phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ nói rằng tuyết rơi ít hơn có nghĩa là ít nước sẵn có hơn. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và nhiều yếu tố khác. Điều quan trọng là cần theo dõi lượng nước trong tuyết chứ không phải là lượng tuyết, lượng nước này có thể thay đổi rất nhiều. Tuyết nhẹ, mịn sẽ có hàm lượng nước thấp, nhưng tuyết dày sẽ có hàm lượng nước cao. Ngoài ra, các đợt mưa cực đoan tương tự gây ra nhiều tuyết hơn cũng có thể đồng nghĩa với việc mưa nhiều hơn, điều này “có khả năng bù đắp cho những tổn thất về tuyết” – ông Mankin cho biết.

Nhưng phạm vi của vấn đề thiếu tuyết vẫn còn rất lớn. Một nghiên cứu năm 2015 của Phó Giáo sư Mankin cho thấy, 2 tỷ người sống dựa vào tuyết tan để lấy nước có nguy cơ bị giảm 67% nguồn cung. Các khu vực gồm: Nam Á - nơi phụ thuộc vào tuyết tan ở dãy Himalaya; Địa Trung Hải, bao gồm Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp; và một số vùng ở Bắc Phi như Maroc - nơi phụ thuộc vào lượng tuyết tan từ dãy núi Atlas.

Nhưng ông Mankin cho biết, nghiên cứu này không đề cập việc quản lý nước mang tính cục bộ, bao gồm các chiến lược tiềm năng có thể giảm thiểu hoặc thậm chí thay thế lượng nước bị mất do thiếu tuyết. “Việc mất tuyết trở thành một thách thức lớn về quản lý nước. Đây không hẳn là một thách thức không thể vượt qua, nhưng nó là một thách thức khá khó khăn, đặc biệt là ở những nơi như miền tây nước Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào dòng chảy tuyết tan” – ông Mankin nói.

Cả ông Mankin và bà Lundquist đều cho rằng, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa tuyết và nguồn cung cấp nước, đặc biệt là ở quy mô siêu cục bộ, điều này sẽ giúp các nhà quản lý nước lập kế hoạch tốt hơn cho mối quan hệ dễ biến động hơn với tuyết.

“Không có ‘viên đạn bạc’ nào ở đây, nó sẽ là một tập hợp các giải pháp và tiền bạc ở nhiều quy mô khác nhau, chỉ có thể được hình thành sau khi hiểu và xác định được phạm vi của vấn đề” – ông Mankin khẳng định.

“Đối với bất kỳ nơi nào đang quản lý nước theo nguyên trạng, sự nóng lên toàn cầu đang xóa bỏ hiện trạng đó. Trong phạm vi cơ sở hạ tầng và các phương pháp quản lý được mã hóa theo lịch sử khí hậu, những thứ đó không liên quan đến khí hậu đang diễn ra” – ông Mankin nói thêm.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, lớp băng tuyết cung cấp hơn 50% nguồn nước ở miền tây nước Mỹ. Nghiên cứu dự đoán, băng tuyết giảm hơn 1/3 vào năm 2100 dưới kịch bản sự nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ nào khi tuyết rơi ít hơn?