Mỡ máu cao hay còn gọi máu nhiễm mỡ là một chứng bệnh rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, đặc biệt là ở người đã mang sẵn một số bệnh mạn tính về tim mạch, gan… Nhưng thật đáng lo ngại khi thống kê cho thấy, có tới 71% người dân không biết mình mắc bệnh và không ý thức được mối nguy hại do mỡ máu gây ra.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ta hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol). Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này lên đến 44,3%. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng tai hại của bệnh.
BS Nguyễn Thị Ly, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Medlatec cho biết, bệnh máu nhiễm mỡ có đặc điểm là phát triển âm thầm với những triệu chứng không rõ ràng. Hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc biến chứng do bệnh gây ra. Máu nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, mảng xơ vữa mạch máu bám vào các thành mạch. Hậu quả là máu lưu thông kém, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan nhận máu, nguy hiểm nhất là tim và não. Nghiêm trọng hơn, máu lên não có thể gây tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ. Thống kê cho thấy, có tới 93% người bị đột quỵ có tiền sử rối loạn mỡ máu.
Mỡ máu cao cũng là nguyên nhân tăng huyết áp. Tình trạng này là do xơ vữa mạch máu làm hẹp thành mạch, thành mạch kém đàn hồi làm tăng áp lực lên mạch máu. Lúc này, để cung cấp máu cho hoạt động của cơ thể thì bắt buộc tim phải làm việc tích cực. Điều này làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp tim gây ra bệnh cao huyết áp.
Máu nhiễm mỡ cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2 và ngược lại. Mối liên hệ này được thấy rõ ở những trường hợp có nguy cơ huyết áp cao, vòng eo lớn, HDL-Cholesterol thấp, đường huyết cao. Đặc biệt, với những người chỉ số triglyceride cao kết hợp với những yếu tố trên sẽ có nguy cơ bị tiểu đường.
Viêm tụy là một trong những biến chứng không thể không nhắc tới khi máu nhiễm mỡ. Khi hàm lượng triglyceride tăng cao gây sưng tuyến tụy dẫn đến biểu hiện: đau bụng, đi ngoài, sốt, nôn, tim đập nhanh. Nếu tình trạng này kéo dài, dịch tiêu hóa rò ra bên ngoài tuyến tụy có thể gây tử vong.
Mỡ máu cao cũng là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Điều này bắt nguồn từ chế độ ăn uống không hợp lý, toàn bộ thức ăn được dung nạp sẽ chuyển hóa vào gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng xơ gan, viêm gan, ung thư gan.
BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, mỡ trong máu cao có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi một con người, đặc biệt là người cao tuổi. Vì vậy, mỡ máu cao là một chứng bệnh gặp khá phổ biến ở người cao tuổi. Hay gặp nhất trong trong chứng tăng cholesterol máu là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu), lòng động vật, tôm… trong các bữa ăn hàng ngày. Tiếp đến là người béo phì, lười vận động, ngoài ra có thể gặp do di truyền hoặc mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường. Đối với tăng triglycerid hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, để phòng tránh nguy cơ máu nhiễm mỡ, người dân nên hạn chế ăn thịt đỏ, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh (fast food) như gà rán, khoai tây chiên…, thức ăn chơi (snack, bánh quy, bánh nướng, kẹo…), thực phẩm tự nhiên (như sữa, mỡ của động vật ăn cỏ bò, cừu…) và các loại phủ tạng động vật như óc, tim, gan, bầu dục, dạ dày, lòng... có nhiều cholesterol. Lượng cholesterol trong chế độ ăn nên dưới 200 mg/ngày/người.
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người mắc máu nhiễm mỡ ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44. Và xu hướng người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa do thói quen sống tiêu cực như sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh. Đa số người trẻ hiện nay bị cuốn vào lối sống nhanh, hiện đại, vì thế thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo và tinh bột được lựa chọn nhiều hơn.