Đã làm báo thì phải phấn đấu trở thành một cây bút có thẩm quyền trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Tức là ý kiến của mình phải mang tính chuyên môn, có hàm lượng chất xám, hữu ích cho xã hội, chứ không phải là chỉ "ăn theo, nói leo".
Nhà báo Hữu Thọ.
* Đã làm báo thì phải phấn đấu trở thành một cây bút có thẩm quyền trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Tức là ý kiến của mình phải mang tính chuyên môn, có hàm lượng chất xám, hữu ích cho xã hội, chứ không phải là chỉ "ăn theo, nói leo".
* Tờ báo nào cũng cần phải có ngôi sao. Chính Tổng Biên tập phải là người phát hiện và lăngxê những người có tài thành ngôi sao. Sở dĩ tờ báo "Ngày nay" thời trước Cách mạng sống được là nhờ đằng sau nó có những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Chính vì biết tôn trọng người tài nên nó đã giữ được vị trí đặc biệt của mình và tạo nên một thời kỳ "Tự lực văn đoàn". Thời đó, những ông chủ báo cũng không phải là những Mạnh Thường Quân đâu, nhưng vì mục đích phát hành báo, "lợi nhà" nên họ buộc phải tôn trọng những người có tài. Tất nhiên, họ phải có con mắt tinh đời, biết phân biệt đúng xem cây bút nào ăn khách… Tờ báo mà không có những cây bút tên tuổi, không được bạn đọc yêu mến mà vươn lên thành cây bút thẩm quyền về một lĩnh vực chuyên môn do mình phụ trách thì không bao giờ tờ báo ấy đáng tin cậy...
* Với cơ quan báo chí, đó là sự tin cậy của cái măngsét, bởi vì trong măngsét đó có những cây bút có thẩm quyền. Chúng ta cứ quan sát mà xem, không phải tờ báo nào cũng được đông người mua. Mà khi đã quyết định mua tờ báo này hay tờ báo khác, không ai đọc lần lượt ngay từ đầu đến cuối. Trước tiên, họ lật giở từ trang đầu đến trang cuối xem qua các tít bài, rồi đến những vấn đề mà bài báo đề cập tới có liên quan đến mình không. Sau đó, họ xem ai viết bài báo đó, có phải là một cây bút quen thuộc không, có phải là cây bút đáng tin cậy cả về năng lực và phẩm chất đạo đức hay không. Sau đó, họ mới quyết định đọc bài nào, bỏ qua bài nào và bài nào thì đọc lướt. Như thế để thấy rằng, có hai việc cực kỳ quan trọng đối với người làm báo. Đối với một Tổng Biên tập, cần phải quyết định thứ nhất là vấn đề của một tờ báo có phải là vấn đề bức xúc của xã hội hay không, có phải là vấn đề độc giả quan tâm hay không. Thứ hai là, tòa soạn phải có những cây bút có tầm, những cây bút có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong tình hình hiện nay, với sự phát triển của đất nước, sự phát triển phong phú của xã hội khó có được một cây bút sắc sảo toàn diện. Nói như một đại văn hào Đức, trên đời này mỗi người chỉ nên sắm một chiếc chìa khóa để mở thành công một cánh cửa. Tất nhiên, cũng có những cái chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa dẫn tới thành công, nhưng chỉ có hai loại người có được chìa khóa vạn năng đó. Đấy là thiên tài và kẻ trộm... Thực tế là thiên tài thì rất ít, còn kẻ trộm lại quá nhiều. Cho nên mục tiêu của mình không hẳn đã là tìm ra được những cây bút đagiênăng, việc gì cũng giỏi, vì đó là chuyện quá khó, hầu như không khả thi. Cái chính là biết phát hiện, vun vén, bồi dưỡng những tài năng thành những cây bút có thẩm quyền của từng lĩnh vực. Người lãnh đạo phải ủng hộ và xây dựng những cây bút đó, hoặc những cộng tác viên có uy tín trong xã hội, bởi vì như thế mới mang được trí tuệ của cả xã hội vào việc nâng cao chất lượng tờ báo. Khi đó, tờ báo như một khối nam châm hút trí tuệ xã hội chứ không đơn thuần là phát huy trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp tại chỗ. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí, vì chính quyền lợi của mình mà mình phải dùng người ta, không còn cách nào khác!
* Những người có năng lực thực sự thì hay có những ý tưởng riêng, phong cách riêng, đây là cơ sở cho sự sáng tạo. Họ cũng là những người có hiểu biết rộng, có sự sáng tạo nên rất kiên định, việc bác bỏ ý kiến của họ là không dễ dàng. Từ sự kiên định, sáng tạo đến chỗ bị hiểu lầm là kiêu ngạo có khoảng cách rất ngắn, nên người ta hay gọi đó là cái tật. Với những người có năng lực, bác bỏ một bài của họ, thậm chí một dòng hay một chữ mà không "tâm phục, khẩu phục" thì họ cũng cãi đến cùng. Sự sáng tạo của họ không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình tư duy rất cao. Cho nên không phải mang cái thế của anh để sẵn sàng gạch ngang, gạch chéo... Sáng tạo bao giờ cũng có một phần là phủ định cái cũ, thực chất là chống lại thói quen, tập quán đã trở nên không thích ứng nữa với điều kiện mới. Một khi ta chống lại hay cố gắng xóa bỏ cái cũ thì dĩ nhiên là cái cũ cũng tìm đủ mọi cách để cưỡng lại ta.
* Trong một xã hội dân chủ, phải biết trân trọng những ý kiến khác, ở đây không phải là ý kiến đối lập, mà là những ý kiến khác nhau. Và việc này phụ thuộc vào trách nhiệm của người nghe, chứ không phải người nói. Người nói thường mang rất nhiều dằn vặt, trước khi nói phải uốn lưỡi 3 lần. Chân lý nào cũng bắt đầu từ thiểu số. Rồi khi được thực tiễn công nhận, nó mới trở thành đa số. Nếu đòi hỏi có chân lý ngay thì không thể có, hoặc đó không phải là chân lý đáng giá. Nên những ý kiến khác mang ý nghĩa bổ sung cần được trân trọng. Tất nhiên là chúng ta có đội quân hàng triệu người nhưng khi chiến đấu là phải như một, thống nhất hành động, thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng ngay cả trong những tình huống như vậy, vẫn phải trân trọng ý kiến thiểu số, nhất là ý kiến thiểu số của những người có kiến thức, có kinh nghiệm trong xã hội. Đây là một thuật dùng người tài. Người tài bao giờ cũng có những ý tưởng sáng tạo. Mà người hiền không có nghĩa là người hiền lành đâu, mà đôi khi họ ở trong những người hay cãi. Một vị giám đốc người Nhật nói rằng, tiêu chuẩn để chọn trợ lý chính là những người có ý kiến khác mình, còn những người có ý kiến giống mình thì trở nên dư thừa.
* Theo tôi, những người tài sợ nhất 3 trường hợp. Thứ nhất, họ sợ không có chỗ để thi thố tài năng, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay, một số tỉnh đang có chính sách thu hút nhân tài bằng việc cấp đất, tăng lương... Việc đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất đối với người tài. Bởi người tài cần nơi để thi thố tài năng, chứ không chỉ cần các tiện nghi sinh hoạt. Có một tỉnh với chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" kiểu tăng tiêu chuẩn hưởng thụ, thì lúc đầu cũng thu hút được 8 người có bằng cấp cao về. Sau 2 năm, 7 người bỏ đi. Đó là bởi vì ở địa phương ấy, chính quyền không tạo điều kiện cho họ làm việc thực sự đúng tầm. Không được làm việc mà lại hưởng "lộc" cao thì người tài không thích.
Cái sợ thứ hai của người tài là sợ mình không được thực sự tin dùng. Một số người không dùng người tài mà lại thích dùng kẻ xu nịnh. Người tài sợ nhất là kẻ nịnh vì người tài không biết nịnh. Cái "ngu dốt" nhất của người tài là không hiểu biết về "khoa học xu nịnh". Vì họ không có thời giờ để học những cái đó! Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những mưu mô và xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Và đấy là những điều kiện để kẻ tiểu nhân hay thắng được quân tử! Thứ ba, người tài sợ là chủ nghĩa phân phối bình quân, vì thực sự ra, người tài không quan tâm đến vật chất, nhưng luôn luôn nghĩ rằng: Đôi khi vật chất lại là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng. Khổng Tử bỏ nước Lỗ mà đi chỉ vì trong một dịp Tết, vua Lỗ không chia phần thịt cho mình. Nhiều người hiểu lầm Khổng Tử vì tham miếng thịt nên bỏ cả Tổ quốc mà đi. Nhưng không phải. Anh không chia phần thịt cho tôi tức là anh không coi tôi thuộc lớp người được kính trọng trong thiên hạ để khi cần thì hỏi ý kiến, nên tôi không thể nào ở với anh được. Cũng như lương của chúng ta bây giờ, những người tài năng thường làm ngoài lương, nhuận bút 2 bài báo có khi vượt cả lương tháng. Nhưng lương là biểu hiện đánh giá của cả một tập thể đối với tôi, nên không thể dùng chính sách bình quân phân phối... Nếu không khắc phục được 3 điều này sẽ rất khó thu hút được người tài. Tất nhiên, cũng có nhiều loại tài, có tài lớn, tài nhỏ... Bác Hồ đã nói "Dụng nhân như dụng mộc", phải dùng đúng tài năng của họ vào đúng công việc thì mới phát huy được. Nghề báo lại càng đòi hỏi như vậy. Ở một tờ báo cần có những ngôi sao, có những cây bút có thẩm quyền, nhưng tôi cũng lại cần những phong cách đa dạng của nhiều cây bút. Ăn cơm với rau muống nhưng được chế biến theo nhiều cách sẽ thấy lạ miệng hơn. Với bạn đọc ngày nay trình độ ngày càng cao, sự thích thú nhất của họ chính là sự đa dạng. Chính văn kiện Đại hội Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới từng chỉ rõ: báo chí cách mạng phải chống sự giản đơn, hời hợt, đơn điệu, một chiều, sáo rỗng. Đừng phê phán khi tôi làm tờ báo đa dạng, nhiều chiều. Quan niệm nhiều chiều đồng nghĩa với đối lập là rất nguy hiểm...
* Hiện nay, có những tờ báo được xác định ở những vị trí cao và những tờ báo được xác định ở những vị trí chưa cao. Nhưng người Tổng Biên tập cần xác định uy tín của mình qua lượng phát hành của tờ báo. Bác Hồ từng nói, một tờ báo mà ít người đọc thì không xứng đáng là một tờ báo; một tờ báo cần hay, lạ, có chất văn chương thì người ta mới đọc. "Lượng" cũng biểu hiện "chất". Viết về chính trị cũng có thể khiến tờ báo trở nên hấp dẫn, vì chính trị luôn là mối quan tâm của rất đông người.
* Cái tai nạn nghề nghiệp lớn nhất của người làm báo là anh viết về cái điều mà nhân dân không đồng tình và có thể vài chục năm sau, anh mới nhận ra cái mà anh đưa ra lời giải lại không phải là sự thật. Tôi đã từng ân hận vì tiếc nuối bởi có lần mình đã phát hiện được sự việc mà không theo đến cùng. Làm báo phải cẩn thận, bởi "dao đâm có lúc liền thương tích, lời nói theo nhau hận suốt đời", "Lời nói đọi máu"… mà. Khi anh viết ra bài báo thì nó như văn bia, kinh khủng lắm. Thận trọng không bao giờ thừa. Tất nhiên, thận trọng đây không phải là sự rụt rè. Cái gì đáng nói thì phải nói. Viết thì phải dấn thân. Anh dấn thân mười thì độc giả mới cuốn theo mình được một, hai. Thành bại của nghề viết chính là ở sự dấn thân.