Ngày 8/4 vừa qua, tại Pristina, thủ lĩnh đảng Dân chủ Kosovo Hashim Thaci đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước cộng hòa Kosovo. Cho tới hôm nay, đó là quốc gia đã được 108 thành viên LHQ công nhận. Một điều đáng lưu tâm là Thaci đã và đang bị hàng loạt tổ chức quốc tế cáo buộc các tội ác quân sự, buôn bán ma túy và nội tạng người…
Ibrahim Rugova.
Kosovo tuyên bố độc lập ngày 17/2/2008. Tuy nhiên, trước đó, từ tháng 5/1992, mảnh đất vỡ ra từ Liên bang Nam Tư trong máu lửa nội chiến và chưa được quốc tế công nhận, đã có vị nguyên thủ đầu tiên là một giáo sư văn chương, Ibrahim Rugova. Ông sinh năm 1944. Trước khi bắt đầu vòng xoáy li khai ở Nam Tư cũ, Rugova chỉ nổi tiếng như một nhà văn và nhà phê bình văn học. Ông từng là chủ tịch Hội nhà văn Kosovo, do định hướng dân tộc của mình thường xuyên mâu thuẫn với Hội nhà văn ở Belgrad, nơi thực ra cũng không ít những phần tử dân tộc chủ nghĩa Đại Serbia. Trước đấy, Rugova đã tốt nghiệp trường đại học tổng hợp Prishtine, thực tập ở Paris, bảo vệ luận án với chủ đề “Xu thế và tiền đề của nền phê bình nghệ thuật Albani thời kỳ 1504-1983”. Ông đã làm tổng biên tập các tạp chí “Thế giới mới” và “Ngọn cờ” xuất bản bằng tiếng Albani, viết phê bình văn học, giảng dạy văn chương và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của một nhà “Albani học”. Rugova cũng từng xuất bản tập thơ đầu tay năm 16 tuổi. Ông là tác giả của 5 tập sách, chủ yếu có tính chất nghiên cứu văn học…
Từ năm 1989, số phận Rugova liên đới chặt chẽ và kỳ lạ với số phận nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic. Chính Milosevic năm 1989 đã sửa đổi hiến pháp, tước bỏ quyền tự trị rộng rãi của Kosovo, lúc đó có tới 80% dân số là người Albani (hiện nay, người Albani chiếm tới 90% dân số Kosovo). Chính quyết định này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của người Albani, dẫn tới việc tháng 5/1992, Rugova được bầu làm tổng thống của nước cộng hòa tự tạo Kosovo trong một cuộc bầu cử không được Serbia công nhận. Tới thời điểm đó, Rugovo đã là một nhân vật nổi bật trong đội ngũ những chính khách chủ trương li khai. Liên minh dân chủ do ông thành lập năm 1990 đã trở thành đảng quốc gia của người Albani ở Kosovo…
Đường lối kiên quyết đấu tranh giành quyền độc lập của người Albani ở Kosovo của Rugova đã giúp ông có được biệt danh “Gandhi của Balkan”… Năm 2002, Rugova lại được bầu làm tổng thống của nước cộng hòa tự xưng Kosovo. Và ông đã trụ ở vị trí này cho tới khi qua đời ngày 21/1/2006…
Ông Fatmir Sejdiu (giữa) và ông Hashim Thaci (trái).
Người kế nhiệm ông Rugova là tổng thư ký của đảng Liên minh Dân chủ Kosovo, Fatmir Sejdiu, sinh năm 1951. Ông nhậm chức ngày 10-2-2006. Nghề của ông là giáo sư chính trị học, tốt nghiệp tại trường đại học tổng hợp Pristina như người tiền nhiệm. Sejdiu được đánh giá như một chính khách trung dung, không quá khích. Tuy nhiên, cũng như bậc đàn anh Rugova, ông cho rằng, đối với người gốc Albani, chỉ có một phương án duy nhất để giải quyết vấn đề , đó là công nhận nền độc lập toàn vẹn của nước cộng hòa này.
Người giữ tạm quyền tổng thống Kosovo sau khi ông Sejdiu từ chức cũng là một trí thức. Đó là tiến sĩ sử học Jakup Krasniqi, sinh năm 1951.
Behgjet Pacolli.
Vị tổng thống được bầu tiếp theo là Behgjet Pacolli, một doanh nhân, cũng sinh năm 1951. Ông này còn có quốc tịch Thụy Sĩ, từng thực hiện nhiều hợp đồng với Nga và cũng từng bị cơ quan an ninh Nga tiến hành điều tra… Ông được bầu làm tổng thống Kosovo tháng 2-2011, trong khuôn khổ một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Hashim Thaci, người giữ cương vị thủ tướng. Những rắc rối chính trường đã buộc Pacolli mau chóng từ chức để nhường chỗ cho nữ chuyên gia hình sự Atifete Jahjaga, sinh năm 1975. Bà từng tốt nghiệp khoa luật ở đại học Pristina năm 2000. Trong hai năm 2006-2007, bà đã tham gia học và có chứng chỉ về nghiệp vụ cảnh sát và luật hình sự tại đại học Anh Leicester (đây là một trong 20 trường đại học được đánh giá là tốt nhất trên hòn đảo sương mù). Sau đó, bà cũng đã được đào tạo chuyên sâu ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu mang tên George C. Marshal tại Đức và Học viện Quốc gia FBI ở Mỹ… Tại Mỹ, Jahjaga từng được giới thiệu với cả tổng thống George Bush…
Atifete Jahjaga.
Năm 2008, Jahjaga đã gia nhập cơ quan cảnh sát Kosovo, bắt đầu bằng công việc của một phiên dịch viên cho cảnh sát quốc tế. Tiếp theo, bằng những nỗ lực của mình, bà đã vươn tới cấp bậc đại tá, giữ chắc phó giám đốc cơ quan cảnh sát Kosovo rồi từ năm 2010, trở thành giám đốc với hàm thiếu tướng. Với sự hỗ trợ của đại sứ quán Mỹ, tháng 4/2011, Jahjaga đã được bầu làm tổng thống ngay trong vòng biểu quyết đầu tiên của quốc hội với 80 trong số 100 nghị sĩ ủng hộ. Và bà đã là người phụ nữ đầu tiên trên cương vị tổng thống Kosovo. Tuy nhiên, bà đã không giữ được ghế nguyên thủ cho mình sau khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào ngày 6/4 năm nay, bởi lẽ quyền lực thực sự ở Kosovo từ không chỉ một năm nay nằm trong tay Thaci. Tháng hai vừa qua, quốc hội Kosovo đã bỏ phiếu cho Thaci trở thành vị tổng thống tiếp theo của nước cộng hòa…
Tổng thống mới của Kosovo mặc dù bị mắc rất nhiều tai tiếng nhưng lại là một trong những chính khách có vị thế vững chãi nhất ở nước cộng hòa này. Ông sinh tháng 4/1968 tại làng Brokna ở vùng trung tâm Kosovo… Theo lời người dân quê ông, Thaci chưa học hết trung học và chỉ được các đồng hương ghi nhớ bởi những trận đánh lộn thời thơ ấu. Tuy nhiên, theo bản tiểu sử chính thức của ông, Thaci đã tốt nghiệp đại học Pristina về chuyên ngành lịch sử và triết học, từng vào học ở đại học Zurich theo chuyên ngành lịch sử Đông Nam Âu và quan hệ quốc tế… Trong thời gian còn là sinh viên ở Pristina, năm 1989, khi tổng thống Serbia Slobodan Milosevic tước quyền tự trị của Kosovo, Thaci đã trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên phản kháng….
Trong lễ nhậm chức, Thaci hứa là sẽ “dâng hiến hết sức mình cho sự nghiệp củng cố nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước cộng hòa” cũng như “đảm bảo quyền làm người và các quyền tự do công dân, kính trọng và bảo vệ hiến pháp và luật pháp, gìn giữ hòa bình và sung túc cho mọi công dân”. Thaci cũng tuyên bố rằng người Albani và người Serbia đã có cùng “một quá khứ cay đắng, nhưng cần phải nhìn vào tương lai”. Theo lời tổng thống mới của Kosovo, Pristina và Belgrad không có cách chọn lựa nào khác là đối thoại với nhau và “Kosovo sẽ cố gắng thiết lập những mối quan hệ có tính xây dựng với Serbia”.
Trong quá khứ, Thaci từng là một trong những thủ lĩnh của “Quân đội giải phóng Kosovo” và bị Serbia coi là một trong những tội phạm chiến tranh tiềm tàng. Năm 1997, tòa án Serbia đã kết án vắng mặt Thaci 10 năm tù về tội khủng bố… Ông này từng được nhắc tới trong cuốn sách của cựu trưởng công tố tòa án quốc tế về Nam Tư, bà Carla del Ponte: “Truy lùng: tôi và những tội phạm quân sự”. Theo lời bà Ponte khẳng định, Thaci đã chỉ huy “kinh doanh xương máu” – tức bán nội tạng người. Theo tài liệu của tờ Press xuất bản ở Belgrad, nhờ bán nội tạng người mà Thaci đã kiếm được không dưới 4 triệu mark Đức…
Trung tuần tháng 12/2010, báo cáo viên đặc biệt của Nghị viện Cộng đồng châu Âu, nghị sĩ Thụy Sĩ Dick Marty cũng đã buộc cho chính quyền Albani buôn bán ma túy và nội tạng người. Trong bản báo cáo của Marty do Hội đồng châu Âu công bố tháng 12/2010 có nói tới sự dính líu của lãnh đạo Kosovo, kể cả cá nhân Thaci, với băng nhóm tội phạm có tổ chức chuyên bán nội tạng người trong thời gian xảy ra cuộc xung đột ở Kosovo. Tuy nhiên, trong bản báo cáo đó đã không dẫn ra được tên họ của bất cứ một nhân chứng nào cho sự việc trên…