Nhà cách mạng Trương Văn Bang: Người con của mảnh đất Long An trung dũng

16/05/2016 18:40

Gia đình ông Trương Văn Bang trước Cách mạng Tháng Tám có nhiều người bị giặc sát hại, bản thân ông trải qua nhiều sóng gió, tù đày, nhưng luôn là gia đình mẫu mực, giàu truyền thống đấu tranh yêu nước.

Nhà cách mạng Trương Văn Bang: Người con của mảnh đất Long An trung dũng

Ông Trương Văn Bang.

Nhà hoạt động cách mạng Trương Văn Bang, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam… sinh ngày 15/5/1911 tại làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu lòng yêu nước và kiên cường chống Pháp. Năm lên 13 tuổi, ông đã theo dượng rể là Nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh đi làm liên lạc cho Hội kín (tổ chức của cách mạng lúc bấy giờ).

Năm 1930, được người chú đi Nga về giác ngộ cách mạng, ông liền gia nhập Đảng Cộng sản; sau đó cùng Hồ Văn Long thành lập Quận ủy đầu tiên ở Cần Giuộc vào tháng 8/1930.

Năm 1931, ông được bầu làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 10/1932, ông là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, kế đó phụ trách công tác tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 10/1932, thực dân Pháp phá vỡ Xứ ủy Nam kỳ mới lập (do ông Hồ Văn Long làm Bí thư), lúc đó ông mới 21 tuổi đã đứng ra lập lại Xứ ủy Nam kỳ và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy từ 1933 đến 1935 (*).

Sau đó, ông bị địch bắt giam vào Khám Lớn, đưa đi Ô-Cấp, rồi đày ra Côn Đảo với mức án 5 năm tù. Năm 1936, nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận bình dân, ông ra tù nhưng phải “biệt xứ” và được Xứ ủy tín nhiệm cử làm đại diện Liên Tỉnh Ủy miền Đông đi vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một.

Từ năm 1937 – 1939, ông là Bí thư Liên Tỉnh ủy Biên Hòa - Bà Rịa. Ngày 13/3/1941, do trong tổ chức có người khai báo, ông bị mật thám Pháp bố trí đón bắt tại Sài Gòn. Ở bót Catinat, ông bị địch tra tấn suốt 18 ngày đêm nhưng không khai thác được gì, phải đày đi nhà tù Tà Lài. Đến năm 1943, ông bị đày tiếp đi Bà Rá. Trong tù, ông cùng các đảng viên cộng sản liên tục đấu tranh với nhóm “đệ tứ”, nhóm “Tờ-rốt-kít”, để bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng.

Sau ngày 9/3/1945, ông vượt ngục trở về quê nhà nhằm khôi phục phong trào. Đúng lúc này, đồng minh ném bom xuống Sài Gòn làm chết nhiều người vô tội, trong đó có cả mẹ đẻ và 10 người thân của gia đình ông. Nén đau thương lo việc nước, ông tiếp tục tích cực hoạt động theo chỉ đạo của Đảng cấp trên rồi được bầu lại làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc.

Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là thành viên Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh, phụ trách 2 quận Cần Giuộc và Cần Đước. Ông trực tiếp đứng đầu lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Cần Giuộc và là người trực tiếp vào dinh quận buộc Quận trưởng Tô Văn Hoa phải hạ súng đầu hàng chính quyền Cách mạng.

Tháng 9/1945, ông được bầu làm Quận trưởng (Chủ tịch) đầu tiên của Cần Giuộc; sau đó, tổ chức bộ đội và là Chỉ huy trưởng quân sự quận Cần Giuộc. Năm 1946, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 922, thuộc Chi đội 15 - tỉnh Chợ Lớn. Tháng 5/1947, Tiểu đoàn 922 đổi tên là Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh, vẫn do ông làm Tiểu đoàn trưởng, đơn vị tổ chức nhiều trận đánh Pháp gây tiếng vang lớn cho phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ, trong đó có trận Láng Le - Bàu Cò nổi tiếng ngày 15/4/1948 ở Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn.

Trong hai năm 1947 - 1948, ông cùng với Trương Văn Nhâm (nguyên Xứ ủy viên, Phó Bí thư Quận ủy Cần Giuộc) tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ chiến sĩ ở Rừng Sác. Cuối năm 1948, ông được bầu là Phân khu ủy viên Phân khu Duyên Hải, thuộc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1949, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 308 – thuộc tỉnh Chợ Lớn. Năm 1951, ông làm công tác tổ chức Phân Liên khu ủy miền Đông Nam bộ.

Năm 1954, được lệnh của Trung ương, ông tập kết ra Bắc, là cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1959, ông là Chính ủy Nông trường Lam Sơn thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1962, ông được điều về công tác tại Ban nghiên cứu Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, với cấp hàm Thượng tá.

Với cương vị từng là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (10/1932 - 1933), Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1932), Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (1933 - 1935), ở thời điểm thực dân Pháp khủng bố dữ dội phong trào cách mạng, bản thân nhiều lần bị địch bắt, tù đày, khảo tra, nhưng ông vẫn kiên cường, bất khuất; liên tục hoạt động, tham gia lãnh đạo tổ chức Đảng - quân đội. Ông thuộc lớp cán bộ lãnh đạo kỳ cựu, có nhiều công lao “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương Long An và cả vùng Nam bộ.

Gia đình ông trước Cách mạng Tháng Tám có nhiều người bị giặc sát hại, bản thân ông trải qua nhiều sóng gió, tù đày, nhưng luôn là gia đình mẫu mực, giàu truyền thống đấu tranh yêu nước.

Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Một (một nhà hoạt động cách mạng, nguyên Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam bộ, Huân chương Hồ Chí Minh) là thân sinh của 3 người con thành đạt (**).

Ông Trương Văn Bang mất ngày 31/12/1981 tại TP Hồ Chí Minh, để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng cho quê hương Long An và niềm tiếc thương sâu sắc của đồng bào Nam bộ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương Long An ngày nay, có đường phố, những trường học khang trang được mang tên Nhà Cách mạng Trương Văn Bang. Đó chính là sự ghi ơn công lao to lớn của một bậc cách mạng tiền bối, để thế hệ con cháu đi sau luôn tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp chiến sĩ cách mạng đi trước.

(PV biên tập theo sử liệu của Báo Long An)

_________

(*) Xứ ủy Nam kỳ năm 1933 gồm 5 người: Trương Văn Bang (Bí thư), Phan Vân (tức Nữ, Thường vụ), Trương Văn Nhâm, Trần Văn Giàu và “Thợ Sơn” (Theo Hệ thống tổ chức Đảng bộ ở Nam kỳ, tài liệu Lưu trữ TW 2, TP.Hồ Chí Minh).

(**) 3 người con của ông Trương Văn Bang và bà Nguyễn Thị Một là: Trương Bình Tâm (nguyên Giám đốc Sở Tài chính Long An), Trương Ngọc Thủy (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM) và Trương Hòa Bình (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Phó Thủ tướng Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà cách mạng Trương Văn Bang: Người con của mảnh đất Long An trung dũng