Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người, như dùng luật pháp, giáo dục chính trị, dùng giáo dục đạo đức kết hợp thiết chế văn hóa,…Trong đó, văn học – nghệ thuật (VH-NT) chiếm một vị trí đặc thù.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh vai trò đặc thù
của VH-NT trong bối cảnh mới
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Đảng ta coi vấn đề con người là vấn đề trung tâm của cách mạng. Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người, như có thể dùng thiết chế văn hóa; dùng luật pháp; dùng giáo dục chính trị; dùng giáo dục đạo đức và đúc kết các nội dụng đó với nhau. Nhưng, trong các loại hình giáo dục đó thì VH-NT chiếm một vị trí đặc thù. Nó hướng con người đến cái thiện, động viên tinh thần , phẩm chất sáng tạo và phát huy tinh hoa. |
Chia sẻ này được nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh tại hội thảo khoa học toàn quốc: “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVH-NT) tổ chức khai mạc vào sáng 3/10 tại Hội trường T78 – TP.HCM.
Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, những vấn đề về VH-NT trong giáo dục nhân cách con người Việt Nam đang ngày càng được coi trọng đặc biệt do những bối cảnh về đạo đức, lối sống, nhân cách con người đang có những vấn đề nảy sinh phức tạp hơn. “Ngày nay trong hoàn cảnh mới của lịch sử để xây dựng và phát triển đất nước và để tiến kịp các nước đã đi trước ta nhiều năm thì vấn đề con người đang đặt ra ráo riết, khẩn thiết”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Làm rõ hơn những nảy sinh phức tạp hơn trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPBVH-NT Trung ương cho biết: nhiều năm gần đây có một thực tế không vui là nhân cách, đạo đức xã hội đang có xu hướng bị tha hóa, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Theo ông Vinh, biểu hiện cụ thể của thực trạng không vui trên là những vụ án tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi; những vụ giết người ngày càng cực kỳ man rợ như ở Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bình Phước, Gia Lai,…gần đây đang khiến dư luận xã hội hoang mang, nhân dân bất bình, đe dọa trực tiếp trật tự, an toàn xã hội. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội, trong đó có số đông văn nghệ sĩ chưa thật “dấn thân”, còn có biểu hiện né tránh, hoặc đề cập còn mờ nhạt trong tác phẩm, đặc biệt chưa góp sức tìm ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh chỉ ra nguyên nhân.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPBVH-NT Trung ương ví von: dường như cái xấu đang gặm nhấm nhân cách con người trong xã hội và thực trạng này biểu hiện cụ thể trong hoạt động VH-NT. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhìn nhận đã qua rồi thời kỳ văn học, nghệ thuật làm nhiệm vụ (ngoài chức năng của mình) là rao giảng về đạo đức, về nhân cách hoặc tuyên truyền thô thiển về những cái tốt có thật và cả không có thật trong đời sống, hoặc đứng cao hơn hiện thực để tạo ảo tưởng cho con người đang phải hàng ngày đương đầu, đụng độ với cái xấu, cái ác, cái thấp hèn,…để vươn lên cái tốt đẹp, lương thiện và cao thượng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPBVH-NT Trung ương
phát biểu khai mạc Hội thảo
Chia sẻ về chủ đề này, Nhà văn Vũ Hạnh bày tỏ hoài vọng: “Mới ngày nào đây các văn nghệ sĩ là những chiến sĩ góp phần tích cực chống kẻ thù chung, thể hiện tấm lòng yêu nước, trung thành đối với lãnh tụ, đối với chế độ thì khi hòa bình lập lại thì đã xuất hiện không ít những văn nghệ sĩ xa rời đạo lý, dựng những màn ảnh bạo lực, moi tìm những sự kiện xấu mà phơi bày,…”. Nhà văn Vũ Hạnh cho rằng, muốn xây dựng và bảo vệ nhân cách của người Việt thì ngoài việc VH-NT phải sáng tạo hơn nữa thì phải tạo được vị thế như luồng gió ấm, thơm nồng tỏa đi khắp nước. Chúng ta cũng phải cũng cố, mở rộng lực lượng phê bình ở trên toàn quốc, qua đó giảm bớt các tệ hại trong sự tha hóa của một bộ phận lớp trẻ hiện nay.
GS.TS Lê Huy Bắc trong góc nhìn về nhân cách và văn chương đã chỉ ra rằng: sáng tác một tác phẩm VH-NT cũng cần phải có nhân cách và khi người đọc tiếp cận tác phẩm ấy thì cũng có nghĩa người đó cũng được học hỏi rèn luyện nhân cách. GS Bắc gợi ý giải pháp nên sử dụng các tác phẩm VH-NT để nhằm vào mục đích hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
GS.TS Mai Quốc Liên so sánh năng suất của một người Việt hiện chỉ bằng 1/5 người Thái; kinh tế đất nước dù phát triển gấp 70 lần so với lúc vừa đổi mới, nhưng đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không đổi mới mọi mặt. “Con người không chỉ sống bằng bánh mì mà cần một cuộc sống tinh thần – văn hóa phong phú và điều đó chỉ có thể có được khi có một nền văn minh – văn hóa phát triển”, GS Liên phân tích, đồng thời đề xuất hãy làm một phép thử giáo dục nhân cách bằng VH-NT, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển (sách về tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu,…) trong nhà trường, rồi lấy kết quả đó nhân rộng ra.
Từ thực tiễn của TP.HCM, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP cho biết, thành phố là đô thị đặc biệt với gần 10 triệu dân là trung tâm thu hút và lan tỏa trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đặt ra bài toán về quản lý các mặt trái của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực VH-NT. “Các loại truyện ngắn, truyện dài, thơ ca với chủ đề vụn vặt, gặm nhấm cái tôi cá nhân, tình yêu trai gái nỉ non, èo uột hoặc các thể loại thơ vè được các tác giả sản xuất nhiều”. Từ thực trạng như vậy, bà Thư đề xuất cần có cơ chế quản lý lĩnh vực VH-NT như quản lý một loại hàng hóa đặc biệt – loại hàng hóa sản phẩm bậc cao của tinh thần. Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý lĩnh vực này, trong đó có việc đổi mới phương thức hoạt động của các hội VH-NT; bồi dưỡng phẩm chất cách mạng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, với tinh thần: “đội ngũ văn nghệ sĩ tốt thì mới có tác phẩm tốt”.
Tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, giới phê bình VH-NT cũng chỉ ra các xu hướng mới, cũng như các giải pháp phù hợp trong giáo dục nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Trong 2 ngày diễn ra (3, 4/10), Hội thảo cũng sẽ chia làm 2 tiểu ban thảo luận sôi nổi, gồm: Tiểu ban Văn học do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì và tiểu ban Nghệ thuật do PGS.TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chủ trì.