Sau hơn 50 năm chờ đợi, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc – người đã không quản hiểm nguy, quên mình cứu sống 2 em nhỏ trong trận bom thù khốc liệt. Với gia đình, quê hương của anh thì đây là niềm vui, niềm tự hào vô bờ bến. Còn với những người bước ra từ cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà là sự tri ân đầy ý nghĩa đối với thế hệ đã hiến dâng trọn đời cho non sôngđất nước.
Bà Khoát không giấu được cảm xúc khi
kể lại phút băng bó vết thương cho anh Nguyễn Bá Ngọc.
Chuyện của người thiếu niên anh hùng
Chúng tôi về Quảng Trung (thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) một ngày đầu tháng tư không có nắng. 50 năm – một quãng thời gian cũng đủ để người ta quên đi được phần nào những đau thương mất mát về một thời đại hào hùng mà bi thương của dân tộc.
Đứng ở bờ Bắc sông Ghép không thể hình dung đâu là bãi sông mà ngày nào Nguyễn Bá Ngọc cùng đám bạn chăn trâu, đầu trần, lấm lem bùn đất tìm ngao, bắt hến. Đâu là con phà Ghép, rùng rùng khí thế chuyển quân, tải lương qua sông vào Nam… Chỉ có gió và mây trời vẫn lặng lờ soi bóng xuống dòng sông như từ nghìn năm trước.
Giờ thay thế cho con phà và những bờ bãi lỗ chỗ hố bom xưa là cây cầu Ghép lừng lững, thông suốt những chuyến xe ra Bắc vào Nam. Làn gió đổi mới, hội nhập đã khoác lên mình Quảng Trung một gam màu mới – gam màu của ấm no, đủ đầy.
Tượng Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc
trong khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Trung.
Theo sự chỉ dẫn, tôi tìm vào nhà bà Lê Thị Khoát (người làng Ngọc Khê, xã Quảng Trung). Bởi lẽ, nếu nói về thời khắc Nguyễn Bá Ngọc đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, có lẽ không có ai tường tận như bà. Bà là người trực tiếp chiến đấu tại tuyến lửa phà Ghép năm xưa và là người đã tận tay băng bó cho Ngọc. Hơn 50 năm, nhưng trong ký của bà, nó vẫn vẹn nguyên như vừa xảy ra đâu đó ngày hôm qua.
Hướng đôi mắt về phía dòng sông, nơi trước kia là chiến trường đỏ lửa, bà chậm rãi kể: Ngày ấy, sau khi học lớp y tá cấp tốc tại Bệnh viện huyện Vĩnh Lộc, tôi được điều về tham gia công tác cứu thương, vừa chiến đấu tại bến phà Ghép. Năm 1965, trước sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, giặc Mỹ đã điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc và phà Ghép trở thành trọng điểm trong chiến dịch oanh tạc của máy bay Mỹ.
Suốt từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 năm 1965, ngoài cửa Ghép, tàu chiến Mỹ liên tục oanh tạc hai bên bờ bến phà bằng ngư lôi, trên không là pháo sáng, B52 cùng các chiến đấu cơ trút bom đạn xuống phà, khói lửa ngút trời. Hầu như nhà nào trong vùng cũng phải chịu cảnh tang tóc, thương vong vì bom Mỹ. Năm ấy, anh Nguyễn Bá Ngọc vừa tròn 14 tuổi, là học sinh lớp 3 trường làng.
Là con thứ 2 trong gia đình đông tới 7 người con, bố là du kích trực chiến nên Ngọc sớm ý thức phải lao động để giúp bố mẹ nuôi các em. Cứ một buổi đi học, một buổi Ngọc lại theo các anh chị và các bạn trong xóm ra bãi sông câu cá, mò ngao, bắt hến. Sáng ngày 4/4/1965, khi Ngọc cùng mọi người đang bắt ngao ngoài bãi sông, bất ngờ một tốp máy bay Mỹ từ biển bay vào bắn phá. Từ ngoài bãi nhìn về phía làng, chỉ thấy những chớp lửa sáng lòa và những tiếng nổ chuyển đất. Lo lắng cho mẹ và các em ở nhà trúng bom, Nguyễn Bá Ngọc vội vàng chạy về làng.
Về đến hầm, thấy mẹ và các em đã trú ẩn an toàn, anh Ngọc cũng vừa kịp chui vào hầm thì một loạt bom nổ ngay trên đầu, rồi tiếng khóc thét của lũ trẻ phía nhà hàng xóm. Một quả bom đã rơi ngay đúng mâm cơm nhà ông Khánh, khiến Khương 14 tuổi - bạn thân của Ngọc chết tại chỗ. Em Toanh lên 9 tuổi bị thương vào đùi.
Không kịp nghĩ ngợi Ngọc nhoài lên, chạy sang nhà ông Khánh. Đến nơi thấy Oong mới lên 6 tuổi đang run cầm cập đứng nép xó nhà. Ngọc cầm lấy tay em kéo chạy về hầm nhà mình. Để Oong ở lại, Ngọc lại lao lên khỏi hầm, chạy sang ôm lấy Đơ rồi vừa bò, vừa lấy thân mình che chở cho em. Phía trên, giặc trút bom như rải sỏi. Bò được một quãng, Ngọc gặp Toanh đang cố trườn ra vườn, máu chảy ướt hết nửa thân người. Thấy Toanh kiệt sức, Ngọc bảo Toanh nắm lấy chân, anh vừa ôm Đơ vừa kéo Toanh dùng hết sức đưa 2 em nhỏ về hầm. Sau khi bỏ hai em nhỏ ra, Ngọc mới biết mình bị thương. Một viên đạn bi đã găm sâu vào ổ bụng anh. Ngọc lả dần đi.
Bà Khoát cùng tổ cứu thương vội chạy đến cấp cứu cho hai em Toanh và Đơ. Thấy máu từ bụng của Ngọc ra nhiều, trong khi băng và cồn đã cạn, bà vội vã theo hào giao thông về nhà lấy chai rượu trên bàn thờ và chiếc màn cưới chạy ra hầm rửa vết thương và xé màn băng bó cho Ngọc. Lúc này, vì mất máu nhiều, Ngọc đã lịm đi.
Mọi người vội bế anh lên cáng cứu thương, theo hào giao thông ra trạm xá cấp cứu. Chờ đến xế chiều, xe quân y tới đưa Ngọc lên cấp cứu tại bệnh viện Chuối (Nông Cống). Do vết thương quá nặng, cùng với điều kiện thời chiến khó khăn, rạng sáng ngày 5/5, Nguyễn Bá Ngọc đã hi sinh.
“Giữa bom đạn khốc liệt, cảm xúc trước cái chết với những người làm công tác cứu thương như chúng tôi gần như chai sạn. Thế nhưng, trước nghĩa cử cao đẹp của Ngọc, không ai có thể cầm được nước mắt. Anh không chỉ trở thành tấm gương mà còn trở biểu tượng tinh thần cho tuổi trẻ ngày ấy xung trận. Một cái chết đã hóa hồn thiêng sông núi!” – bà Khoát rưng rưng, không giấu được những xúc cảm của mình. Ngoài sông, lớp sóng sau vẫn gối lên sóng trước, đổ về cửa biển.
Cầu Ghép, nơi từng là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ.
Nốt trầm
Trở lại làng Ngọc Trà, với hi vọng tìm thêm chút tư liệu từ những ký ức còn sót lại của bà con trong xóm về Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Nhưng, ngoài những chi tiết mà bà Khoát đã kể, di vật về anh hầu như không còn lại gì.
Theo chân Bí thư đoàn xã Quảng Trung Hoàng Công Thủy, tôi tìm vào nhà anh Nguyễn Bá Thắng – cháu gọi anh Ngọc bằng chú ruột, cũng là người chịu trách nhiệm hương khói cho anh Nguyễn Bá Ngọc. Trong căn nhà mái bằng khá khang trang, ban thờ Nguyễn Bá Ngọc được đặt chung với các bát nhang thờ tổ tiên của dòng họ. Không di ảnh, không bài vị… nếu không có sự chỉ dẫn của gia đình, hẳn chính tôi cũng không thể biết đây là nơi thờ một nhân vật anh hùng đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy từ bậc tiểu học.
Trong câu chuyện của mình, anh Thắng tỏ ra khá vui vẻ trước thông tin Nguyễn Bá Ngọc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang. Nhưng, Thắng cũng không giấu được được sự ngại ngùng khi nói về người chú của mình. Mọi thông tin về chú, anh đều chỉ được nghe người cha đã mất kể lại. Nhiều lần anh đã có ý định bàn với dòng họ, lập một khu nhà thờ riêng để du khách có thể ghé qua thắp hương, tham quan nhưng vì tập quán nên đành gác lại. “Ngày cha tôi còn sống, gia đình cũng định thuê họa sĩ phác họa lại một tấm chân dung theo ký ức của mọi người nhưng vì kinh tế lúc ấy khó khăn, thêm vào đó lại không biết nhờ ai nên bỏ bẵng đến tận bây giờ!” – anh Thắng phân bua.
Nơi duy nhất để du khách có thể hình dung về một Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc có lẽ là khu tượng đài nằm trong khuôn viên ngôi trường tiểu học mang tên anh. Nhưng ngay cả chính khu tượng đài này cũng đang nằm trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trên bệ xi măng được ốp bằng đá là bức tượng Nguyễn Bá Ngọc được phủ màu đồng sáng, một tay bế em bé, với tư thế hiên ngang, bên chân là một em bé khác đang được Ngọc che chở. Phía sau là bức phù điêu dài hơn 3m cũng được phủ màu đồng. Phần đá ốp quanh bức phù điêu này và phần móng của tượng đài đã bị bong tróc, gãy vỡ nghiêm trọng. Để an toàn cho các em học sinh khi ra chơi, nhà trường đã cho giằng néo bằng thép một ly.
Bí thư đoàn xã Hoàng Công Thủy cho tôi hay: Khu tưởng niệm này được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù đã một lần được tu bổ, cải tạo nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chất lượng cũng không được đảm bảo.
Đem câu chuyện về khu tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc gặp ông Nguyễn Văn Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, ông Hưng cũng không giấu được niềm trăn trở của mình: Thực ra, việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc là mong muốn, niềm đau đáu của nhiều lớp cán bộ đi trước và người dân địa phương. Xã, huyện luôn muốn xây dựng được một phòng truyền thống ngay trong nhà hiệu bộ của trường cho “ra tấm, ra món” nhưng ngặt nỗi không có kinh phí.
“Sắp tới, ngoài nguồn kinh phí của địa phương, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm từ hình thức xã hội hóa. Địa phương cũng xác định, sự kiện Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Anh Ngọc sẽ là cơ sở để địa phương tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vốn đã có tự ngàn đời của dân tộc Việt” – ông Hưng chia sẻ.