Bóng cười là “thú chơi” đang rộ lên trong giới trẻ, được mời gọi bằng các cụm từ như giúp giảm căng thẳng, mang lại những trận cười sảng khoái, vui vẻ và hưng phấn. Tuy nhiên, bên trong những lời mời gọi kia là nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Yếu tứ chi vì hút bóng cười
Ghi nhận tại một số bệnh viện thời gian gần đây cho thấy, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do các ảnh hưởng liên quan tới bóng cười.
BS Lương Văn Chương - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một nam thanh niên bị tổn thương nặng do hút bóng cười. Bệnh nhân 20 tuổi vào viện trong tình trạng tê bì toàn bộ chân tay và bị yếu tứ chi. Nguyên nhân ban đầu ghi nhận là do hít quá nhiều bóng cười.
Khi đến khám tại viện, bệnh nhân này cho hay, gần đây anh bị tê 2 chân trước, sau đó bị tê cả 2 cánh tay. Vì thế, anh không thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Quan thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn phát hiện nam thanh niên bị tổn thương tuỷ sống, yếu tứ chi.
Không chỉ vậy, qua chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị tổn thương tuỷ ở vùng cổ. Theo lời bệnh nhân, thời gian gần đây anh thường xuyên hít bóng cười, mỗi ngày tới 3 quả.
Tương tự, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như tuần nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc ma tuý thế hệ mới, đặc biệt là bóng cười. Không ít ca bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương thần kinh, tê bì tứ chi, đi không vững, phấn khích.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốcTrung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): Bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng.
Được biết, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công thương quy định tại Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, ban hành theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất. Do đó, khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.
Có thể dẫn tới tử vong
Vẫn theo BS Nguyên, khí N2O khi vào cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chất này vào cơ thể, dạng khí, sẽ chiếm chỗ oxy làm thiếu oxy, ức chế thần kinh trung ương gây ra nhiều cảm giác phê, hoang tưởng. Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít sẽ gây hưng phấn thoáng qua, dùng nhiều sẽ gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp…
BS Lương Văn Chương- Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng nói thêm rằng, người bệnh hít nhiều bóng cười bị yếu tứ chi sẽ phải điều trị trong thời gian dài bằng Vitamin B12 và phục hồi chức năng.
Các bác sĩ nhấn mạnh, nguy cơ tử vong do hít bóng cười khá cao. Có những bệnh nhân chụp cả túi bóng lên đầu để tạo cảm giác hôn mê nên có thể tử vong. N2O có cơ chế tác dụng lên người giống heroin. N2O gây tổn thương thần kinh, từ não xuống tủy sống. Đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Gây ra tê liệt cơ thể, tử vong. Nhẹ thì tê tê giống kiến bò mất cảm giác, yếu, liệt.
Bên cạnh đó có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm. Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm.
Trước những hậu quả khó lường như kể trên, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không nên giải trí bằng bóng cười, không nên dại dột thử rồi thành thật, bị lạm dụng lúc nào không hay. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp thì người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác.
Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng. Đáng sợ là khí N2O cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tượng tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện.
Vì thế cần đặc biệt lưu ý, không cho trẻ nhỏ sử dụng tránh gây ra những hậu quả khôn lường. Đồng thời, nên có lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.