Nhà cổ Đường Lâm: Ngổn ngang nỗi lo tiến độ bảo tồn

Minh Sơn 12/12/2015 09:05

Như ĐĐK đã phản ánh, dự án tu bổ nhà cổ ở làng Đường Lâm (TX Sơn Tây - Hà Nội) đã được phê duyệt. Theo đó, trong thời gian từ 2016- 2018 sẽ có 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng sẽ được “cứu”. Nhưng việc cứu nhà cổ sẽ được tiến hành ra sao để người dân thấy hài hòa- đây là băn khoăn của cộng đồng đang gìn giữ di sản.    

Nhà cổ Đường Lâm: Ngổn ngang nỗi lo tiến độ bảo tồn

Nhà cổ Đường Lâm.

Ưu tiên nhà hư hỏng nặng

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội, dự án tu bổ 10 ngôi nhà cổ tại Đường Lâm nằm trong Đề án đầu tư tôn tạo bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm giai đoạn 2014-2020. Theo tinh thần của đề án, đến 2020, sẽ có 125 nhà loại 3 được cải tạo. Hơn 1.050 ngôi nhà loại 4 (nhà 1 tầng, không có công trình cổ) cũng sẽ được hỗ trợ để cải tạo.

Giai đoạn trước, đã có 10 ngôi nhà cổ ở Đường Lâm đã được trùng tu theo tinh thần đề án nói trên; giai đoạn 2016-2018 sẽ có 10 ngôi nhà cổ được trùng tu. Mức độ đầu tư từ ngân sách thành phố tối đa là 800 triệu đồng/nhà (mặt bằng thực tế từ 2013); kinh phí được lấy từ chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm. Phần kinh phí còn lại sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương và các hộ dân có nhà cổ tự nguyện đóng góp.

Cũng theo bà Hòa, 10 ngôi nhà được lựa chọn được tu bổ đợt này được căn cứ vào hiện trạng xuống cấp cụ thể. Căn cứ lựa chọn lần này là ưu tiên những ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng cần phải tu bổ khẩn cấp. Ở đây việc tu bổ hoàn toàn căn cứ thông qua đơn thư của người dân kiến nghị trước đó. Như vậy, hơn 2 năm sau việc viết đơn xin trả lại danh hiệu của người dân Đường Lâm, đây gần như là một động thái tích cực bảo tồn di sản từ các cấp quản lý.

Trước đó, vào tháng 4/2013, 78 người dân thuộc 60 hộ ở làng cổ xã Đường Lâm đã đồng loạt ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm” gửi UBND Thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL). Nguyên nhân được đưa ra là nhà cửa xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Người dân không được tự ý xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa. Trong khi đó, hàng năm, dân số vẫn liên tục tăng lên.

Cũng trong lá đơn này, người dân ở Đường Lâm nêu rõ, với việc phát triển du lịch tại đây, chỉ có 8 hộ gia đình được đầu tư xây dựng, trong khi khoảng 400 hộ gia đình khác không được hỗ trợ gì. Sau những ồn ào quanh nút thắt bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm nói trên, nhà chức trách đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với người dân. Nhiều cơ quan chức năng của TP Hà Nội sau đó đã nhận lỗi vì không làm tròn trách nhiệm. Lãnh đạo Hà Nội cũng lên tiếng xin lỗi vì chậm giải quyết những bức xúc của người dân.

Bài học còn đó

Dẫu vậy, để đảm bảo tiêu chí tu bổ giữ nguyên giá trị gốc của di tích cũng không phải là yêu cầu đơn giản. Bởi trước đó, bài học trong trùng tu lăng mộ Ngô Quyền cũng tại làng Đường Lâm gây bức xúc trong cộng đồng vẫn còn là kinh nghiệm mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có tiền, thậm chí nhiều tiền chưa hẳn công tác trùng tu di tích đã tốt hơn.

Được biết, việc tu bổ nhà cổ ở Đường Lâm tới đây sẽ căn cứ dựa trên 20 mẫu nhà đã được trưng cầu ý kiến chuyên gia cùng Bộ VH-TT&DL thẩm định. Mẫu thiết kế sẽ phải thỏa mãn tiêu chí: kiến trúc truyền thống, mái ngói dốc, sử dụng vật liệu truyền thống (gạch trần hoặc đá ong, gạch xây, trát, quét vôi vàng nhạt). Đây là sự lựa chọn cho người dân khi có nhu cầu xây dựng. UBND thị xã Sơn Tây phụ trách chỉ đạo thiết kế thi công cụ thể trên diện tích đất ở của hộ dân, phù hợp quy hoạch. Đặc biệt, các hộ dân ở làng cổ sẽ không phải trả tiền thiết kế.

Từ năm 2005 khi làng cổ Đường Lâm chính thức trở thành ngôi làng đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia cho đến nay đã phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình bảo tồn và phát triển. Nhà cổ thì còn, nhưng không gian làng cổ đã có nhiều biến động. Dân cư ngày càng đông đúc hơn, những nhu cầu thiết yếu của người dân trước cuộc sống hiện đại cũng là những đòi hỏi cấp bách. Nhưng gần như 10 năm qua, UBND xã Đường Lâm chưa triển khai thực hiện triệt để việc giãn dân trong khu vực làng cổ.

Trong khi đó, số tiền thu phí tham quan làng cổ chỉ đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên cho bộ máy quản lý, không có nguồn để tái đầu đầu tư kinh phí tu bổ. Như chúng tôi đã đề cập, không phải tất cả người dân ở Đường Lâm đều được hưởng lợi từ di sản nhà cổ nhưng đại đa phần họ đều đang phải tuân thủ theo qui định của BQL di tích và Luật Di sản. Và hiện tại việc tu bổ nhà cổ Đường Lâm vẫn trông chờ vào ngân sách là chủ yếu.

800 triệu đồng hỗ trợ tu bổ một ngôi nhà cổ không hề nhỏ. Đồng thời nó cũng không phải là câu chuyện nhỏ, nếu việc hưởng lợi của cộng đồng di sản không được phân chia công bằng.

Và nếu mỗi đợt chỉ trùng tu 10 ngôi nhà, liệu trong vòng 5 năm tới, có bao nhiêu nhà cổ ở Đường Lâm được trùng tu theo tinh thần của Đề án nói trên?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà cổ Đường Lâm: Ngổn ngang nỗi lo tiến độ bảo tồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO