Nguyễn Duy Thân, nhà cách mạng nhiệt huyết

Trần Kiến Quốc 17/08/2019 09:05

Ngày 15/8/1945, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tại An toàn khu ở làng Vạn Phúc, Hà Đông (sau này được coi là “Hội nghị Tân Trào dưới xuôi”) đã quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội (UBKNHN) do Nguyễn Khang là Chủ tịch cùng 4 Ủy viên: Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Duy Thân và cố vấn Trần Đình Long. Có một người trong số ấy hình như ít được nhắc đến: Nguyễn Duy Thân. Nhân kỷ niệm 74 năm Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ!

Nguyễn Duy Thân, nhà cách mạng nhiệt huyết

Ông, bà Nguyễn Duy Thân, Phan Thị Sáng năm 1946.

Người phụ trách tư sản, tiểu thương

Đại tá Nguyễn Duy Thành (con cụ Nguyễn Duy Thân và cụ Phan Thị Sáng), mời tôi đến thăm mẹ vào một ngày đông cuối năm 2009. Đã 90 tuổi nhưng cụ Sáng vẫn minh mẫn giở album cho xem bức ảnh lịch sử “Chiếm Phủ Khâm sai” ngày 19/8/1945.

…Quê ông Nguyễn Duy Thân ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh - vùng quê Kinh Bắc giàu có. Năm 1934, ông được gia đình cho ra Hà Nội ăn học và thi đỗ vào trường Bưởi – trường Trung học Bảo hộ, đào tạo học sinh ra làm việc cho chính quyền thực dân. Tại đây, ông được giác ngộ và tham gia phong trào yêu nước.

Năm 1940, ông tham gia thành lập “chi bộ ghép” ở Từ Sơn rồi vận động anh em trong họ thành lập chi bộ đầu tiên ở Đình Bảng. Ông Lê Quang Đạo (sau này là trung tướng, rồi Chủ tịch Quốc hội) là cháu, gọi ông Thân là cậu ruột, cũng được giới thiệu kết nạp. Vừa sinh hoạt tại chi bộ xã, ông Thân vừa tham gia hoạt động tại Hà Nội. Năm 1941, bị lộ, ông bị bắt và đày lên Sơn La. Đầu năm 1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, ông cùng nhiều tù chính trị ở Sơn La tổ chức vượt ngục thành công. Về Đan Thượng, Phú Thọ, ông xây dựng “chi bộ ghép” đầu tiên, sau đó phát triển sang cả Yên Bái. Sau khi bàn giao lại cho Ngô Minh Loan, ông về tham gia lãnh đạo phong trào Hà Nội.

Tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội

Chiều 15/8, nghe tin trên radio biết Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh. Hai Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (Trần Tử Bình, Nguyễn Khang) quyết định thành lập UBKNHN, giao cho ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch, ông Trần Đình Long là cố vấn và ông Nguyễn Duy Thân là Ủy viên “phụ trách giới công thương”.

Chiều 17/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, các tổ chức của Việt Minh đã phá tan cuộc mít-tinh của Tổng hội Công chức “ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim giành được độc lập từ tay Nhật”. Cuộc mít-tinh biến thành cuộc tuần hành lớn chưa từng có với hàng vạn đồng bào tuần hành quanh Hà Nội. Quân đội Nhật và lính bảo an dường như không có phản ứng, thậm chí lính bảo an còn mang súng đi theo bảo vệ. Thời cơ giành chính quyền đã chín. Ngay tối ấy, Thường vụ Xứ ủy quyết định cho Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945.

Sáng 19/8, bà con từ khắp các cửa ô kéo về Bờ Hồ rồi tập trung ở quảng trường Nhà hát Lớn. Sau mít-tinh, hàng vạn quần chúng cách mạng từ quảng trường chia làm 3 cánh: cánh thứ nhất do ông Nguyễn Khang, ông Trần Tử Bình dẫn đầu tiến công vào Phủ Khâm sai – cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn ở Bắc Bộ; cánh thứ hai do ông Trần Quang Huy tiến về tiếp quản Tòa Thị chính thành phố từ Thị trưởng Trần Văn Lai, sau đó tiến sang Sở Bưu điện, Sở Liêm phóng, nhà pha Hỏa Lò; cánh thứ ba do ông Nguyễn Quyết chỉ huy tiến công vào Trại Bảo an binh (đối diện với rạp chiếu phim Majestic – nay là rạp Tháng Tám).

Ông Nguyễn Duy Thân và ông Lê Trọng Nghĩa theo cánh thứ nhất. Ai cũng phấn khích khi thấy quần chúng cách mạng ào ào tiến tới Phủ. Sau khi bắt được bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (người thay thế cụ Phan Kế Toại làm Khâm sai đại thần của chính phủ bù nhìn) đưa về ATK của Xứ ủy, ông Trần Tử Bình chỉ thị qua điện thoại, buộc chính quyền các tỉnh phải bàn giao ấn tín và trụ sở cho Việt Minh. Ông Nguyễn Duy Thân được phân công tiếp nhận và quản lý ngay công việc hành chính của Phủ Khâm sai.

Ngay trong đêm 19/8/1945, Thường vụ Xứ ủy và UBKNHN quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ do ông Nguyễn Khang là Chủ tịch. Ông Thân được giao nhiệm vụ Phó chủ tịch, ông Lê Trọng Nghĩa - phụ trách đối ngoại; ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội.

Sáng ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ ra mắt quốc dân đồng bào cùng chính khách ngoại giao, báo giới tại vườn hoa Con Cóc, trước Phủ Khâm sai. Cũng từ ngày hôm nay, Phủ Khâm sai được gọi bằng cái tên mới – Bắc Bộ Phủ!

Nguyễn Duy Thân, nhà cách mạng nhiệt huyết - 1

Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 Phủ Khâm sai.

Số phận bức ảnh lịch sử

Khi đưa cho xem bức ảnh quần chúng cách mạng tấn công vào dinh Khâm sai trưa ngày 19/8/1945, cụ Sáng tâm sự: “Đây là báu vật của gia đình do nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp. Người đội mũ phớt, mặc đồ trắng, đang chạy tới cổng dinh Khâm sai là ông Thân nhà tôi. Ông An mất cách đây mấy năm; còn ông Thân mất chỉ sau khi bức ảnh này được chụp có 7 năm”…

Sau này nghe anh Thành kể lại, sáng 19/8/1945, ông Vũ Năng An mang theo máy, có mặt ở quảng trường Nhà hát Lớn. Ông len lỏi và bấm máy chớp những hình ảnh của thời khắc lịch sử. Theo đoàn người, tới trước cổng dinh, ông trèo lên cột điện để lấy độ cao. Chính bức ảnh chụp khi lính Bảo an đang chĩa súng từ trong ra, nhưng quần chúng cách mạng vẫn dũng cảm trèo rào vào bên trong… Đêm về, tráng phim rồi cho in ra thì nhận ra cái ông đội mũ phớt, mặc quần áo trắng đang lao vào cổng dinh chính là cán bộ cách mạng Nguyễn Duy Thân, một người rất thân quen. Ông An nghĩ, sẽ tìm cách tặng ông Thân bức ảnh này…

Phải cho tới sau ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, ông An khoác ba lô, xách máy lên chiến khu Việt Bắc. Ông đã gửi tấm ảnh này cho ông Phạm Quang Chỉ - thư ký riêng của ông Thân, để tặng lại cho nhân vật trong ảnh.

Mối tình nảy nở trong cách mạng

Đầu tháng 8/1945, bà Phan Thị Sáng - thành viên Bắc Ninh tham gia Đoàn đại biểu Hà Nội, Bắc Ninh (do ông Nguyễn Văn Trân - Bí thư Xứ ủy và Trần Quốc Hoàn dẫn đầu), đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Trước ngày khai mạc Đại hội, bà là “đại biểu phụ nữ đặc cách” dự Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng. Ngay sau hội nghị, bà trở về Bắc Ninh tham gia lãnh đạo khởi nghĩa. Bà nhớ lại: “Cuối năm 1945, đầu 1946, bọn Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Chúng lôi thôi lếch thếch kéo về đóng quân ở bốt Đáp Cầu và hay ra nhũng nhiễu dân Bắc Ninh. Tỉnh ủy ra chỉ thị “phải đánh”, còn tôi đề nghị phải tiêu diệt gọn. Sau trận đánh đó, không ngờ có thằng thoát chết, chạy về Hà Nội. Bọn Tàu Tưởng biết tin này đã kiện Chính phủ.

Vì có “kiện tụng”, ông Thân được cử lên Bắc Ninh thanh tra. Tới nơi ông yêu cầu gặp người bị kiện. Đứng trước ông không phải một nam nhi râu hùm hàm én mà lại là một cô gái trẻ đẹp, mặc áo dài the, đầu chít khăn mỏ quạ, có “súng sáu” giắt lưng. Ông chết lặng người, thầm nghĩ, tại sao con người nhỏ bé, xinh xắn như thế này lại có thể làm cái việc tày đình đến như thế? Ngay sau đó ông tìm hiểu rồi nhờ ông Xuân Thuỷ mai mối. Thấy ông tài giỏi, đẹp trai lại vào sinh ra tử, cùng chung lý tưởng nên tôi nhanh chóng chấp nhận. Vậy là nên vợ nên chồng”.

Dân thị xã Bắc Ninh ngày đó vì quý trọng bà đã thêu dệt hình ảnh: Bà Vũ Thị Khôi (một bí danh khác) chỉ huy trận đánh bốt Đáp Cầu, sau đó lấy ngựa hồng của chỉ huy Tàu nhong nhong khắp thị xã...

Hai ông bà – người đại biểu Hà Nội, người đại biểu Bắc Ninh - cùng được bầu là đại biểu khóa 1 của Quốc hội lập hiến 1946, tham gia xây dựng những bộ luật đầu tiên của nước Việt Nam mới. Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 1, ngày 2/3/1946, chỉ 8 trên 10 đại biểu nữ có mặt. Bà Vũ Thị Khôi đã mời tất cả ra hiệu ảnh Khánh Ký – hiệu ảnh nổi tiếng lúc bấy giờ - chụp ảnh kỉ niệm.

Ngày 14/4/1948, Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh số 175, cử ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch và ông Nguyễn Duy Thân làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Thường vụ Liên khu 1 (Việt Bắc), mà ông Chu Văn Tấn là Chủ tịch. Công tác ở Việt Bắc suốt mấy năm, đến cuối 1951 ông Thân được cử đi học tại Trường đại học Mác – Lê-nin của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với một số cán bộ lãnh đạo (Nguyễn Đức Tâm, Hoàng Tùng...). Không may, ông ốm rồi mất tại Bắc Kinh, đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần.
Kết

… Có một điều không phải ai cũng biết, bà Phan Thị Sáng chính là em ruột ông Phan Trọng Tuệ (1917-1991) - nguyên Xứ ủy viên Bắc Kỳ 1943. Ông bị đày ra Côn Đảo, sau 2/9/1945 được đón về đất liền và hoạt động ở Nam Bộ, năm 1955 được phong hàm Thiếu tướng và là Tư lệnh đầu tiên của Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Phó Thủ tướng…

Sau lần tôi đến thăm bà, chỉ vài tháng sau, bà đã về với ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Duy Thân, nhà cách mạng nhiệt huyết