Trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, hiện vẫn còn nhiều dài sàn, nhà gươl, nhà dài, mang đậm bản sắc kiến trúc độc đáo. Nhiều dân tộc nơi đây có nhà dài, nhưng nhà dài Ê Đê được coi là khá tiêu biểu.
Gọi là nhà dài vì nó cấu tạo theo chiều ngang, theo lối kết cấu mở, được nối thêm vào khi cần thiết. Với những ngôi “nhà nối” này, đến lúc nào đó sẽ trở thành một ngôi nhà rất dài, “dài như tiếng hát, dài như dòng suối chảy”- theo cách nói của bà con.
Ngôi nhà ban đầu chỉ dài chừng 15 mét, nhưng sau mỗi lẫn nối, có khi nó đạt tới 100 mét. Lúc ấy đã có khoảng 4 thế hệ ông bà- cha mẹ- con- cháu, theo kiểu “tứ đại đồng đường”. Đại gia đình ấy chính là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Trong mỗi buôn của người Ê Đê, cũng có một ngôi nhà chung dài rộng, cũng được gọi là nhà dài.
Từ cách kiến chung mở như vậy, cho thấy tính cộng đồng, tính thân tộc của người Ê Đê là rất lớn. Trong nhà trên bảo dưới nghe, dưới kính trọng trên, trên thương yêu dưới. Nếu không được như vậy thì nhiều thế hệ không thể sống chung trong một ngôi nhà. Còn với sinh hoạt cộng đồng, nhà dài là nơi gắn kết bà con trong buôn, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, hiểu nhau hơn, từ đó giúp nhau trong cuộc sống.
Vách và sàn nhà dài bằng tre nứa.
Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê bao giờ cũng được dựng lên từ gỗ, tre, nứa, còn mái thì lợp tranh. Đó là vật liệu sẵn có trong khu vực bà con sinh sống, nó tiết kiệm, lại phù hợp với thiên nhiên xung quanh. Khi ai đó làm nhà, bà con trong buôn ủng hộ bằng cách mang vật liệu tới hoặc là làm công giúp. Ngôi nhà được dựng lên trong tình cảm sẻ chia của cộng đồng. Đó thực sự là những ngôi nhà đoàn kết.
Trừ một số cột gỗ tốt để chịu lực, còn thì vật liệu chủ yếu (từ bức vách, sàn) đều là tre nứa. Vì thế, một ngôi nhà dài không thật tốn kém về tiền bạc, người nghèo cũng có thể dựng được cho mình một ngôi nhà.
Với mái nhà dài, người ta thường lợp bằng cỏ tranh, rất dày, lên tới hơn 20 cm. Chính vì thế, mái nhà chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viễn không phải lợp lại, có chăng chỉ giặm lại chút đỉnh cho chắc chắn hơn khi nó bị thời gian làm cho hư mục. Ngôi nhà dài cũng không cao, nhà nào cao nhất (tính từ sàn nhà tới đỉnh nhọn của nhà) thì cũng chỉ hơn 4 mét.
Độ cao ấy phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên, nên ngôi nhà dù có kéo dài ra theo chiều ngang thì cũng đủ sức chống chọi với những cơn bão núi, mưa rừng. Gầm sàn thường cao khoảng hơn 1 mét, trước đây được dùng làm nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà; cùng đó còn có tác dụng tránh thú rừng, rắn rết.
Bảo tàng Đăk Lăk, kiến trúc cách điệu từ ngôi nhà dài truyền thống.
Trong ngôi nhà dài, bao giờ cũng có một phần nhà để tiếp khách và cũng là nơi sinh hoạt chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, nhà dài nào cũng có một, hai chiếc ghế dài, (gọi là Kpan). Kpan có thể dài tới 20 mét, là một khúc gỗ quý được đẽo từ những thân cây rừng nguyên vẹn kể cả chân Kpan cũng thuộc về khúc gỗ này.
Người Ê Đê khi ngủ có thói quen đầu quay về hướng Đông và chân quay về hướng Tây. Do đó nhà dài thường làm theo hướng Bắc Nam. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Đáng chú ý, cầu thang nhà của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa (thể hiện tín ngưỡng phồn thực) và cũng là biểu tượng của chế độ mẫu hệ.
Cầu thang nhà dài có thể coi là một tác phẩm gỗ, với sự tạo hình khỏe khoán, giản tiện nhưng không sơ sài. Cầu thang được làm bằng gỗ tốt, được bảo vệ chu đáo. Cùng với cầu thang thì các các cột, kèo được đẽo gọt, trang trí khá công phu. Đó là hình hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà... làm cho ngôi nhà trở nên sống động và gần gũi.
Tuy nhiên, theo năm tháng, cuộc sống đổi thay, nhà dài cũng dần được thay thế bằng những ngôi nhà ngắn hơn, ít thế hệ cùng chung sống. Ở thời điểm năm 2011, thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk cho thấy, cả tỉnh có 2.608 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm 30% tổng số nhà của người Ê Đê.
Nhưng nay, số nhà dài đã hao hụt nhiều. Với ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, chính quyền địa phương các cấp ở Tây Nguyên rất chú trọng việc gìn giữ, bảo tồn nhà dài, cũng như nhà sàn, nhà gươl. Đó chính là gương mặt kiến trúc của Tây Nguyên bao la hùng vĩ.
Thiếu nữ Ê Đê trong lễ cầu an.
Đồng bào Ê Đê có nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ rước cây nêu cầu an- nét đặc trưng biểu tượng cho bản sắc văn hóa, cho sự hưng thịnh một thời của mỗi con người trong tâm niệm của mọi người. Theo bà con Ê Đê, cây nêu là biểu tượng của tâm linh, là chốn đi về của các thần linh và của tổ tiên, ông bà. Vì thế, lễ cúng, rước cây nêu là một nghi lễ quan trọng trong vòng đời người của dân tộc Ê Đê.
Theo tập tục, trong cuộc đời mỗi con người, không phải ai cũng được làm lễ rước cây nêu, chỉ những người sau khi lập gia đình, làm ăn dư dả có của ăn của để và phải qua các lễ dâng con gà, heo, bò, trâu xong thì mới có quyền tổ chức lễ rước cây nêu cầu an.
Vào lễ, cây nêu được đưa vào giữa nhà sàn truyền thống, trong tiếng cồng chiêng rộn ràng. Sau đó thầy cúng trang phục hướng về phía mặt trời mọc khấn gọi các vị thần linh phù hộ sức khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm cho gia chủ. Đặc biệt, trong lúc dâng lễ bao giờ cũng có những cô gái trong buôn múa những điệu truyền thống. Sau khi cúng, thầy cúng sẽ đeo vòng cho vợ chồng, con cái chủ nhà- đó cũng là một hình thức cầu an.