Nhà khoa học của người dân vùng cao

Ngân Hà 19/02/2016 13:10

Đó là GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan, giảng viên cao cấp ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên. Những công trình nghiên cứu của bà nhiều năm qua đã góp phần giúp bà con vùng cao thay đổi dần tư duy về phát triển chăn nuôi, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. 

Nhà khoa học của người dân vùng cao

GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan.

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim Lan nhận quyết định về làm giảng viên ở Trường ĐH Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên). Cũng như các thầy, cô giáo khác, cô đã phải trải qua một thời kỳ bao cấp gian truân, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Cô Lan nhớ lại, vào những năm đầu của thập kỷ 80, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu. Bà con chủ yếu sản xuất theo phương thức “tự túc, tự cấp” là chính, hầu như rất ít áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chọn giống, thức ăn và phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm.

Từ những trăn trở đó, cô Lan cùng với các đồng nghiệp đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân miền núi về phát triển chăn nuôi. Đó là hướng dẫn bà con chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành nông nghiệp nói chung.

Cùng với việc giảng dạy, cô cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng chống hiệu quả... GS. TS Nguyễn Kim Lan cho biết, hướng nghiên cứu chính mà cô và các cộng sự đã và đang theo đuổi trong nhiều năm qua là nghiên cứu về những bệnh phổ biến, gây tác hại lớn ở gia súc, gia cầm và biện pháp phòng chống hiệu quả.

Ngoài những đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các tỉnh, GS. TS Nguyễn Thị Kim Lan đã có 90 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín. Bà cho rằng, thành công mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng, mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề.

Trải qua mấy chục năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Lan nhận thấy, phần thưởng lớn nhất mà cô có được chính là đã tham gia đào tạo được nhiều kỹ sư, bác sĩ thú y, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Đó cũng là những kết quả khả quan mà cô và cộng sự đã thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà khoa học của người dân vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO