Cuối năm 2014, trong cuộc gặp gỡ các thế hệ làm báo ở Báo Đại đoàn kết tại ngôi nhà 66 Bà Triệu, nhà báo Thái Duy đã tâm sự với tôi: “Sang năm bước vào tuổi 90, tớ sẽ thôi viết báo…” Thế nhưng, gặp lại ông tối 19-6 nhân dịp sinh nhật của ông, tôi nghĩ rằng, có lẽ sắp tới Báo Đại đoàn kết sẽ vẫn còn cơ hội để công bố những tác phẩm báo chí của nhà báo lão thành này. Mặc dù tuổi cao nhưng tâm trí và nhiệt huyết trong ông vẫn như chưa hề hao hụt. Có những suy nghĩ của ông còn mới mẻ và sôi động hơn
Tôi nhớ lại lần tôi đã được gặp ông để thực hiện một bài phỏng vấn rất tâm đắc. Khi đó, ông đã ở tuổi 82 nhưng hầu như tuần nào ông cũng bài đăng báo, có tuần viết tới 2-3 bài, mà lại toàn những bài ở thể loại khó viết: thời luận. Ông đã trao đổi với tôi rất thẳng thắn những ý kiến nhân sinh của mình cũng như nhiều hồi ức về quá khứ làm văn, khi ông hoàn thành tác phẩm ấn ượng “Sống như Anh” về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi…
Ba tuần viết một cuốn sách
- Hồng Thanh Quang: Muốn “tri tân” thì phải “ôn cố”. Xin phép được hỏi luôn: ông vốn tên thật là Trần Duy Tấn, tại sao lại có bút danh Trần Đình Vân? Có sự tích bí hiểm gì chăng?
- Nhà báo Thái Duy: Chẳng có gì bí hiểm cả. Đơn giản thế này tôi, lúc tôi chuẩn bị vào chiến trường miền Nam, tới Ban Thống Nhất để khai lý lịch, các đồng chí có trách nhiệm ở đó bảo, phải nghĩ ra một cái tên mới. Tôi có một người em trai tên là Vân, đã mất rồi. Thế là tôi chọn cái tên Trần Vân. Rồi các anh ở Ban Thống nhất lại bảo, người vào chiến trường sẽ đông đấy, lấy tên họ có ba chữ cho đỡ nhầm. Thế là tôi thêm vào chữ Đình, hoàn toàn ngẫu nhiên thôi.
Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch.
Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân, Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.
- Thế còn bút danh Thái Duy?
- Tôi chọn bút danh này từ bài báo đầu tiên, năm 1947. Cũng tình cờ thôi, chẳng có sự tích gì.
- Phải chăng vì hồi ấy bác ở trên chiến khu với đồng bào Thái nên chọ họ là chữ Thái?
- Không, hồi ấy tôi ở Bắc Giang. Tôi tiếng quê gốc là Hà Tây nhưng cha tôi làm công chức ở Bắc Giang. Thời ấy, đỗ đạt rồi, không có ai được về quê làm quan cả, thường là phải đổi đi tỉnh khác. Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhã Nam.
- Đó cũng là một cách luân chuyển cán bộ, cũng có lý lắm.... Bác có nhớ bài báo đầu tiên của bác in ở tờ nào không?
- Trên tờ báo của Khu 12... Hồi đấy ở Báo Khu 12 có đông văn nghệ sĩ lắm vì tất cả những ai quê ở Bắc Giang đi theo kháng chiến thì đều về đấy cả. Tôi nhớ, có anh Hoàng Cầm, chị Anh Thơ, anh Xích Điểu.. Tôi khi đó thuộc diện em út, mới 20 tuổi thôi...
- Tôi biết là trước khi viết quyển “Sống như Anh”, ông đã có một tập phóng sự in năm 1955, cuốn “Hải Phòng anh dũng”. Nhưng có lẽ cho tới hôm nay, nếu nhắc tới nhà văn Trần Đình Vân thì trước hết và hơn cả, ai cũng sẽ nhớ tới quyển “Sống Như Anh”. Hơn 40 năm trôi qua rồi, bây giờ ông đánh giá thế nào về đứa con tinh thần ấy của mình?
- Có những cuốn sách thực sự lớn lao. Thí dụ như thơ Xuân Diệu chẳng hạn, tôi nghĩ rằng, những đôi lứa nào yêu nhà thì đều sẽ tìm đọc thơ tình của Xuân Diệu. Những tác phẩm như thế sẽ sống mãi. Nhưng cũng có những cuốn sách chỉ cần thiết cho từng giai đoạn lịch sử. Cuốn sách “Sống như Anh” đã rất cần thiết cho thời chống Mỹ cứu nước. Tôi nhớ, khi tôi mới ngồi vào viết được vài ngày thì mấy anh lãnh đạo đã hỏi, xong chưa? bao giờ xong? Vì lúc ấy rất cần một cuốn sách như thế. Những ngưiừh chiến sĩ hy sinh vì cách mạng như anh Trỗi thì nhiều, nhưng trường hợp của anh Trỗi lại rất đặc biệt. Báo chí Sài Gòn dạo đó viết về việc này rất rầm rộ. Tôi nhớ, có tờ in ở trang nhất tới 9-10 ảnh xung quanh vụ hành hình anh Trỗi... Dư chấn quốc tế xung quanh việc đó cũng rất lớn.
Nhà báo Thái Duy và Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Hồng Thanh Quang
- Du kích ở Venezuela hồi đó đã bắt cóc một viên đại tá Mỹ ngay ở thủ đô Caracaz để đòi đổi lấy anh Trỗi...
- Đúng thế. Dạo đó vẫn còn Ủy ban quốc tế về Việt Nam, mỗi tuần có một chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Trong thành phần Uỷ ban Quốc tế ấy có đại diện của Ba Lan. Khi ra Hà Nội, các đồng chí ấy mang cho ta rất nhiều báo chí xuất bản ở Sài Gòn. Thành ra ngoài Hà Nội biết rất nhiều tin tức về vụ anh Trỗi. Vì thế mới điện vào Nam yêu cầu viết về anh Trỗi... Và giục ghê lắm. Nhưng tài liệu thì khó kiếm quá. Phải nói rằng, các anh ấy ở ngoài Bắc cũng tài ghê, thế nào mà vẫn ra được một cuốn sách về anh Trỗi..
- Chắc là sách cũng mỏng thôi?
- Không mỏng chút nào. Tài thật! Khi tôi ra Bắc, tôi đã được tặng cuốn sách ấy...
- Thế ông đã gặp chị Quyên ở đâu?
- Khi đó diễn ra hội nghị chiến sĩ thi đua đầu tiên của lực lượng cách mạng giải phóng miền Nam. Đông đúc lắm, cả các anh hùng chiến sĩ thi đua và cả các văn nghệ sĩ, các nhà báo. Tôi nhớ, anh Nguyễn Thi cũng có mặt...
- Thế hội nghị diễn ra ở đâu?
- Tại nơi mà sau này là căn cứ của Trung ương Cục miền Nam ấy.
- Và ông đã chọn chủ đề anh Trỗi?
- Tôi được phân công viết về anh Trỗi, còn anh Nguyễn Thi thì được phân công viết về chị Út Tịch. Nói thật, lúc đầu tôi định viết về chị Ngọc Liên cơ.
- Đó là ai vậy?
- Chị Ngọc Liên khi đó mới hơn 20 tuổi thôi, là người Công giáo miền Bắc di cư vào Nam. Thời ấy, những vùng người Công giáo di cư vào Nam khốc liệt lắm. Vậy mà chị Ngọc Liên, trẻ trung thế thôi, đã cùng mẹ thuyết phục được hai xứ đạo di cư đi theo cách mạng. Ghê không! Tôi định chọn chị Ngọc Liên để viết vì nói thật, hồi bé, tôi cũng đã học trường Dòng, tại nơi mà bây giờ là trường phổ thông trung học Việt Đức ấy... Nhưng khi tổ chức phân công tôi viết về anh Trỗi thì tôi thực hiện ngay. Mà cũng nhờ công việc này nên tôi đã được “ăn theo” chị Quyên, được chăm sóc đầy đủ lắm.
- Trên chiến khu thì thời nào cũng phải kham khổ...
- Đúng thế. Hồi ấy, đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào trong đó, có chỉ thị là phải tiếp đón chị Quyên như thượng khách. Tôi là nhà báo, gặp chị Quyên để lấy .tư liệu nên cũng được chiêu đãi như thượng khách (cười). Viết khoảng nửa tháng là xong, rồi chỉnh sửa thêm 5-6 nữa, vị chi là mất ba tuần.
- Ba tuần để làm một tác phẩm để đời, âu đó cũng là kỷ lục.
- Tôi là thằng làm báo tới tận chân tơ kẽ tóc nên khi viết về anh Trỗi, tôi đã tập trung vào ba lần chị Quyên gặp anh khi anh đã bị địch bắt. Và tên cuốn sách tôi đã đặt là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”. Một cái tên hoàn toàn mang tính báo chí.
- Đơn giản và cụ thể. Thế ai đã đổi tên sách thành “Sống như Anh”?
- Tôi xin kể tiếp đã... Rất may là khi ấy có một nhà báo Liên Xô sang Việt Nam, vào chiến khu rồi bay ra Hà Nội qua đường Phnom Pênh. Thế là bản thảo của tôi chỉ mất có 5 ngày đã được chuyển ra ngoài Bắc. Cực may!
- Và lập tức được in ngay?
- Gửi đi được khoảng 3 tuần thì nghe thấy trên Đài Tiếng nói Việt đọc truyện viết về anh Trỗi với cái tên “Sống như Anh”. Lúc đó, tôi đang ở Củ Chi. Thoạt tiên cứ tưởng là đọc cuốn sách của người khác nhưng khi trực tiếp nghe, thì thấy đúng đó là sách của mình rồi. Sau này, về Hà Nội, tôi nghe anh Lành (tức nhà thơ Tố Hữu – HTQ) nói là tên mới của sách do đồng chí Phạm Văn Đồng đặt... Anh Lành còn bảo, chỉ đổi tên sách và chữa chấm phẩy bên trong thôi, chứ mọi thứ vẫn để nguyên như tôi đã viết. Tôi còn nghe nói, khi đọc bản thảo, đồng chí Trường Chinh có chê là viết gì mà chẳng có dấu phẩy gì cả.
- Bác Trường Chinh nổi tiếng là người nghiêm ngắn trong việc viết...
- Khổ quá, ở chiến khu lúc ấy chỉ có độc một cái máy chữ cà là tộc, mà cái máy đó lại không có dấu phẩy... Đồng chí Trường Chinh gặp tôi còn hỏi, thế anh viết như thế có sợ ảnh hưởng đến người khác không?
Cùng các đồng nghiệp ở Báo Đại Đoàn kết (từ phải sang: nhà báo Thái Duy, nhà báo Lê Văn Ba và nhà báo Trần Bảo Hưng)
- Thế nghĩa là sao?
- Vì một số nhân vật trong sách còn ở lại hoạt động trong lòng địch... Tôi mới nói với đồng chí Trường Chinh là, tôi lấy tư liệu 10 thì tôi mới chỉ viết có 5 thôi ạ. Sau này tôi đã viết thêm một cuốn sách nữa, “Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội”, để nói tiếp những điều chưa nói được hết trong “Sống như Anh”.
- Bánh mì ngon thì ăn một nửa cũng thấy ngon. Không phải lúc nào một nửa sự thật cũng mâu thuẫn với toàn bộ sự thật... Sau này, ông có hay gặp chị Quyên không?
- Chuyện ấy thì thường xuyên. Khi tôi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm cháu thì tôi vẫn ghé qua nhà thăm chị Quyên. Và cả anh Dũng, chồng chị Quyên nữa. Hai vợ chồng nhà ấy tốt lắm! Cũng như chị Trương Mỹ Hoa. Phải nói rằng, ở trong tù, chị Trương Mỹ Hoa đã có công lắm trong việc giác ngộ chị Quyên. Khi “Sống như Anh” được in ra, chị Trương Mỹ Hoa đang ở trong nhà tù của địch nên có nhiều điều tôi chưa viết ra được... Nói chung, những người tốt hay bị thiệt thòi lắm.
Nên có Huân chương Đổi mới
- Có một vị tướng mới đây cũng nói rằng, con người cũng như rừng cây, những cây tốt nhất thì dễ bị đốn trước... Chúng ta cần biết tự bảo vệ mình, tự vươn lên. Không còn sự lựa chọn nào khác cả. Mình không cứu được mình thì làm sao mà “độ thế” được...
- Biết vậy, nhưng mà vẫn day dứt lắm. Mới rồi, tôi có viết một bài báo với nhan đề “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Chúng ta bây giờ tổng kết những thành tựu của 20 năm Đổi mới, nhưng chúng ta cũng không được quên những bài học mà giai đoạn trước đó, từ năm 1975 tới năm 1986, đã để lại cho chúng ta.
- Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, không có cái gì bỗng dưng mà thành. Ngày hôm nay luôn được bắt đầu từ ngày hôm qua. Để có được sự nghiệp Đổi mới thành công trong 20 năm qua, cần phải nhớ tới những “hạt giống đỏ” được gieo trồng trong cả giai đoạn trước đó... Nhưng cũng phải thấy rằng, chân lý thường sinh ra trong những va đập thực tiễn, vì thế, cũng không nên quá nhấn vào những va đập đó như thể đó là đó là đấu tranh sinh tử. Khác đi, chúng ta rất dễ bi thảm hóa quá khứ và lại tạo ra những cấn cá mới khi nhìn nhận các vấn đề đã qua.
- Cần phải thấy rằng, đốm lửa của Đổi mới đã bắt đầu từ việc “khoán chui” trong nông nghiệp. Đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Vũ Oanh... đã rất ủng hộ việc khoán này. Đến giữa những năm 1980, chính sách khoán đã được chính thức công nhận... Nông dân ta thật có công vì đã đi đầu trong việc mở lối đi mới thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp!
- Thế cũng hợp lẽ thôi, vì ở một một quốc gia đậm đà màu sắc văn minh lúa nước như Việt Nam, người nông dân hơn ai hết hiểu được những điều thiết thực nhất cho sự tồn vong của chính mình. Và chính vì thế họ luôn luôn có công lớn trong những đổi thay tích cực và kịp thời của lịch sử.
- Tôi nghĩ rằng, đôi khi ta đi hơi chậm...
- Tôi không nghĩ như thế. Tôi cho là trong chính trị, quan trọng nhất là phải đúng thời điểm, sớm hơn hay muộn hơn thì đều là bất cập. Dục tốc bất đạt!
- Có lẽ sau này chúng ta cần phải lập ra Huân chương Đổi mới để ghi công những người đã có đóng góp vào sự nghiệp to lớn này. Tôi rất muốn nhắc tới đồng chí Nguyễn Văn Linh. Sau năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, được giao trọng trách là Trưởng ban cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh. Và đồng chí ấy dự định áp dụng chính sách NEP (Tân kinh tế) như Lênin từng làm. Sua này, một lần có dịp được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh lấy tài liệu viết báo, tôi có hỏi, tại sao Bác lại sáng suốt như vậy, áp dụng ngay NEP? Mà trước đây Bác có sang Liên Xô lần nào đâu? Đồng chí Nguyễn Văn Linh mới cười bảo: Đấy là do tôi nhớ những bài học mà anh Ngô Gia Tự đã dạy cho tôi khi tôi phải cùng ngồi tù với anh ấy. Các bạn phải biết rằng, đồng chí Ngô Gia Tự là một người “ghê” lắm nhé. Đồng chí ấy quê ở Đình Bảng, con nhà gia giáo, em trai làm tri huyện nhưng đồng chí ấy vẫn đi hoạt động cách mạng, chống Pháp quyết liệt lắm. Những năm 30, hai lãnh tụ của Đảng ta là đồng chí Trần Phú và đồng chí Ngô Gia Tự là những nhân vật kiệt xuất lắm. Trong tù, đồng chí Ngô Gia Tự đã giảng cho đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe nhiều điều về NEP, giảng rất hay, nên đồng chí Nguyễn Văn Linh thấm thía quan điểm này lắm... Tiếc là đó mới chỉ là dự định chứ không đưa được vào thực tế lúc ấy với lý do là, NEP có thể rất hay nhưng sau khi Lênin mất, chính sách này đâu có được thực hiện ở Liên Xô...
- Lịch sử là những gì đã diễn ra, không thể nào thay đổi được nữa... Có điều, nếu biết đúng về quá khứ thì trong tương lai, ta sẽ có thêm kinh nghiệm để không lặp lại những sơ sảy cũ...
- Một người nữa mà tôi cũng rất kính trọng là đồng chí Võ Chí Công, trong kháng chiến nguyên là Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam. Sau năm 1975, đồng chí Võ Chí Công ra miền Bắc làm Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách Nông nghiệp. Đồng chí Võ Chí Công hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp lắm... Một người nữa tôi cũng rất muốn nhắc tới là đồng chí Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần. Đồng chí này cả đời ở chiến khu, trưởng thành hoàn toàn trong thực tế. Khi còn làm Bí thư Long An, chính đồng chí Chín Cần ngay từ năm 1980 đã thực hiện chính sách xóa bỏ tem phiếu ở tỉnh mình... Thạt tiên cũng có sức ép nhưng đồng chí Chín Cần đã đích thân gặp được đồng chí Lê Duẩn và được đồng chí Lê Duẩn cho phép làm thế ở Long An... Giỏi quá! Mô hình ấy về sau đã trở thành phổ cập. Nhưng để đạt được điều này đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại lắm. Và cũng có những đồng chí phải trả giá đắt!
- Những hạt giống đổi mới đâm chồi nảy lộc trong đời sống thực tế của người dân và từ đó, dần dà góp phần xây dựng quyết sách lớn của Đảng. Thế cũng là đúng quy luật!
- Đổi mới thắng lợi là do hoàn toàn dựa vào dân, Đảng ta dựa vào dân để tiến hành thành công sự nghiệp Đổi mới...
Cánh cửa đang mở
- Là nhà báo lão thành nhiều năm theo dõi các kỳ bầu cử Quốc hội, ông cảm nhận thế nào về quá trình chuẩn bị của chúng ta cho cuộc bầu cử sắp tới?
- Lần đầu tiên tôi đi bầu cử là khi tôi 20 tuổi.
- Năm 1946, Quốc hội khoá 1...
- Bây giờ là lần thứ 12. Năm nay tôi 82 tuổi rồi, chẳng biết có được đi bầu lần thứ 13 nữa không nhưng phải nói rằng, tôi rất lạc quan. Báo chí hiện nay đang thảo luận rất sôi nổi về bầu cử, đó là tín hiệu đáng mừng lắm chứ. Chúng ta đang trở lại với những gì đích thực của chúng ta.
- Đã bao giờ chúng ta rời bỏ những mục tiêu dân chủ cộng hòa của mình đâu! Tôi cứ nghĩ là trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã luôn luôn nhất quán đi theo con đường đã chọn, hướng tới dân chủ, công bằng, hướng tới phồn vinh, dân giàu, nước mạnh. Và phải nói rằng, càng ăn nên làm ra hơn thì chúng ta càng có điêu kiện thực hiện các tiêu chí dân chủ phổ cập hơn. Muốn thực sự có một xã hội dân chủ, cần phải chuẩn bị một hạ tầng cơ sở đúng tầm, khác đi, rất dễ khiến xã hội trở nên mất ổn định. Tôi không thích một số người hễ cứ mở miệng ra thì lại nói chúng ta phải làm thế này hay thế khác cho giống với nước này hay nước kia. Mỗi cây mỗi hoa, chúng ta cần phải sống sao cho hợp với tố chất, điều kiện và hoàn cảnh của mình.
- Đúng thế, bởi mỗi nơi đều có cái riêng của nó.
- Và không thể sao chép bất cứ một mô hình nào một cách mù quáng...
- Tôi thì tôi vẫn cho rằng, chúng ta vẫn đi hơi chậm..
- Tôi lại thấy chúng ta đang đi với tốc độ phù hợp với mình. Nói cho cùng, không bao giờ được hy sinh những cái đang có trong hiện tại để cố gắng hy vọng vào những cái có thể hay ho hơn nhưng lại ngoài tầm tay với... Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Nói thực là tôi thấy rất mừng vì cánh cửa vào Quốc hội đang được mở rộng thêm ra. Phải nói thẳng là chúng ta cần tin dân hơn nữa. Không ngẫu nhiên mà Đại hội 10 vừa rồi đã đưa ra tiêu chí phong cách của Đảng viên là: một: gần dân; hai: trọng dân; ba: có trách nhiệm với dân! Đó là điều rất hay. Anh Hoàng Tùng mới có một bài báo với cái tít hay thế này: “Dân chủ muôn năm”. Chúng ta không dân chủ quá trớn, nhưng mà chúng ta phải dân chủ nữa!
- Thực tế là nền dân chủ của chúng ta đang trên đà mở rộng, một cách chắc chắn và không thể đảo ngược được...
- Đúng, chúng ta đang mở rộng nhưng chúng ta còn chậm. Tôi vẫn giữ ý kiến của tôi...
- (Cười): Tôi cũng vẫn giữ ý kiến của tôi, chúng ta đang đi đúng tốc độ hợp nhất với mình... Danh ngôn có câu: Một dân tộc thế nào thì có một Quốc hội như thế. Xã hội chúng ta càng phát triển thì Quốc hội càng phát triển lên. Và chất lượng đại biểu Quốc hội cũng càng cao thêm.
- Người dân rất mong muốn các đại biểu Quốc hội phải tích cực hơn nữa trong việc thực thi chức trách của mình. Người đại biểu nhân dân phải là người nói hộ dân nguyện vọng của họ. Bây giờ có truyền hình trực tiếp, người dân dễ thấy thực chất hoạt động của Quốc hội hơn.
Đảng tồn tại để dân có thể cầm quyền
- Tôi rất thích một ý mà đồng chí Đỗ Mười khi còn là Tổng bí thư Đảng đã nói: Mọi quyết định của Quốc hội là mệnh lệnh tối cao của cuộc sống mà không tổ chức nào, cá nhân nào được quyền vi phạm. Bác Hồ cũng từng nói, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là rất tự nhiên và rất tự nguyện. Đảng tồn tại có phải để làm quan đâu, Đảng tồn tại để dân có thể cầm quyền được...
- Tôi nghĩ rằng, đường lối của Đảng ta luôn rất rõ ràng và nhất quán. Vấn đề là làm sao để thực hiện đúng và đủ đường lối đó.
- Đúng thế. Tôi xin nhắc lại là, năm nay tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, tôi không dám mơ ước là sẽ được bỏ phiếu cho Quốc hội khoá 13 nhưng những gì đang diễn ra khiến tôi lạc quan, lạc quan lắm!
- Xin cảm ơn nhà báo Thái Duy!.