Thiếu tá - nhà báo Đặng Trung Kiên (còn được gọi là Ba Kiên, hiện công tác ở Ban Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại TP HCM) vừa ra mắt tập bút ký, phóng sự “Mùa con sóng dữ” (NXB Hội Nhà văn) về chủ đề biển đảo, trong khi anh vốn thuận tay với mảng điều tra chống tiêu cực.
Nhà báo Đặng Trung Kiên.
PV: Vì sao anh lại chọn và gắn bó với mảng điều tra, phóng sự, bút ký?
Nhà báo Đặng Trung Kiên: Thực ra, bên cạnh mảng điều tra thì phóng sự, bút ký là một thể loại tôi rất thích ngay từ lúc mới vào nghề, nhưng ở những giai đoạn, hoàn cảnh các thể loại này nổi trội hơn và thể loại kìa chìm xuống. Tôi nghĩ, thể loại nào cũng đều hướng đến điểm chung là điều cao đẹp, làm sáng tỏ hay đấu tranh với vấn đề tiêu cực để xây dựng sự hoàn thiện, tốt đẹp. Trách nhiệm của người cầm bút trong mỗi hoàn cảnh buộc mình có lựa chọn cách thức truyền tải đó. Chủ đề biển đảo, phóng sự, bút ký mang đến cho mình thể hiện sâu sắc nhất những cảm xúc, rung động và cảm nhận của mình.
Tốt nghiệp Khoa Báo chí (ĐH Quốc gia TP HCM), con đường dẫn anh trở thành nhà báo, chiến sĩ như thế nào?
- Tôi tốt nghiệp đại học báo chí và về công tác tại báo Quân đội Nhân dân vào năm 2002. Ngày ấy, để trở thành nhà báo quân đội, tôi đã trải qua những năm tháng thử thách, đáp ứng những yếu tố khắt khe về nhiều phương diện. Ngay từ những năm đầu tiên, tôi đã mải miết có mặt ở nhiều vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc. Đi thực tế cũng rất khó khăn, phải sử dụng xe đò, xe máy vượt hàng trăm km là chuyện bình thường. Đi vào những vùng sâu, vùng xa miền sông nước phải bằng vỏ lãi, tắc ráng lao vút trên các tuyến kênh cả buổi mới đến nơi. Bài vở chúng tôi gõ bằng máy đánh chữ sau đó gửi fax ra Tòa soạn ở Hà Nội. Những ngày gian khó ấy đã rèn cho tôi nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm những thực tế quý giá đối với nghề báo.
Trong quân đội, để thử thách rèn luyện ý chí của quân nhân, sẽ có thời gian người lính được cử đến hải đảo hay miền núi xa xôi. Thời gian đầu tiên đến hải đảo, anh đã trải qua những cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh gì?
- Vừa là nhà báo, vừa là quân nhân, hẳn nhiên tôi cũng phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại ngũ trong quân đội, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ nơi đâu khi được phân công, khi Tổ quốc cần. Nên sau khi ra trường, được về những vùng biên giới, hải đảo xa xôi trong những ngày biển động để tác nghiệp, đối diện với nhiều gian khó, thử thách và thiếu thốn, tôi xem đó là một điều bình thường, là trách nhiệm của người lính. Tôi xin chia sẻ thêm rằng, khi về công tác ở báo Quân đội Nhân dân - nơi vốn luôn đòi hỏi những người trẻ phải dạn dĩ, xung phong đặt những bước chân vào nơi gian khó, tôi được quăng mình nơi những miền biển xa, sông dữ hay vùng bão lũ, những thác ghềnh vùng cao hay miệt sông nước miền Tây Nam Bộ mênh mang hiền hòa. Có những góc biển, đảo nhỏ, đồn biên phòng heo hút trong thời gian dài chưa một lần có nhà báo đến thực tế. Điều kiện như thế đã tạo cho tôi chất liệu cũng như cảm xúc trước những hình ảnh đẹp đẽ, đầy tính thiện của những người dân hay cán bộ, chiến sĩ thời bình.
Anh đã tác nghiệp như thế nào để có thể miêu tả chân xác những điều đó?
- Điều này tùy thuộc vào ngữ cảnh và điều kiện. Làm báo khó nhất là tìm tòi, thu thập chất liệu, tư liệu cho bài viết mang hơi thở cuộc sống, bản chất của sự việc đặt trong những trình tự, quy chuẩn của vấn đề cần soi xét, truyền tải. Tôi có thói quen khi xác định được vấn đề, đề tài hay trước một con người có những hành động cao đẹp là tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Lao động báo chí ở thể loại phóng sự, bút ký gắn với sự cẩn trọng, chân thực và lồng chứa cảm xúc, cảm nhận của chính mình về nhân vật ấy, vùng đất ấy. Những tác phẩm của tôi luôn đặt mình đồng hành cùng nhân vật, gần gũi và thấu hiểu thì họ sẽ mở lòng với những chi tiết hình ảnh chân thực và sống động. Chẳng hạn như ở thiên phóng sự về Phú Quốc “Tượng đài lịch sử giữa trùng khơi” là một hành trình cùng tham gia đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt quy mô lớn tại Phú Quốc và sau đó đã mở ra những hướng mới. Tôi say sưa theo hướng mới đó bằng cách dành nhiều tuần ở lại đảo để tìm hiểu, tiếp cận, thuyết phục, trao đổi với nhiều nhân chứng sống, sao lục nhiều tài liệu của nhiều cơ quan lưu trữ để đối chiếu, chứng minh cho những câu hỏi, những ẩn số còn khuất lấp của địa ngục trần gian, nơi giam cầm những tù binh cộng sản. Với Trường Sa, tôi đi nhiều lần, và mỗi lần lên đường đều có sự chuẩn bị kỹ về đề tài và những dự định cụ thể cho những lần lên đảo, nhà giàn trong thời gian ngắn ngủi.
Bìa cuốn sách.
Vì sao với mảng bút ký, anh chọn viết về điều thiện, về vẻ đẹp trong tâm hồn con người?
- Hướng về cái thiện là bản năng vốn dĩ của con người. Cái thiện, vẻ đẹp thực sự có lúc tiềm ẩn, có lúc hiển diện rất tự nhiên trong cuộc sống, trong nhân thế. Điều may mắn là ở những nơi tôi đến có những con người khát vọng sáng trong, một lòng cống hiến cho cộng đồng, cho tình yêu biển đảo, cho Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ hải quân quả cảm hiên ngang ngoài đảo xa, những chiến sĩ bộ đội biên phòng hết lòng vì dân ở miền biên ải, hay vị tướng quân y tâm huyết với tình yêu biển đảo. Những người cựu tù chính trị kiên trung giữ khí tiết trước những đòn tra tấn man rợ nơi địa ngục trần gian còn đau đáu, trăn trở tìm lại đồng đội và cả những viên cai ngục khét tiếng tàn ác một thời hiện ra với những góc nhìn sám hối, day dứt, ăn năn; những nhân vật lịch sử một thời ngâm mình, lặn sâu dưới đáy sông nhiều giờ đồng hồ gài mìn đánh chìm hạm đội tàu chiến Mỹ hiện đại… Đi nhiều, trải nghiệm và những năm tháng làm báo đã giúp tôi có một cái nhìn sâu hơn về những điều đẹp đẽ, về hy sinh và cống hiến. Hằng ngày, dòng chảy thời sự hiện nay đang bị cuốn theo những thông tin tiêu cực lấn át những dòng thông tin tích cực, nhưng không phải vì thế mà cái đẹp, tính thiện tâm mất đi sức sống và thiếu sự lan tỏa. Những tác phẩm của tôi viết về cái đẹp, đề cao tính thiện của con người cũng chỉ mong góp một phần nhỏ để mang đến sự lan tỏa của cái đẹp đó.
Theo anh, có phải góc nhìn về một sự việc, cách phản ánh nó, cũng thể hiện tâm hồn của người viết?
- Tôi thì lại nghĩ rằng, chính nhân vật và vùng đất nơi tôi đến quyết định góc nhìn, cách phản ánh của tôi. Dù câu chữ có uyển chuyển, mượt mà, sâu sắc đến mấy cũng không thể hiện hết nét đẹp con người trong nhân thế. Tôi viết về họ mộc mạc ở cảm nhận và ngôn từ như bước chân mình đi trên muôn nẻo đường đất nước, bằng những rung cảm của chính mình. Tôi cảm nhận cái đẹp, rung cảm và ngưỡng mộ rồi mong muốn qua chính tác phẩm giúp lan tỏa điều đẹp đẽ đó.
“Mùa con sóng dữ” là tập hợp nhiều bút ký của anh, tiêu chí chung nào được anh lựa chọn để cho vào cuốn sách này?
- Quả thực ý muốn của tôi lúc đầu phải là một cuốn sách đầy đặn hơn, nhiều tác phẩm hơn, dày khoảng 300 trang. Mang đến những tác phẩm đọc được, có những rung cảm và chất liệu lấp lánh là một đòi hỏi rất lớn. Vì lẽ đó, trong hàng trăm phóng sự, bút ký về chủ đề biển đảo, tôi cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn như thế.
Từ lúc có ý định và triển khai làm cuốn sách này, tôi đã mất gần 2 năm. Việc lựa chọn tác phẩm, biên tập và thiết kế bìa đều thay đổi và chỉnh sửa nhiều lần để hướng đến một cuốn sách có nội dung và hình thức đạt chất lượng tốt nhất. Riêng bìa cuốn sách đã được thay đổi hai họa sĩ, chỉnh sửa hàng chục lần, vài tháng lại chỉnh sửa thêm khi nhận ra những chi tiết về co chữ, màu sắc, hình ảnh chưa hợp lý.
Về tiêu chí chủ đạo thì chủ yếu xoay quanh những câu chuyện về tình yêu thương, sự cống hiến hy sinh thầm lặng của người lính thời bình đang thực hiện nhiệm vụ ở các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng oai hùng năm xưa. Họ - mỗi người ở mỗi chức trách khác nhau, công việc đặc thù khác nhau, địa bàn khác nhau nhưng mỗi người là một câu chuyện sống động về những đặc trưng nêu trên. Trong những mùa con sóng dữ đó, biết bao con người quả cảm, hiên ngang trước gian khó, bão bùng gieo giật để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, quê hương mà vẫn rạng ngời tính thiện cao đẹp, hy vọng về điều tươi sáng... Tựa sách “Mùa con sóng dữ” cũng mang thông điệp một cuộc hành trình của chính tôi trong những ngày biển động, đi, đến, cảm nhận, xúc cảm, ngưỡng mộ, khám phá, đồng hành cùng những nhân vật, câu chuyện nơi vùng sóng dữ một cách thực tế.
Vậy nếu tự nhìn mình, anh thấy con người bên trong anh ra sao?
- Tôi tự nhìn tôi à, nghe có vẻ khó nhỉ? Tôi luôn nghĩ mình sống sôi nổi, nhiệt huyết và chân thành và có cả lúc trầm tĩnh, chiêm nghiệm và tự làm mình cô đơn để thấu cảm về những đề tài, sự việc mà mình tìm hiểu. Tôi dễ rung cảm trước những điều đẹp đẽ và cả nỗi đau, cảnh đời khốn khó mà tôi đối diện. Nói là bên trong chính mình, nhưng trên bước đường làm báo, tôi lại đặt mình ở ngoài mình, muốn hóa vào nhân vật, sự việc để cảm nhận và viết về họ. Cái đẹp làm nên sự rung cảm, và cái đẹp được tôn vinh, được lan tỏa thì chính tôi và những ai thấu hiểu sẽ khó có thể làm được điều xấu trong cuộc sống này.
Xin cảm ơn anh!