Từng được kỳ vọng sẽ phát triển và nhân rộng, mô hình xe buýt hiện đại sử dụng nhiên liệu sạch khí ga CNG không gây ô nhiễm môi trường sau gần 10 năm đi vào hoạt động đang có nguy cơ “vỡ trận”.
Nguyên nhân là do đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu khí nén thiên nhiên đang có ý định cắt giảm 20 – 30% lượng cung, và bản thân các doanh nghiệp xe buýt cũng không mấy mặn mà với loại hình xe có nhiều tiện ích với môi trường này vì nhiều lý do. Nếu không sớm tháo gỡ các khó khăn chắc chắn các hoạt động của hệ thống xe buýt ở TP HCM sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi các tuyến xe buýt chạy bằng khí CNG đều là các tuyến chính, lộ trình quan trọng.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các xe buýt được coi là kiểu mẫu ở TP HCM gặp khó khăn. Bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2011, các xe buýt chạy nhiên liệu CNG liên tục tăng thêm về số lượng vì lợi ích về môi trường. Thậm chí cơ quan quản lý còn dự kiến cuối năm 2020, toàn thành phố sẽ có trên 1.000 xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG. Tuy nhiên, hiện nay thành phố mới chỉ có 428 xe buýt chạy nhiên liệu khí CNG trên tổng số 2.457 xe buýt. Vài năm gần đây, số lượng các xe buýt chạy CNG không tăng, và có nguy vỡ kế hoạch phát triển đã đề ra. Theo chủ một doanh nghiệp xe buýt thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng chủ yếu là chi phí đầu tư xe chạy bằng khí CNG cao gấp đôi xe chạy bằng dầu Diesel, lên đến vài tỷ đồng/chiếc. Ngoài ra, với 428 phương tiện ở nhiều quận huyện, nhưng toàn thành phố lại chỉ có 4 điểm tiếp nhiên liệu khí nén. Nhiều xe mỗi ngày phải di chuyển tới 14 –15 km để tiếp nhiên liệu, làm phát sinh chi phí rất nhiều, gây bất tiện, mất thời gian cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, một số doanh nghiệp xe buýt đã bị công ty cung cấp khí CNG “cảnh báo” cắt nguồn cung nhiên liệu hồi năm 2018 vì nợ tiền, chậm thanh toán. Cuối cùng, dù khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sử dụng xe và nhiên liệu sạch CNG nhưng khi tính tiền trợ giá lại ngang bằng với các xe sử dụng nhiên liệu Diesel. Nghĩa là các xe nào vận chuyển nhiều hành khách thì được trợ giá nhiều, chứ không có ưu đãi dành cho xe có nhiên liệu sạch, không ô nhiễm môi trường.
Lượng hành khách sụt giảm đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xe buýt nói chung và xe buýt chạy nhiên liệu CNG nói riêng. Dù đơn vị quản lý là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã cắt tuyến, giảm chuyến ở những tuyến ít khách nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, việc trả tiền trợ giá cho các chủ xe buýt cũng chưa đầy đủ, thường xuyên bị chậm khiến doanh nghiệp không có tiền để trả nhiên liệu, nhân công cũng là nguyên nhân các xe buýt kiểu mẫu này không phát triển được.
Được biết, trước những khó khăn trên, đại diện Sở GTVT TP HCM đã có văn bản gửi đơn vị cung cấp nhiên liệu khí nén CNG là Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (trụ sở tại Đồng Nai), thuộc Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, không cắt giảm nguồn nhiên liệu với hệ thống xe buýt ở địa bàn TP HCM.