Trần Hải từng chơi cho các trường học từ bậc Phổ thông đến Đại học trong những giải đấu trẻ toàn thành, thậm chí toàn quốc, tuy nhiên, vì gặp chấn thương phải phẫu thuật nên anh không được chơi thể thao nặng nữa. Từ đó, Trần Hải theo nghề phóng viên thể thao, công tác tại báo Thể thao & Văn hóa và là một bình luận viên bóng đá quen thuộc trên truyền hình.
“Có một câu nói mà tôi nằm lòng, đấy là khi công việc và đam mê là một, thì còn điều gì tuyệt hơn. Bóng đá được ví như sân khấu bốn mặt, ý muốn nói rằng, tất cả tốt xấu đều phơi bày ra trên cái sân khấu ấy. Mà đã trình diễn, thì phải có người xem, có khán giả. Trong bóng đá, khán giả hay tốt nhất là các Hội nhóm CĐV được ví như cầu thủ thứ 12 trên sân. Đấy là ở khía cạnh cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội bóng. Nhưng tôi nghĩ thực tế hơn. CĐV không chỉ là cầu thủ thứ 12, mà lực lượng này còn nuôi sống bóng đá, giám sát bóng đá, chứ không phải túi tiền không đáy của các ông bầu, ông chủ. Không có khán giả, bóng đá sẽ tự chết dần chết mòn. Đá bóng với cầu thủ là một nghề rất bạc, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bạc bẽo và bạc tiền. Một sai lầm hay chấn thương có thể triệt tiêu luôn sự nghiệp của cầu thủ. NHM bóng đá Việt Nam cũng là những người rất độ lượng, hào sảng, kiểu như giận thì giận mà thương thì thương. Họ yêu ghét rõ ràng, nhưng cũng rất mau quên. Khán giả là một tài sản quý báu của nền bóng đá, không được phép đánh mất. Có những khi trọng tài đã thiếu công tâm trong trận đấu, nhưng việc CĐV nói những lời nhục mạ trên mạng xã hội, thậm chí tấn công faceboook cá nhân sẽ tạo ra hình ảnh thế nào trước sự chứng kiến của CĐV đến từ các nước khác.
Trong các trận đấu – giải đấu bóng đá, trọng tài làm việc của họ và công việc của cầu thủ là đá bóng. Mỗi HLV hay cầu thủ, hay thậm chí cả CĐV đều có chiến thuật gây sức ép riêng lên đối thủ và đội ngũ cầm cân nảy mực, nhưng cần phải tỉnh táo, đừng tát nước theo mưa. Sau trận đấu, mọi thứ chấm dứt và nếu hành xử chuyên nghiệp, chúng ta không nên bàn đến công tác trọng tài.
Tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề trên báo Thể thao & Văn hóa về văn hóa cổ động bóng đá tại Việt Nam, cũng như có những so sánh - tham chiếu từ các Hội nhóm CĐV các nước khác, mà tôi từng chứng kiến. Nói chung, tính tổ chức và tinh thần cổ động của CĐV Việt Nam mới chỉ ở nút bắt đầu, chưa chuyên nghiệp và chưa được sự hỗ trợ từ nhiều khâu. Các Hội - nhóm còn hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, số lượng không đông và đương nhiên chất lượng cổ động cũng không cao. Có nhiều cái khó với mô hình Hội - nhóm CĐV ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng: với thời gian và sự tích lũy, gây dựng, những cuộc chạy tiếp sức từ Liên đoàn và Mạnh Thường Quân, CĐV sẽ trưởng thành và mang lại nhiều lợi ích”.