Trong bối cảnh quốc tế ngày càng khắt khe với các chuẩn mới để bảo vệ môi trường, vấn đề phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái hay hạ tầng xanh đang rất được quan tâm.
Phát triển KCN xanh
Các KCN xanh đã xuất hiện và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đơn cử như KCN VSIP (Bình Dương), KCN Amata (Đồng Nai),... Cụ thể, KCN VSIP áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường như: xử lý nước thải tiên tiến, sử dụng điện tái tạo và tiết kiệm năng lượng mà còn đầu tư vào hệ thống lọc khí thải hiện đại giảm thiểu ô nhiễm. Nhờ phát triển theo hướng xanh nên KCN VSIP thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoái nước. Đầu tháng 10 vừa qua, KCN sinh thái Prodezi với diện tích 400ha ra mắt các ngành công nghệ cao theo tiêu chuẩn xanh. Đại diện chủ đầu tư cho biết, KCN này cam kết dài hạn về phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Dự án cam kết thực hành và phát triển bền vững qua 4 trụ cột là sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng, phát triển kho bãi chứng nhận xanh, phát triển trang trại canh tác hữu cơ...
Trước “làn sóng” phát triển xanh, các chuyên gia khẳng định, TPHCM cần có những thay đổi trong phát triển công nghiệp, nên hình thành các KCN xanh, KCN sinh thái. Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho rằng, TPHCM phát triển sớm với lượng lớn các KCN. Đến nay, một số KCN gần hết thời hạn cho thuê, đây là cơ hội tốt để thành phố chuyển đổi sang KCN xanh, KCN sinh thái.
“Việt Nam có tiềm năng lớn về xây dựng KCN Net Zero, tập trung nhiều vào năng lượng tái tạo. Với TPHCM, nên tích hợp Net Zero vào sự chuyển đổi công nghiệp ngay lập tức và hỗ trợ cho các KCN” - bà Anna Skarbek – CEO Climateworks Center nhận định.
Bắt nhịp với kho bãi, logistics xanh
Không dừng lại ở việc phát triển KCN xanh, vấn đề kho bãi, logistics xanh cũng được nhiều DN quan tâm. Nhìn nhận rõ yêu cầu mới của thị trường, Tập đoàn KCN Việt Nam vừa khởi công xây dựng 100.000m2 nhà kho chất lượng cao tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án đầu tư mới nhất của Tập đoàn KCN Việt Nam, được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED. Dự án này hứa hẹn đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của các nhà đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành logistics và thu hút vốn FDI vào khu vực Đông Nam Bộ nói chung cũng như tỉnh Đồng Nai nói riêng. Theo các nhà đầu tư, Đông Nam Bộ vốn là trung tâm công nghiệp, logistics lớn nhất cả nước, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng quốc gia. Hiện khu vực Đông Nam Bộ xử lý gần 50% tổng lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container của hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, thống kê Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tính đến hiện tại, cơ sở hạ tầng logistics tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu, khi mức đầu tư chỉ đạt 25 - 27% so với mục tiêu kế hoạch của Chính phủ đặt ra.
Ông Hardy Diec - Giám đốc Điều hành của Tập đoàn KCN Việt Nam cho hay, bên cạnh các dự án đã hiện hữu tại KCN Hố Nai và Nhơn Trạch V, kỳ vọng dự án mới tại KCN Nhơn Trạch VI sẽ cung cấp cho thị trường diện tích kho bãi đạt chuẩn quốc tế, góp phần phát triển ngành logistics và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho địa phương.
Ông Nguyễn Trí Phương - Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhận định: “Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đánh giá cao nỗ lực đầu tư của Tập đoàn KCN Việt Nam vào việc xây dựng, phát triển hạ tầng công nghiệp hiện đại, nhất là các công trình hướng đến phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng dự án này sẽ giúp Đồng Nai ngày càng nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành logistics, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy sự hiện diện của các doanh nghiệp quốc tế tại địa phương”.