Sáng 16/9, ông Nguyễn Thành Tài (68 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) được đưa đến tòa do cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Sáng nay 16/9, cùng với ông Nguyễn ThànhTài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, nhiều bị can nguyên là các cán bộ chủ chốt Sở ngành, quận huyện của TP HCM cũng được dẫn giải đến tòa trong vai trò đồng phạm tích cực.
Đúng 7h30 sáng, ông Nguyễn Thành Tài cùng các đồng phạm được mời vào phòng xử án. Ở tuổi 68, ông Tài gầy gò, mệt mỏi được sắp xếp đứng một bên phòng xử, chăm chú lắng nghe chủ tọa khai mạc phiên tòa.
Phiên xử được dự kiến kéo dài đến ngày 21/9, tuy nhiên ngay từ sáng sớm có rất đông các cơ quan báo chí, người có quyền và nghĩa vụ liên quan làm thủ tục vào dự tòa.
Công tác an ninh cho phiên tòa này được thắt chặt. Trong đó, chỉ có những người có giấy mời từ trước do tòa án hoặc Trung tâm Báo chí TP HCM xác nhận mới được vào khu vực tác nghiệp.
Ngoài ra, chỉ những người có tư cách tham gia tố tụng, đại diện một số Đài truyền hình mới được ưu tiên vào phòng xử án.
Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm trước thềm Đại hội Đảng bộ TP HCM. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến khu "đất vàng" của TP HCM tại địa chỉ 8-12 Lê Duẩn (Q.1). Trong đó, những người bị truy tố nguyên là lãnh đạo cấp thành phố, cũng như người đứng đầu Sở ngành, quận/huyện khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong số này, ngoài ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, các đồng phạm khác là ông Đào Anh Kiệt, nguyên là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT); Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue); Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2; Trương Văn Út, nguyên Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường.
Riêng bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM) hiện đang bị truy nã, nên cơ quan điều tra quyết định tách ra thành vụ án khác và xử lý sau.
Đúng 8h, thư ký tòa hướng dẫn quy trình xét xử và quy định về khu vực tác nghiệp đối với phóng viên, báo chí. Trong đó, tòa án bố trí riêng một phòng có màn hình tường thuật trực tiếp để phóng viên tác nghiệp tin bài, đồng thời dành khu vực phía sau phòng xét xử để phục vụ người dự khán xét xử công khai phiên tòa.
Tham dự phiên tòa, có 11 cá nhân, trong đó có cả một số bị can đang bị điều tra trong vụ án khác được triệu tập. Ngoài ra, 15 pháp nhân với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập trong phiên khai mạc phiên tòa.
Vụ án có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, riêng có bị cáo Lê Thị Thanh Thúy có đơn xin từ chối hỗ trợ pháp lý của 3 luật sư và chỉ yêu cầu Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) bào chữa cho mình.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Quận 1), có tổng diện tích hơn 4.800 m2 có nguồn gốc đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Dù vậy, vào tháng 11/2007, dưới sự tham mưu của Sở TNMT và một số cơ quan liên quan, UBND TP HCM có chủ trương phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại. Điều đáng nói, quá trình điều tra phát hiện bà Lê Thị Thanh Thúy dùng quan hệ tình cảm cá nhân, tác động đến nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài để thực hiện ký nhiều văn bản vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước liên quan khu nhà đất trên.
Hậu quả, ông Nguyễn Thành Tài cùng các đồng phạm là cựu quan chức Sở ngành, quận huyện đã chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án trên, không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Hành vi vi phạm của ông Tài cùng các cựu quan chức TP HCM đã gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước với tổng số tiền 1.927 tỷ đồng.
Vụ án cũng từng bị trả hồ sơ điều tra bổ sung do liên quan đến các tình tiết quan trọng, trước khi Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng để truy tố vụ án ra xét xử.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.