Nhà báo có quyền ngụy trang ghi âm ghi hình nếu Luật Báo chí cho phép

Lê Bảo 26/04/2017 17:19

Đây là khẳng định của ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26/4.

Theo ông Lê Đại Hải báo chí có quyền ngụy trang ghi âm, ghi hình nếu Luật cho phép.

Không cấm nhà báo, người dân ngụy trang ghi âm, ghi hình

Tại buổi họp báo một trong vấn đề “nóng” được báo chí chất vấn nhiều nhất liên quan đến đề xuất của Bộ Công an “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Trả lời câu hỏi này ông Lê Đại Hải cho biết, Dự thảo đã đến Bộ Tư pháp lần thứ 3. “Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thai nghén mấy năm rồi, Bộ Tư pháp cũng thẩm định rồi nhưng Chính phủ chưa ban hành được bởi trước đây nó không nằm trong danh mục ngành nghề kèm theo Luật Đầu tư. Tức là việc kinh doanh phần mềm nguỵ trang này chưa có trong danh mục kinh doanh có điều kiện, không phù hợp với luật. Tuy nhiên vừa qua Quốc hội thông qua Luật Đầu tư mới, đưa ngành nghề này vào phụ lục là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên Bộ Công an đã hoàn thiện lại dự thảo” - ông Hải thông tin.

Trước đó, Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 19 Điều quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Đáng chú ý, tại điều 4 dự thảo Nghị định nêu rõ: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Sau khi dự thảo Nghị định này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến phản biện cho rằng dự thảo này là “vi hiến”. Nhiều chuyên gia pháp lý đã phản bác gay gắt với Dự thảo của Bộ Công an vì cho rằng quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình với mục đích hợp pháp là trái với quy định của Hiến pháp.

Về vấn đề này ông Hải khẳng định: Nghị định này không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên trong dự thảo Nghị định này không thể cấm anh A, anh B sử dụng thiết bị A, thiết bị B được.

“Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật. Hay Bộ luật Dân sự quy định đời tư được bảo vệ thế nào, người nào sử dụng thiết bị không được phép, xâm phạm đời tư của cá nhân mà không được họ cho phép thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hải nhấn mạnh.

Được biết chiều 25/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định này và đang hoàn thiện báo cáo thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sẽ “ sửa” quy định xin lỗi

Liên quan đến cảnh tượng náo loạn trong buổi TAND cấp cao tại Hà Nội xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long tại Bắc Giang vào chiều 25/4, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp chia sẻ, trong luật hiện hành chỉ quy định việc tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn việc quy định tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao… thì quy định chưa rõ ràng.

“Với tinh thần cầu thị, các cơ quan chức năng đã cử các thành phần đầy đủ để thực hiện xin lỗi ông Hàn Đức Long trên tinh thần nghiêm túc, công khai. Do đó để xảy ra những hình ảnh náo loạn tại buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long là rất đáng tiếc. Tới đây, hệ thống pháp luật về công tác bồi thường Nhà nước cũng như vấn đề tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sai cần tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, bảo đảm pháp luật được thực thi công minh, nghiêm túc” - ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đang được sửa đổi sẽ quy định cụ thể về việc người bị oan sai yêu cầu cơ quan làm sai tổ chức xin lỗi. "Chúng tôi cũng sẽ quy định lại cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong quá trình tổ chức xin lỗi công khai"- ông Hưng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo có quyền ngụy trang ghi âm ghi hình nếu Luật Báo chí cho phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO