Nguyễn Thị Hồng Ngát với phim ‘Hồng Hà nữ sĩ’

TRẦN THỊ TRƯỜNG 03/11/2023 07:16

Tôi đến Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) để xem ra mắt phim “Hồng Hà nữ sĩ”. Hai phòng chiếu lớn tối hôm đó chật hết chỗ. Phải nói là phim đã vượt qua được những rào cản từng có về sự “dị ứng” của khán giả với phim Việt.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

1.Phim “Hồng Hà nữ sĩ” kể câu chuyện về Đoàn Thị Điểm (thời Lê Trung hưng cách đây 300 năm), tác giả tập “Truyền kỳ tân phá” (chữ Hán) và tác giả của truyện thơ “Chinh phụ ngâm” (bản chữ Nôm - 412 câu thơ) được bà dịch từ nguyên bản “Chinh phụ ngâm khúc” (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn).

Đoàn Thị Điểm còn là tác giả “Nữ trung tùng phận”. Ngoài ra còn có một số bài thơ văn khác của bà (gồm chữ Hán, chữ Nôm) được chép trong tập “Hồng Hà phu nhân di văn” của Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Là người thuộc hàng thứ nhất về sắc đẹp và tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng của Việt Nam.

Mặc dù là phụ nữ, nhưng với tư chất thông minh đặc biệt, ngay từ thuở nhỏ Đoàn Thị Điểm đã được học đủ Tứ Thư, Ngũ Kinh… lại được mẹ dạy cho học nữ công gia chánh nên đến năm 16 tuổi, bà đã nổi tiếng là một tài nữ trẻ tuổi. Quan Thượng thư Lê Anh Tuấn, là bạn của ông ngoại Đoàn Thị Điểm. Mẹ Đoàn Thị Điểm là người Thăng Long lấy nhà nho nghèo, theo về Hưng Yên sống. Quan Thượng thư mến tài văn chương và đức hạnh của nữ sĩ họ Đoàn nên đã nhận bà làm con nuôi. Kể từ đó, bà về ở nhà của dưỡng phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Đây là thời gian bà đọc được rất nhiều sách quý trong kho sách của quan Thượng thư, kiến thức được mở rộng, lại tiếp xúc với nhiều người danh vọng, khoa bảng vì vậy tiếng tăm về tài ứng đối văn chương, về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn càng lan xa.

Bà được tiến cử vào cung Chúa Trịnh dạy học, nhưng khi ở trong cung, thấy rõ sự mục nát của triều đình, nên bà lại xin trở về quê nhà.

Cùng độ tuổi với Đặng Trần Côn, có cảm tình với Quan Ngự sử, đã dịch tác phẩm của họ Đặng từ chữ Hán ra chữ Nôm… nhưng rồi bà kết hôn với ông Nguyễn Kiều (con rể của cha nuôi) - một người học rộng tài cao (18 tuổi đỗ Giải nguyên, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ) sau khi Nguyễn Kiều góa vợ. Sống với nhau chưa được bao lâu thì quan Thị lang Nguyễn Kiều phải đi sứ sang Trung Quốc. 3 năm sau, Nguyễn Kiều về nước, được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Trên đường theo chồng đi nhậm chức, Đoàn Thị Điểm bị cảm nặng rồi qua đời.

Thông qua cuộc đời Đoàn Thị Điểm, bộ phim phản ánh chế độ suy vong, vua chúa bạc nhược, sa đọa, quan lại tham lam, dốt nát, lộng hành thời bấy giờ. Trong cái thời mạt pháp ấy những trí thức - nhân sĩ tài năng như Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, học giả Đặng Trần Côn… đều trở nên bất lực.

NSND Trung Anh và NSND Lê Khanh đảm nhận vai vợ chồng Thượng thư họ Lê trong phim “Hồng Hà nữ sĩ”.

2.Nguyễn Thị Hồng Ngát thường được nhắc đến trong vị thế của một nhà thơ. Nhưng sau khi học biên kịch điện ảnh ở Nga từ những năm 80 thế kỷ trước, về nước chị vẫn vừa làm thơ vừa là một nhà biên kịch điện ảnh. Tác giả kịch bản của những phim “Canh bạc”, “Trăng trên đất khách”, “Cha tôi và hai người đàn bà”.

Chị từng làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam và Phó cục trưởng Cục Điện ảnh kiêm Trưởng ban Biên tập chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy của Đài Truyền hình Việt Nam. Về hưu năm 2006, sau đó, chị vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đảm nhiệm Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam (Hodafilm) đến năm 2010. Với đam mê và muốn được toàn tâm hơn cho những mạo hiểm và sáng tạo của mình cho điện ảnh chị thành lập Hồng Ngát Phim (HongNgat film) giữ cương vị Giám đốc cho đến hiện nay.

Tuổi hổ, sức làm việc mãnh liệt như hổ, lại có đam mê sáng tạo. Vừa chăm chồng tuổi cao sức yếu, vừa vẫn làm thơ vậy mà trong vòng 5 năm Nguyễn Thị Hồng Ngát viết 1 kịch bản và tham gia sản xuất 2 phim truyện nhựa. Phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2019) với vai trò Giám đốc sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát và êkip đã vinh dự nhận giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải Bông Sen Bạc và Cánh Diều Bạc. Phim “Hồng Hà nữ sĩ”, là một bộ phim cổ trang rất khó làm hay vậy mà vừa ra rạp đã đón nhận nhiều cảm tình của khán giả. Bộ phim có cảnh quay đẹp, khuôn hình đẹp, lời thoại sắc bén, táo bạo.

Đoạn Đặng Trần Côn từ quan vì “làm quan mà không giúp được dân, khi thấy dân lầm than, đau khổ” về nhà đào hầm ở ẩn để khỏi nhìn thấy đời, rất xúc động. Không ít khán giả ngồi gần tôi sụt sịt khóc.

Trang phục của các diễn viên trong phim đã được làm rất cẩn thận vừa đẹp vừa gần với bối cảnh lịch sử. Chị cho biết có người bạn lớn tuổi là PGS.TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình - chuyên gia về trang phục điện ảnh và sân khấu, đã giúp chị. Kịch bản được chị Tình đọc rất kỹ rồi phác thảo cả trăm bộ phục trang cổ. Sau đó được họa sĩ Phạm Hường và Nguyễn Đức Lộc - Ỷ Vân Hiên dựa theo mẫu mã, màu sắc, chất vải, chất lụa, kiểu dáng thiết kế thực hiện. Để làm được kỹ chị đã chuẩn bị cho các nhà thiết kế một lượng thời gian tương xứng.

Những đạo cụ của phim, không biết giống bao nhiêu với vật dụng thời Lê Trung hưng nhưng cũng cho người xem cảm giác tương đồng với thời gian của câu chuyện. Diễn viên diễn cũng thành công, nhất là các vai Quan thượng thư: Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm…

Không gian cho phim cũng được chị và cả êkip chọn lựa rất kỹ và rất khéo, tạo ra hình bóng của Kinh thành Thăng Long cổ rất nhuần nhị, phong sương. Chị cho biết, cả êkip cùng họa sĩ Nguyễn Trung Phan phải đi khắp các tỉnh thành phía Bắc chọn cảnh chọn diễn viên, vô cùng vất vả. Các hình mẫu kiệu, xe ngựa, giáo mác, lều chõng… của thời kỳ đó đã được các họa sĩ nghiên cứu kỹ lịch sử, tạo tác với nhiều cảm xúc, sau đó thuê thực hiện, chăm chút từng chi tiết cùng thợ… là những việc đòi hỏi nhiều tâm huyết và công sức. Song, nhờ những chi tiết đó, phim thu hút được nhiều cảm tình của người xem. Chị cười cười bảo: “Nói chung là vất vả lắm, nhưng đổi lại thì mình và các cộng sự được thỏa sức lao động nghệ thuật, làm điều mình tâm đắc...”

Cảnh Tiến sĩ Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm đi đền Mẫu ở Hưng Yên.

Chị say mê ngay từ khi viết những dòng đầu tiên cho kịch bản. Ở tuổi 70 chị ngồi bên máy tính hàng ngày, ít đứng lên nghỉ ngơi trừ khi mệt quá. Chị đọc nhiều tư liệu về Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm và những sách bà viết. Cảm động tài năng, đức độ, nhan sắc và những vất vả khốn khó của một nữ sĩ trẻ, đồng hương Hưng Yên, nên chị dồn hết tình cảm của mình vào tác phẩm này.

Chị tìm đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tra cứu nhiều nguồn khác để dựng lại một thời lịch sử nhưng có điểm xuyết, sáng tạo thêm một số chi tiết cho sinh động. Kịch bản của chị trước hết được thẩm định bởi người chồng yêu quý, Tiến sĩ Phan Hồng Giang - anh động viên khích lệ và góp ý, biên tập. Nhưng khi triển khai sản xuất cũng là lúc anh ốm nặng rồi qua đời. Chị nén đau thương để hoàn thành bộ phim. Và thành quả hôm nay đã đền đáp xứng đáng cho chị.

Hồng Ngát cho biết phim do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đặt hàng, đầu tư tiền ngân sách. Dù số tiền khiêm tốn nhưng chị và êkip không vì thế mà làm qua loa đại khái. Tiết kiệm từng đồng, không nghĩ đến lợi riêng mà toàn tâm sức dành cho phim. Khi tôi hỏi sao không đi xin tài trợ như các đoàn làm phim khác. Chị cười, bảo: “Mình ngại. Cũng mong có đâu đó cho tựa, đỡ vất vả nhưng vừa ngại vừa muốn dù thế nào thì mình và cả êkip cũng vượt qua để thể hiện tình yêu với các nhân vật của mình, cũng có nghĩa là với người tài đức Việt Nam”.

Phim ra rạp cùng thời điểm với phim “Đất rừng Phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng và Trấn Thành nên có phần bất lợi. Ấy vậy mà ngày đầu đã đông khán giả. Song, cũng còn nhiều gian nan. Không dễ gì vượt qua được định kiến quá dài về phim Việt. Nguyễn Thị Hồng Ngát thoáng buồn: “Phim mình làm, tiền được cấp chỉ đủ cho sản xuất... Sản xuất phim đã mệt rồi, khâu phát hành còn mệt nữa".

Tôi chúc chị không mệt mỏi. Cảm ơn chị và êkip sản xuất đã có một bộ phim hay, góp phần đưa điện ảnh Việt Nam lên một bước mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Thị Hồng Ngát với phim ‘Hồng Hà nữ sĩ’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO