Nhà đầu tư nhà đất như 'ngồi trên lửa' trước áp lực trả nợ ngân hàng

Nhật Ánh 02/09/2021 19:45

Nhiều nhà đầu tư vay mua nhà, đất hy vọng sẽ được ngân hàng giảm lãi suất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại lại không có chính sách hỗ trợ với nhóm đối tượng này.

Nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt với các khoản vay để đầu tư bất động sản

Trước thực tế dịch bệnh bùng phát và lan rộng, mới đây các ngân hàng lớn ra thông báo đồng loạt giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đợt hỗ trợ lần này tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, cũng như đợt giảm lãi suất tháng trước đó vào 7/2021, ngân hàng lưu ý: Việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Trước thông tin trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, bản thân họ cũng không thể có sẵn nguồn tiền dự phòng lúc khó khăn. Hầu hết các khoản tiền có được người mua bất động sản cũng đã đổ dồn hết cho mua đất, mua nhà, và trả lãi ngân hàng mỗi tháng.

Anh Lương Tiến, một nhà đầu tư lâu năm ở TP HCM cho biết, để có tiền thanh toán trả lãi ngân hàng anh đã rao bán 2 căn Condotel ở thành phố Phan Thiết với mức giảm trên dưới 10% so với giá mua ban đầu tuy nhiên hiện thị trường đóng băng nên muốn bán cũng không ai mua.

“Khi mua bất động sản thì được ngân hàng giải ngân rất nhanh nhưng thị trường đi xuống vì dịch bệnh thì ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cũ. Tôi phải đang gánh mỗi tháng hơn 30 triệu để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng đợt này”, anh Tiến nói

Một trường hợp khác, chị Thu kể trên một diễn đàn nhà đất cho rằng, 3 tháng qua do cả 2 vợ chồng đều bị mất đi thu nhập đột ngột, gia đình chị dùng hết khoản tiền dự phòng để gồng khoản nợ ngân hàng mỗi tháng lên đến gần 20 triệu đồng, nên gần như không còn đủ tiền để chi tiêu sinh hoạt. Việc vay mượn bạn bè, gia đình giờ đây là vô cùng khó khăn khi mà ai ai cũng muốn dự phòng chi phí đề phòng bất trắc trong dịch. Đến lúc này, chị Thu phải rao bán bớt những khoản đầu tư nhà đất nhưng hiện các văn phòng công chứng không hoạt động nên muốn bán cũng không bán được.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, theo báo cáo của hệ thống ngân hàng thì nợ về tín dụng trong bất động sản cao, có thể khẳng định trên thị trường có rất nhiều người sử dụng đòn bẩy tín dụng.

Theo ông Đính, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường không có giao dịch thì áp lực trả lãi rất lớn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề theo ông Đính cũng không hề dễ cho các nhà đầu tư bởi hiện tại ảnh hưởng dịch bệnh nên nhà đầu tư muốn bán tài sản cũng không được.

Trước thực tế này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng các ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn tiến độ trả lãi, giãn tiến độ trả nợ, không chuyển nhóm nợ xấu và áp dụng cho các khoản vay từ ngày 20/1/2020 đến 30/6/2022.

Ngoài ra, ông Châu cũng kiến nghị nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp tình, hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà đầu tư nhà đất như 'ngồi trên lửa' trước áp lực trả nợ ngân hàng