Cho tới hôm nay nguyên soái Georgi Zhukov (19/11/1896 - 18/6/1974) vẫn là nhân vật mang tính biểu tượng cho chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Chính vì thế nên người ta còn gọi ông là “nguyên soái chiến thắng”. Tuy nhiên, trong thời bình, sau khi lãnh tụ Stalin qua đời, Zhukov đã thay đổi và gia nhập đội ngũ những nhà lãnh đạo có ham muốn xét lại những tổng kết về chiến tranh. Rốt cuộc là ông đã bị rối lẫn trong những mưu mô của bộ máy thời bình và bị mất chức.
Để biết rõ hơn câu chuyện, báo Nga Komsomolskaya Pravda đã phỏng vấn nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng TSKH Leonid Maksimenkov. Xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn đó.
Ai là người chủ lực chống lại Stalin?
PV:Theo những công bố của ông, chính Zhukov chứ không phải Khrushchev đã bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại sự sùng bái cá nhân Stalin?
Leonid Maksimenkov: Điều này đã được chứng tỏ qua cả những tài liệu đã được giải mật từ Kho Tư liệu Tổng thống LB Nga cũ (tồn tại từ năm 1991 tới năm 1998); những tư liệu này đã được cơ quan lưu trữ liên bang chuyển tới hơn 40 nghìn vụ. Và những tài liệu này đã dựng nên một bức tranh khác về hoạt động của Georgi Zhukov trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Thí dụ, chúng làm rõ những nguyên nhân dẫn tới việc phế bỏ nguyên soái từ đỉnh Olympia trong Điện Kremli tháng 10-1957.
Sau khi Stalin qua đời đã xuất hiện bộ ba lãnh đạo tối cao - Malenkov, Molotov và Kaganovich.Nikita Khrushchev giữ vai trò Bí thư kỹ thuật rồi Bí thư Thứ nhất BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng mọi quyết định đều được thông qua bởi bộ ba này. Và một điều điển hình là việc phế bỏ Zhukov tháng 10-1957 đã diễn ra cùng với những biểu hiện giống như khi diễn ra việc phế bỏ Beria năm 1953. Người ta cho rằng đồng chí nguyên soái đã đặt mình và bộ chủ quản của mình lên trên đảng!
Thế bằng cách nào và khi nào thì một vị nguyên soái của Stalin lại trở thành người chủ lực chống lại Stalin?
- Cho tới hiện nay vẫn không thể tiếp cận được với nhiều biên bản các cuộc họp Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn đó. Còn Zhukov thể hiện mình với tư cách một người chống lại Stalin vào tháng 6/1953, đúng thời điểm phế bỏ Beria. Chính Zhukov cùng với các tướng Batitsky và Moskalenko đã tiến hành vụ bắt giữ Lavrenti Beria vô cùng quyền lực trong Điện Kremli. Rồi chính nguyên soái đã tổ chức vụ phế bỏ không đổ máu Malenkov, người đã đóng vai trò thừa kế của Stalin trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Xôviết. Vị trí này trước năm 1957 đã là trọng yếu hơn cả chức người đứng đầu đảng.
Sau khi Stalin qua đời, cơ quan nào đã có ảnh hưởng lớn hơn - quân đội, Bộ Nội vụ hay Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB)?
- Tất nhiên là quân đội, nằm dưới quyền chỉ huy hoàn toàn của Zhukov. KGB, được thành lập thay thế Bộ Nội vụ toàn năng đã trở thành vai thứ, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Zhukov đã làm đầy “khoảng trống” sau khi loại bỏ Beria và Abakumov và đã tập trung được một quyền lực rất to lớn.
Không quân dành cho bchtư
Nhưng chính Zhukov mùa hè năm 1957 đã tiến hành một cuộc tấn công thực sự phản Stalin?
- Khi đó chỉ bằng một hành động mà người ta đã loại bỏ ra khỏi bộ máy lãnh đạo chủ chốt gần như toàn bộ đội ngũ cận vệ thời Stalin với những nhân vật như Malenkov, Molotov và Kaganovich. Đẩy lui lại phía sau nguyên soái Voroshilov. Còn lại chỉ là vị chỉ huy trực tiếp của Zhukov, nguyên soái Bulganin. Chuyện xảy ra trong tình huống tại Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Đảng, những người này đã ở thế thượng phong vì đã bỏ phiếu cho việc buộc Khrushchev rời khỏi chức vụ Bí thư Thứ nhất. Tuy nhiên, Khrushchev đã kịp gọi về Moskva cho những Ủy viên trung ương ở các địa phương đứng về phía ông ấy. Vai trò của Zhukov đã là quyết định. Zhukov không chỉ ủng hộ Nikita Sergeyevich (cùng với Brezhnev, Shvernik và Furtseva). Nguyên soái trong lúc phiên họp đang diễn ra đã dùng máy bay quân sự đưa các Ủy viên trung ương về Moskva từ các địa phương. Và ngay trong Hội nghị bất thường BCHTƯ, Zhukov đã lên tiếng tố cáo sự dính líu của ba “trưởng lão” tới các vụ bắt bớ và hành hình (trong những thập niên trước). Ba người này đã bị đưa ra khỏi BCHTƯ rồi sau đó bị khai trừ khỏi đảng.
Tức là Zhukov đã hành xử như một đồng minh của Khrushchev trong cuộc đấu tranh giành quyền lực?
- Đúng thế, bởi vì các tài liệu đã chứng tỏ như vậy. Zhukov khi đó cho rằng, Khrushchev tiến hành chính sách mà nguyên soái không chỉ ủng hộ mà còn đã khởi xướng. Trước hết, đó là việc phục hồi cho các vị tướng mà Stalin đã trừng phạt.
Ủng hộ và chống lại các ông tướng
Những ai là người mà nguyên soái bảo vệ, dù chỉ là sau khi họ đã chết?
- Zhukov đã kêu gọi phục hồi cho năm tướng lĩnh, trong đó có các tướng Pavlov và Klimovskikh, những người đã bị trừng phạt trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh. Rất quan trọng là phải hiểu rằng: việc Khrushchev phục hồi cho nguyên soái Tukhachevsky giai đoạn năm 1937 là một việc, còn đánh giá hoạt động của các ông tướng sau ngày 22-6-1941 (ngày bắt đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại) là một việc khác hẳn. Sau khi phục hồi danh dự cho ông tướng tư lệnh Pavlov và các cấp phó của ông này, từng bị xử bắn vì tội “hèn nhát và làm tan rã hệ thống chỉ huy quân đội” thì hẳn sẽ phải nới rộng vòng trách nhiệm – thực sự thì ai có lỗi trong thảm họa mùa hè năm 1941?
Zhukov đã bảo vệ một số người này và đòi hỏi trừng phạt một số người khác?
- Zhukov trong vai trò người chiến thắng đã không cảm nhận ra được rằng, ông đang bước chân vào một vùng ẩn chứa đầy hiểm họa. Cũng trong hội nghị tháng 6/1957, Zhukov đã buộc cho Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Galitsky tội năm 1938 đã đâm đơn tố cáo khiến cựu tư lệnh lực lượng kỹ thuật quân sự quân khu Moskva Aslanov bị xử bắn. Zhukov đề nghị tước bỏ quân hàm thượng tướng của ông Galitsky, tước quân tịch và kỷ luật Đảng. Và các Ủy viên trung ương khi đó đã ủng hộ nguyên soái! Nhưng cụ thể là những ai đã ủng hộ thì không rõ, vì biên bản ghi danh cuộc biểu quyết đã bị loại bỏ khỏi bộ biên bản cuộc họp của Đoàn Chủ tịch BCHTƯ.
Có gì lạ lẫm trong chuyện này?
- Trước và sau Zhukov không ai dám bày ra chuyện kiểm tra lại hồ sơ cá nhân của đội ngũ cán bộ cao cấp trong chế độ Xôviết. Nhiều vị tướng mà đỉnh cao sự nghiệp đã đạt được trong giai đoạn tột cùng của những quyết định trừng phạt hẳn sẽ cảm thấy sốc. Và trong ban lãnh đạo dưới thời Khrushchev cũng có không ít người mà trong những năm lãnh đạo của Stalin đã đặt chữ ký của mình dưới không ít những vụ việc ầm ĩ, thậm chí còn là người khởi xướng ra những vụ việc đó... Phó Thủ tướng Frol Kozlov, người được coi là sẽ kế thừa Khrushchev trong thời gian diễn ra vụ Leningrad đáng hổ thẹn, đã làm việc ở thành phố trên bờ sông Neva. Đó cũng từng là nơi làm việc của Trưởng ban Đảng Nikolai Mironov... Những người như thế phải nghĩ thế nào về các sáng kiến của Zhukov? Họ sẽ nghĩ là tiếp sau Galitsky sẽ tới lượt họ? Xâm phạm vào điều tối kỵ - quyền miễn trừ của đội ngũ tinh hoa - là việc mà không thể tha thứ được ngay cả đối với nguyên soái chiến thắng. Và sau những đợt tấn công như thế nhằm vào những người theo chủ nghĩa Stalin, Zhukov đã không thể trụ lại lâu được.
Cuộc đấu tranh với những người tố cáo đã không kéo dài?
- Một năm sau khi nguyên soái đã bị mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, quyết định của Đoàn Chủ tịch BCHTƯ về việc trừng trị tội tố cáo đã được “giảm nhẹ”. Và vị Giám đốc Học viện từng bị “Đảng lên án” thậm chí đã được thăng quân hàm! Và được hưởng mức lương hưu cao.
Zukov là một trong những người đầu tiên đấu tranh vì “sự thật về chiến tranh”?
- Cũng trong hội nghị tháng 6-1957 đó, từ tín hiệu của Zhukov đã xuất hiện rất gay gắt vấn đề về không chỉ các cuộc trừng phạt, vai trò của các ông tướng mà cả về sự đánh giá giai đoạn đầu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Về việc xét lại vai trò của Stalin trong chiến tranh (như tiếng vọng của đại hội Đảng XX năm 1956). Về việc lập nên một bức tranh về chiến tranh, được kiểm chứng một cách khoa học trên cơ sở những lưu trữ còn lại. Trong vấn đề này, đồng minh của Zhukov có nguyên soái Vasilievsky. Ông này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về khoa học quân sự. Khi ấy bộ môn này tập trung trong lòng Bộ Quốc phòng. Đảng đánh giá đó như là một mưu toan chiếm đoạt lịch sử. Và việc này sẽ trở thành tội đối với Zhukov. Ông cũng bị buộc tội đã thổi phồng vai trò của mình trong chiến tranh và hạ thấp vai trò của Đảng.
Ai buộc tội cho ông?
- Những lời buộc tội được đưa ra trong nghị quyết của Đoàn Chủ tịch BCHTƯ tại hội nghị tháng 10-1957. Trước đó thì đã có những bản báo cáo về việc trong phim ảnh và sách báo bắt đầu đẩy lên mặt tiền hình ảnh của Zhukov. Tới tháng 8-1957, người ta đã buộc nguyên soái Vasilievsky phải viết đơn xin từ chức. Đó là một đòn vỗ mặt đối với Zhukov: loại bỏ một trong số không nhiều những đồng minh tin cậy của ông. Và Khrushchev đã sắp xếp được việc chuyển toàn bộ những công việc khoa học về lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc từ Bộ Quốc phòng sang Viện Marx-Lenin trực thuộc BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Tiếp theo thì lịch sử chiến tranh đã được viết chỉ bởi các nhà hoạt động chính trị của Liên bang Xôviết.
Khrushchev và Zhukov.
CIA biết những gì?
Zhukov đã có những đồng minh?
- Sau khi ông bị lật đổ thì việc làm sạch đội ngũ cán bộ quân sự ở Bộ Quốc phòng đã được tiến hành ở mức độ tối thiểu. Người ta cách chức Tư lệnh quân khu Ngoại Capcadơ, đại tướng Fedyuninsky. Ông này từng biết Zhukov từ năm 1939, thuở chiến đấu ở Khalkhin Gol. Về sau ông này phải chuyển tới quân khu Turkestan. Cũng ở thời điểm đó tướng Shtemenko đã bị mất chức Tổng cục trưởng Tổng cục Quân báo (GRU). Nếu xâu chuỗi ba sự kiện này lại với nhau – Vasilievsky – Shtemenko – Fedyuninsky thì đó không có vẻ như là một chuyện tình cờ.
Trong những tài liệu được giải mật của CIA về những sự kiện diễn ra mùa hè năm 1957 có nói rằng: chính Zhukov đã là ứng cử viên số một cho chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ai đã đánh giá như thế?
- Khrushchev! Điều trớ trêu trong cuộc “đảo chính” tháng 6-1957 là ở chỗ Khrushchev vẫn để trên vị trí then chốt nguyên soái Bulganin, người từng là “kế toán của Stalin”. Ông ấy vẫn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, dù lẽ ra không nên như thế, vì ông ấy là người từng có những phát biểu chống lại Khrushchev! Nhưng Khrushchev vẫn giữ Bulganin lại, chỉ đơn giản để Zhukov không trở thành Thủ tướng. Và điều này có vẻ rất hợp lôgích trong cuộc chơi bộ máy lớn.
Khrushchev không để Zhukov lại gần ghế Thủ tướng vì điều đó sẽ là nguy cơ đối với chính Bí thứ Thứ nhất?
- Đúng, từ vị thế Thủ tướng, Zhukov có thể chỉ cần bước một bước lên ghế lãnh đạo đất nước. Ở thời điểm đó, vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – đó là một vị trí thực tế với quyền lực thực tế. Và xét theo chính sách mang tính cách mạng mà Zhukov tiến hành về tái trang bị vũ khí, hiện đại hóa quân đội, hệ thống công nghiệp quốc phòng, trong các vấn đề đối ngoại thì có thể thấy Zhukov đã có một tiềm năng như thế.
Zhukov đã làm gia tăng vị thế của quân đội và nền công nghiệp quốc phòng, còn Khrushchev thì ngược lại?
- Khrushchev đã luôn luôn cho rằng: Đảng cao hơn hết thảy. Từ năm 1954, ông ấy bắt đầu tập trung quyền lực, liên tục đi thăm các địa phương trong nước cũng như ra nước ngoài và… đưa ra hết quyết định thảm họa này tới quyết định thảm họa khác. Đầu tiên là chuyển Krym (cho Ukraina), rồi chuyển Port Arthur cho người Trung Quốc. Ông ấy đã bắt đầu cuộc phiêu lưu tới Cuba với vũ khí hạt nhân. Còn Zhukov thì lại hành động theo một cách khác. Ngay cả chuyến thăm cuối cùng của ông tới Nam Tư và Albani cũng nói lên việc ông biết rõ cách tìm ra đồng minh ở biên giới gần và biên giới xa...
Nhưng chẳng lẽ sau chiến tranh lại không cần phải giảm quân số ư?
- Có thể làm như thế theo nguyên tắc của Lenin “Thà ít mà tinh”. Thí dụ, Zhukov đã đề nghị xây dựng căn cứ hải quân ở Albani. Việc này có thể giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực – vì sẽ không phải đưa các thủy đoàn đi tới Địa Trung Hải từ các hạm đội Hắc Hải, Baltik hay hạm đội Biển Bắc và không phải phụ thuộc vào tình hình cụ thể ở các vùng vịnh.
Khrushchev đã sử dụng Zhukov vào các cuộc chơi bộ máy của mình?
- Than ôi, đúng là như thế. Bản thân Zhukov có hiểu ra điều này hay không? Đó là một câu hỏi quan trọng. Biên bản các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch BCHTƯ cho thấy, Zhukov từ tháng 8/1957 đã biến mất khỏi chân trời Điện Kremli. Về thời gian thì việc này trùng hợp với việc nguyên soái Vasilievsky ra đi khỏi chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Và đại diện cho Bộ Quốc phòng khi đó bắt đầu là nguyên soái Koniev. Người đã đóng vai trò tích cực trong việc phế bỏ Zhukov.
Trong khi đó bản thân nguyên soái chiến thắng lại không hề mưu toan bất cứ một vụ việc nào chống lại Đảng. Ông đã đánh đồng mình với đường lối của Đảng và nói chung, tuân thủ nghiêm ngặt. Và cũng không phủ nhận công lao của Tổng Tư lệnh Tối cao (Stalin). Nhưng một bộ phận lớn trong giới tinh hoa muốn điều hành theo cách của Stalin mà không có Stalin nữa. Không có trấn áp nhưng với sự bao che lẫn nhau…
Duyệt binh không có nguyên soái
Zhukov đã có nhiệm vụ phải chuẩn bị cho cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhân dịp 40 năm Cách mạng Tháng Mười?
- Việc tổ chức ngày lễ trọng của Cách mạng Tháng Mười dự định sẽ rất hoành tráng. Với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các nước xã hội chủ nghĩa và thậm chí cả các đơn vị từ các quân đội hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa! Sáng kiến của Zhukov về việc mời mỗi một quân đội một nước xã hội chủ nghĩa một đại đội tới duyệt binh thực sự đã mang tính cách mạng!
Nhưng chẳng lẽ lãnh đạo Đảng lại không chịu trách nhiệm về cuộc duyệt binh chính yếu của đất nước?
- Lúc nào cũng phải thế! Nhưng người đứng đầu Bộ Quốc phòng trong cách hình dung của lãnh đạo Đảng thì phải thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật. Ông ấy được giao cho kịch bản, dặn dò xem cần bao nhiêu máy bay, xe tăng, lính bộ binh tham gia, và ông ấy giơ tay chào: “Rõ!”. Nhưng Zhukov lại tự mình tính toán, tới từng phút một. Thời gian duyệt binh sẽ là bao lâu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (ông xếp mình vào vị trí này) sẽ phát biểu bao nhiêu thời gian. Trong kế hoạch của mình, nguyên soái đã gia tăng thêm nhiều máy bay. Và thêm số lượng lính dù. Dù gì cũng cần để các lãnh đạo Đảng biết thêm một lần cách hành động kiên quyết và hiệu quả của lực lượng không quân!
Khi nào thì Zhukov trình bày kế hoạch của mình?
- Bốn tháng trước khi duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ngay sau chiến thắng của mình tại hội nghị tháng 6/1957. Và xét theo tầm cỡ một chuyên gia mưu mẹo như Khrushchev thì có thể khẳng định rằng chính Khrushchev đã làm thất bại những tính toán của Zhukov. Tại Đoàn Chủ tịch BCHTƯ, người ta đã loại bỏ đề nghị của Zhukov về việc cho những khí tài quân sự mới nhất tham gia duyệt binh. Khi ấy đã triển khai những dự án mạnh, trong đó có cả với vũ khí hạt nhân nhưng ở thời điểm đó vẫn chưa có ngay cả những phiên bản mẫu. Zhukov thì yêu cầu chuẩn bị chúng để tham gia duyệt binh.
Nguyên soái muốn thể hiện rằng ông đã không uổng công khi cố gắng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và kẻ thù phải e sợ Moskva?
- Đúng như thế! Tất cả những loại vũ khí mới nhất đã được triển khai dưới sự lãnh đạo của ông! Và nếu được duyệt bình thì hẳn các đồng minh cũ của chúng ta trong khối chống Hitler – những nhân viên tình báo dưới vỏ bọc phóng viên và nhà ngoại giao đứng đầy trên khán đài cạnh tường Kremli và chụp ảnh - sẽ phải ngạc nhiên tới chừng nào. Đó hẳn đã là tín hiệu cảnh báo tới cả thế giới bên ngoài lẫn bên trong. Ở thời điểm đó chỉ còn vài tuần nữa là tới lễ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất. Sự kiện mà ngành công nghiệp quốc phòng, tức là cả Zhukov nữa, có quan hệ trực tiếp. Tuy nhiên, nguyên soái lại không được chứng kiến sự kiện đó vì ông bị cử đi công tác dài ngày để khi trở về chẳng còn chức vụ gì nữa. Thoạt tiên ông từ Sevastopol lên tàu biển đi Albani, Nam Tư. Trong tình thế đó, đấy thực sự là một cuộc lưu đày.
Vĩnh biệt, nước Mỹ
Ông đã tìm ra tài liệu về việc Zhukov đã có kế hoạch phải đi thăm Mỹ?
- Tháng 7/1957, nguyên soái trình ra trước các Ủy viên Đoàn Chủ tịch giấy mời ông đi thăm Mỹ - để gặp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Charles Erwin. Và có thể cả Tổng thống Dwihgt Eisenhower. Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko đã gửi thư lấy ý kiến của các Ủy viên BCHTƯ. Các câu trả lời đều theo ý: tốt thôi, cứ việc đi thăm. Đó là sự kiện diễn ra 8 tháng sau việc trấn áp phản loạn ở Hungari. Trong những điều kiện như thế, chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô tới thủ đô Mỹ có thể được đánh giá như một bước nhảy vọt trong quan hệ giữa hai nước.
Thực sự người ta ở Washington đã chờ đợi Zhukov?
- Một nhà báo Mỹ đã đưa ra giả thuyết là khi đó có ngoại trưởng Mỹ Dalles đã chống lại chuyến thăm của Zhukov. Nhưng cũng có thể đấy chỉ là trò khiêu khích. Thử nhìn vào phản ứng của nguyên soái. Nếu phải nói đến thời gian cụ thể của chuyến thăm thì Zhukov hẳn đã bị buộc cho đủ thứ tội lỗi. Giống như nguyên soái Tukhachevsky năm 1937. Bản thân Zhukov liên tục phải nhận những “tín hiệu bôi lem”. Thí dụ như năm 1954 – việc này có ghi lại trong hồ sơ cá nhân của ông – đã có một bản tố cáo từ Paris. Theo đường tình báo. Một công dân nào đó chuyển tới bằng chứng về việc có thông tin cho rằng, Zhukov đang tiến hành thương thảo với các điệp viên phương Tây về chuyện ông đang chuẩn bị đảo chính. Không rõ là thông tin này có được phát tán thêm không. Cá nhân tôi không nghĩ rằng bản tố cáo đó có thể thay đổi số phận của nguyên soái.
Nhưng chuyến đi thăm Washington thì đã không được tổ chức.
Vì sao Zhukov thua cuộc?
- Ông đã đánh giá quá mức thực lực của mình từ góc nhìn của một vị chỉ huy quân sự. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự không phải là những thủ đoạn chính trị trong nội bộ Đảng. Khrushchev đã định viết lại đóng góp của Zhukov vào chiến thắng nhưng rồi Brezhnev đã giải oan cho Zhukov, dù chỉ một phần.
Nguyên soái chiến thắng, khi nắm quyền lực, đã không tạo ra hệ thống phanh giữ và đối trọng. Ông không tìm được những đồng minh có thế lực, mà lại tạo ra những kẻ thù hùng mạnh trong bộ máy Đảng, những người lo sợ những “thành tích” của họ dưới thời Stalin bị phát giác. Chính vì thế nên Zhukov đã thất bại...