Quốc tế

“Nguy” và “cơ” từ trí tuệ nhân tạo

Thanh Đức 25/03/2024 07:05

Một khảo sát mới đây của Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang có sự chia rẽ trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).

anhbaitren-16.jpg
Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu tại một phiên họp về Trí tuệ nhân tạo (AI), tại Strasbourg (Pháp). Nguồn: AP.

Khảo sát của ING được tiến hành tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1.000 người tham gia trả lời được chọn lựa dựa trên tính toán nhân khẩu học. Trong đó, trả lời câu hỏi "AI là mối nguy hiểm cho xã hội?", thì số người "rất đồng ý" chiếm 13%; "đồng ý" chiếm 25%.

Ở chiều ngược lại của câu hỏi này thì có 7% "rất không đồng ý" và 16% "không đồng ý". Còn lại khoảng 39% chọn "cửa giữa".

Với câu hỏi: "AI là cơ hội cho xã hội?", có tổng cộng 54% người trả lời "đồng ý" và "rất đồng ý". Tổng số ý kiến bác bỏ chỉ 12% và có 34% không đồng ý mà cũng không bác bỏ.

Theo ING, cuộc khảo sát nhằm đánh giá về nhận thức của người dùng châu Âu sau khi việc tiếp cận của các công cụ AI tổng hợp tới công chúng rộng rãi hơn, đặc biệt là ChatGPT vốn đang dần phổ biến. Khi được hỏi về mức độ quen thuộc của người dùng với ChatGPT, 45% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng trong cuộc sống cá nhân cũng như cho công việc với trải nghiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, 28% nhận thấy rằng kết quả tốt hơn mong đợi và có 9% nhận xét ngược lại. 35% đánh giá các công cụ AI tổng quát đã giúp họ tiết kiệm thời gian, nhưng có 6% cho rằng AI khiến tốn nhiều thời gian hơn.

Đáng chú ý, theo kết quả cuộc khảo sát của ING, những đánh giá về tác động của AI đối với thị trường việc làm là khá bi quan. 39% số người trả lời cho rằng xét về tổng thể, việc sử dụng rộng rãi AI sẽ làm giảm nhiều lao động hơn so với số lao động mà AI tạo ra. Trong khi đó, có 22% kỳ vọng rằng số việc làm do AI tạo ra sẽ tương đương với số việc làm bị mất đi vì AI. Chỉ có 15% số người trả lời tỏ ra lạc quan rằng số công việc do AI tạo ra sẽ nhiều hơn số công việc bị mất đi. Còn lại "không có nhận xét".

Tháng 3/2024, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua bước cuối cùng của luật kiểm soát AI sau rất nhiều bàn cãi. Đây là bước tiến mới kể từ khi EU đưa ra những quy định cơ bản đầu tiên để kiểm soát AI vào năm 2019. Dự kiến chính thức có hiệu lực từ tháng 5 hoặc 6 tới, đạo luật AI của EU trước hết hướng đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm kiểm soát những rủi ro có thể xảy đến.

Trong khi đó, truyền thông EU vẫn liên tục tranh cãi về "nguy" và "cơ" của kỷ nguyên AI. Truyền thông quốc tế dẫn lời ông Dragos Tudorache - một nhà lập pháp Nghị viện châu Âu, tương lai của AI cần phát triển theo hướng lấy con người làm trung tâm, theo hướng con người kiểm soát công nghệ và công nghệ sẽ giúp con người thúc đẩy những khám phá mới, giải phóng tiềm năng của con người.

Phát biểu tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect tại San Jose (bang California, Mỹ), ông Pat Gelsinger - Tổng giám đốc (CEO) của Intel nhấn mạnh sự chi phối toàn diện của AI đối với hầu hết các lĩnh vực. Một số kết quả nghiên cứu dự báo tổng nhu cầu thị trường AI đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cũng nhờ AI, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng hơn 15% trong tổng nền kinh tế toàn cầu và sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ lo ngại trước sự phát triển của AI với nhiều rủi ro, nhất là việc thao túng dư luận xã hội. Theo đó, những bước tiến nhảy vọt của AI không chỉ lan truyền tin giả ở mức sâu mà còn làm mờ ranh giới giữa giả và thật.

Nói cách khác, giới chuyên gia cho rằng quan trọng nằm ở tính hợp lý của người đưa tin hơn là thông điệp. Vì nếu như thành tựu công nghệ, mà ở đây là AI, rơi vào tay phần tử xấu thì sẽ tạo ra “nguy”. Ngược lại, nếu AI được phát triển và sử dụng có trách nhiệm thì sẽ mở ra cơ hội cho sự phát triển.

“Ranh giới giữa “nguy” và “cơ” đang đặt ra thách thức trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Không ai muốn rơi vào tình thế nguy ngập nhưng nắm bắt được cơ hội cũng không phải là điều dễ dàng” - giáo sư Edith Stein, người có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về AI, nói.

Nhân chuyến thăm Hàn Quốc mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, việc chống thông tin sai lệch, trong đó có những nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra là một lợi ích "sống còn" đối với an ninh quốc gia và là ưu tiên ngoại giao của Mỹ. Ông Blinken nhấn mạnh các công nghệ kỹ thuật số, trong đó có truyền thông xã hội và AI đã đẩy nhanh đáng kể tốc độ và quy mô lan truyền thông tin sai lệch. Hiện nay các công cụ AI tạo sinh có thể đảm nhận việc này với chi phí rẻ hơn và tốc độ nhanh hơn, trong khi nội dung khó xác minh hơn. Vì vậy, các chính phủ cần nỗ lực đẩy lùi thông tin sai lệch, thông qua các biện pháp giúp người dân cảnh giác hơn và chống lại mọi hình thức thao túng thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Nguy” và “cơ” từ trí tuệ nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO