Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về diện mạo của nền báo chí nước nhà và những đóng góp của báo chí trong công cuộc xây dựng đất nước.
Nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về diện mạo báo chí hiện nay cũng như những đóng góp của báo chí, đặc biệt là trong thời gian gần đây?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta đang có một nền báo chí giàu tính chiến đấu và phản ánh một cách sống động mọi mặt của đời sống đất nước. Thông qua báo chí, người ta nhìn thấy một đất nước đang phát triển và một xã hội có thể nói là đang quan tâm đến con người. Bức tranh mà báo chí phản ánh là một bức tranh trung thực và ở đó người ta thấy được sự đóng góp, cống hiến của các nhà báo và vai trò, vị trí của báo chí đối với đất nước. Trong thời đại truyền thông kĩ thuật số thì báo chí ngày càng khẳng định được vai trò hết sức quan trọng và các nhà báo càng phải tỏ rõ trách nhiệm làm nghề là vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Có lẽ đóng góp nổi bật nhất của báo chí trong thời gian vừa qua là khích lệ tinh thần khởi nghiệp. Đây là một làn sóng đang còn lan tỏa mạnh mẽ ở trong các tầng lớp nhân dân và khởi nghiệp đang trở thành động lực tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Một mặt nữa là báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đây là một trong những đóng góp xuất sắc và chói sáng nhất của báo chí. Nhờ có sự tham gia của báo chí như một lực lượng tiên phong này mà cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong những năm vừa qua được khích lệ, được cổ vũ và đã đạt được những kết quả tích cực dưới sự chỉ đạo hết sức sáng suốt, cùng với những biện pháp hết sức khoa học, những cách làm hết sức chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, lãng phí do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phản ánh những thành tựu nổi bật của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Những thành tựu, những cách làm, những kinh nghiệm, những mô hình đều được phản ánh rất sống động trong thời gian vừa qua. Về mặt đối ngoại, báo chí cũng có những đóng góp lớn. Hình ảnh Việt Nam qua sự đóng góp của báo chí đã trở nên rất đẹp trong một thế giới đổi thay hết sức là sâu sắc, với những đóng góp nổi bật của Việt Nam và những thành công, thành tựu đối ngoại của Việt Nam.
Thưa ông, trước những thách thức, hạn chế đang tồn tại trong đời sống báo chí, ông kỳ vọng như thế nào vào những “bước đi” nhằm chấn chỉnh và phát triển báo chí như Quy hoạch báo chí, Quy định đạo đức của người làm báo?
- Cách đây hơn 2 năm, Luật Báo chí và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đồng thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Đây là 2 văn bản hết sức quan trọng nhằm chỉ đạo định hướng hoạt động của báo chí trên cơ sở của luật pháp và trên nền tảng của đạo đức xã hội và đạo đức làm nghề. Có thể nói hơn 2 năm vừa rồi, Luật Báo chí và 10 điều quy định đã đi vào cuộc sống và đã có những tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến hoạt động của báo chí theo hướng ngày càng tích cực hơn. Hai văn bản trên đã khích lệ được tinh thần cống hiến, phát huy được vai trò quan trọng của báo chí, nhưng đồng thời cũng giảm thiểu được những hoạt động tiêu cực trong báo chí. Chỉ nói riêng về 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đây là bộ quy định được xây dựng dựa trên cơ sở thảo luận rộng rãi và sâu sắc của toàn bộ giới báo chí. 10 Điều Quy định này đã trở thành nguyên tắc làm nghề của người làm báo. Bởi có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức không cho phép và chính vì tinh thần làm nghề phải trên nền tảng đạo đức, làm cho nhà báo luôn luôn ý thức được một cách đầy đủ trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước. Làm nghề một cách trung thực, khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Từ đó đến nay, có thể thấy rằng báo chí đất nước càng ngày càng phát triển đúng hướng hơn và các hành vi sai trái vi phạm cả pháp luật và đạo đức người làm báo đều giảm đi rất là rõ nét. Và để thực hiện điều này thì Hội Nhà báo Việt Nam đã cụ thể hoá Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp mà nhà báo phải tuân theo. Trong Điều 5 quy định về việc nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành thêm một bản quy tắc nữa là quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Trong đó quy định 4 điều nên làm và 8 điều không nên làm. Thực sự là khi ban hành bản quy tắc này đã làm cho các nhà báo ngày càng ý thức rõ ràng hơn rằng: Trong thời đại truyền thông kĩ thuật số, khi mọi người tham gia vào mạng xã hội, thì làm thế nào để nhà báo có thể phát huy được tác dụng của mình? để đóng góp nhiều hơn vào mặt trận thông tin của đất nước. Đặc biệt là khích lệ nhiều hơn những cái tốt và ngăn cản những cái xấu ở trên mạng xã hội. Khi Điều 5 trong 10 Điều Quy định đó đã được cụ thể hoá thành bản quy tắc này đã được giới báo chí và dư luận xã hội rất hoan nghênh.
Để thực hiện điều này Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa vào sử dụng phần mềm về đăng và gỡ bài trên báo điện tử để tránh hoàn toàn tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và phần mềm này đã phát huy tác dụng ngay lập tức. Trước đây hàng tuần, có hàng trăm bài được đăng lên và sau đó gỡ đi, nhưng mà bây giờ cả tuần có khi chỉ có một vài bài. Bởi, bây giờ cơ quan báo chí nào đăng lên mà gỡ đi thì đều phải giải trình lý do và bây giờ lý do để gỡ đi chủ yếu là do thông tin không chính xác chứ không có chuyện ở đó có sự vụ lợi, sự cài cắm lợi ích cá nhân vào đó. Đó là một điều hết sức đáng mừng, cho thấy rằng việc ban hành 10 Điều đạo đức nghề nghiệp kèm theo đó là các biện pháp, các công cụ để mình kiểm soát để mình đánh giá rất có tác dụng.
Báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước. Ảnh; Quang Vinh.
Mặc dù báo chí đã và đang có những tác động tích cực đến đời sống, nhưng thời gian qua vẫn xuất hiện những “hạt sạn” mang danh nhà báo để làm những việc sai với trách nhiệm của mình. Ông nghĩ sao về điều này?
-Vấn đề này có liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề báo. Khi nhà báo làm công việc gắn với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi thì có thể nói đó là một hình ảnh rất xấu. Nhà báo phải luôn thực hiện một sứ mệnh vẻ vang là phản ánh sự thật, tôn vinh sự thật, với một vị thế đàng hoàng. Ví dụ một nhà báo được xã hội người ta trọng vọng, người ta tôn vinh mà lại làm việc đi “đếm tầng” đấy gặp phường, gặp xã để cài cắm những lợi ích của mình vào trong đấy, thì có thể nói rằng đó là hình ảnh rất không đẹp. Đấy là việc rất không nên làm và nó ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh, danh dự của người làm báo.
Vậy Hội Nhà báo Việt Nam có giải pháp hay phương hướng như thế nào cho vấn đề này?
-Trước hết từng phóng viên, nhà báo phải ý thức rõ được vai trò và trách nhiệm của mình để biết rằng mình làm nghề chính trực, khách quan và đàng hoàng. Việc này không cần ai dạy mà bản thân mỗi nhà báo phải ý thức và nhận thức rõ được nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, vấn đề này cần có những văn bản, những quy định để dù không muốn cũng buộc phải. Chúng ta phải quản lý thông qua hoạt động của cơ quan báo chí, ở đây là vai trò của ban biên tập. Không được để phóng viên muốn làm gì thì làm. Họ đi đâu, gặp ai cũng cần phải có thông tin, báo cáo trước. Gần đây có một số trường hợp, một số phóng viên ở một số cơ quan báo chí gần như không được quản lý và hoạt động quá tự do. Ngoài sự quản lý của cơ quan thì ở các Hội nhà báo cũng phải quản lý các hội viên của mình theo điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam và theo điều lệ của 10 Điều quy định về đạo đức người làm báo.
Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức cho người làm báo nói chung và các nhà báo trẻ, sinh viên ngành báo chí nói riêng. Ông có lời khuyên gì dành cho các nhà báo trẻ khi làm báo thời công nghệ 4.0?
-Tôi đã có thời gian làm báo gần 40 năm, đã kinh qua nhiều công việc trong lao động báo chí. Tôi nhận thấy việc rèn luyện đối với một nhà báo là một quá trình liên tục, từ khi chúng ta bắt đầu học trong các trung tâm đào tạo báo chí, cho đến khi chúng ta ra trường, làm nghề và mãi mãi sau này chúng ta vẫn phải tu dưỡng, rèn luyện. Vì thế, tâm thế của người làm báo là vừa làm nghề vừa học. Chúng ta học ở trên nhà trường, học ở sách vở, học ở các đồng nghiệp, trong toàn bộ quá trình tác nghiệp báo chí đều phải học, từ cách biên tập một cái tên, rút một cái tít, cách tiếp cận nhân vật để khai thác các thông tin một cách chính xác nhất, làm sao để mình tránh được rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp… Tất cả đều là quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm liên tục.
Cho dù có tinh thông nghề nghiệp đến mấy nhưng mỗi cá nhân không xác định được tâm thế làm nghề một cách đúng mực thì không bao giờ có thể làm tròn trách nhiệm của người làm báo. Thậm chí những người thao tác nghề nghiệp điêu luyện mà không có đạo đức nghề nghiệp thì hệ lụy gây ra đối với xã hội nói chung và trực tiếp đối với cơ quan báo chí đang công tác và đối với bản thân mình nói riêng là điều không thể tránh khỏi. Có thể một lúc nào đó, một ai đó có những thao tác lắt léo rất tinh vi vì lợi ích cụ thể trực tiếp nào đó nhưng hậu quả về sau thì không thể lường được. Chính vì vậy, sự chính trực trong làm nghề là vô cùng quan trọng.
Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, sống còn đối với lao động báo chí. Làm báo là một nghề, đã gọi là nghề thì nó liên quan đến cuộc sống của mình, nó gắn với sự mưu sinh của bản thân và gia đình mình. Không ai nói làm nghề không cần tiền. Nhưng bên cạnh việc làm nghề báo để duy trì cuộc sống thì còn có lý tưởng. Xã hội cần thông tin và hơn ai hết nhà báo là những người cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội, để niềm tin vào sự thật, chính nghĩa và công lý luôn là ánh sáng trong cuộc đời này. Đó là lý tưởng của người làm báo.
Với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, ông đánh giá như thế nào về các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia năm nay?
- Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018 đã chọn được 106/147 tác phẩm xuất sắc. Trong đó có 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải khuyến khích. Về nội dung, các tác phẩm dự giải năm nay phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018. Cùng với đó, nhiều tác phẩm tiếp tục đi sâu phản ánh các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững…
Đặc biệt, nhiều tác phẩm phản ánh các vấn đề thời sự nóng bỏng như: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lí cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lí đất đai, quản lí giáo dục; nạn tín dụng đen, nạn xâm hại trẻ em, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề cải cách hành chính, chính sách và cuộc sống, cơ chế quản lý kinh tế; những đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Năm nay nhiều đề tài được đầu tư công phu, bài bản, với việc các tác phẩm nhiều kỳ (nhất là báo in) chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới được sử dụng ngày càng nhiều, như longform, megastory... Cùng với sự tham gia tích cực về số lượng, điều đáng mừng là chất lượng báo chí các địa phương đã ngày càng được nâng lên. Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố.
Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia cũng luôn nhấn mạnh và khích lệ các cơ quan báo chí và các nhà báo gửi các tác phẩm viết về người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến tham dự giải. Nhưng trên thực tế, sự chuyển biến này chưa được như mong muốn, tác phẩm thuộc mảng đề tài này còn ít về số lượng, ít sản phẩm hay, có sức thuyết phục và lay động, ít hơn nhiều so với số tác phẩm đấu tranh chống tiêu cực hoặc nêu lên những bất cập trong xã hội. Và tác phẩm về điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt đoạt giải cao còn hiếm. Đấy là điều đáng tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!