Ngày 18-12-1976 tạii Zurich (Thụy Sĩ) đã diễn ra cuộc đánh đổi chính trị đầu tiên giữa Liên Xô với phương Tây: Moskva nhận về nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Chilê Luis Cornaval và mở cửa cho nhà văn mang tư tưởng phản kháng chế độ Vladimir Bukovsky đi sang cư trú ở Anh quốc. Luis Corvalan đã tạm trú ở Liên Xô trong vòng 7 năm mới quay trở về tổ quốc, tiếp tục cuộc chiến đấu nhằm xóa bỏ chế độ của nhà độc tài Augusto Pinochet. Ông qua đời tại thủ đô Santiago ngày 21-7-2010.
Lãnh đạo đảng Cộng sản Chilê Luis Cornaval.
Luis Corvalan sinh ngày 14-9-1916 tại thành phố Puerto Montt trong một gia đình cha là giáo viên, còn mẹ là nông dân. Ngay từ trẻ, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Năm 15 tuổi (1931), ông đã gia nhập đảng Cộng sản Chilê - ở thời điển đó, tại quốc gia Mỹ La tinh này, sau hàng loạt những cuộc đảo chính liên tiếp diễn ra, người dân bị lôi cuốn ngày một nhiều hơn theo các phong trào tả khuynh và đảng Xã hội Chilê thậm chí có lúc đã được bầu lên nắm chính quyền trong… 12 ngày! Corvalan, song song với những hoạt động chính trị năng nổ, vẫn dành thời gian thích đáng cho việc trau dồi học vấn và đã thi được bằng giáo viên. Tuy nhiên, ông đã không thể hành nghề gõ đầu trẻ lâu vì chỉ sau một năm làm thầy giáo, người đảng viên cộng sản trẻ tuổi đã bị sa thải vì lý do chính trị. Corvalan đã chuyển sang làm phóng viên cho các tờ báo của những người cộng sản Chilê là “Frente Popular” và “El Siglo”. Tới năm 1946, ông đã trở thành Tổng biên tập của tờ “El Siglo”…
Năm 1948, đảng Cộng sản Chilê bị giới cầm quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật. Corvalan trong vòng hoạt động bí mật đã chuyên trách công tác tuyên truyền và rất được các đồng chí lãnh đạo cấp trên tin cậy. Ông cũng đã không chỉ một lần bị chính quyền Chilê bắt nhưng nhìn chung vẫn tránh khỏi những án tù nặng nề. Uy tín của Corvalan ngày một gia tăng trong đảng và đến năm 1958, khi hoạt động của những người cộng sản Chilê được hợp pháp hóa, ông đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của đảng.
Trong vòng 15 năm sau khi được hợp pháp hóa, lực lượng tả khuynh ở Chilê đã có thể hoạt động một cách công khai và tham gia vào các cuộc bầu cử hợp hiến. Tuy nhiên, để tạo nên một sức mạnh chung to lớn hơn, đảng Cộng sản và đảng Xã hội đã quyết định liên kết lại với nhau để thành lập Mặt trận Nhân dân. Và kết quả tích cực đã trở thành nhỡn tiền: đảng Cộng sản và đảng Xã hội đã thu hút được đáng kể sự chú ý của xã hội và đã giành được vị trí trong Quốc hội Chilê. Nhờ thế nên ứng cử viên chung của cánh tả là bác sĩ Salvador Allende, đảng viên đảng Xã hội, đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1970. Trong thành công này có sự đóng góp không nhỏ của đảng Cộng sản Chilê nói chung và của ông Corvalan nói riêng...
Ngày 11-9-1973 ở Chilê đã xảy ra đảo chính, một cuộc đảo chính tàn bạo do tướng Augusto Pinochet cầm đầu, đã loại bỏ những người chiến sĩ tả khuynh ra khỏi chính trường đất nước trong suốt một thời gian dài. Tổng thống Allende đã hy sinh anh dũng với khẩu súng trong tay. Corvalan cũng đã bị bắt giam theo lệnh của chỉ huy tập đoàn quân sự. Trong con mắt của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới khi ấy, Corvalan đã là một biểu tượng kiên cường bất khuất của những người cộng sản Chilê, một chiến sĩ sẵn sàng quyết tử cho tư tưởng cộng sản còn lại mãi, giống như hình ảnh của ca sĩ Victor Hara, người đã bị tập đoàn quân sự sát hại không lâu sau đảo chính.
Luis Corvalan đã phải ở trong các nhà giam đầy những trò tàn khốc của bè lũ độc tài Pinochet ba năm. Đã từng có một thời gian ông bị giam trên hòn đảo hoang Doson ở vịnh Magellan, nơi dành riêng cho những nhân vật nổi tiếng chống lại chế độ độc tài. Kẻ thù đã tra tấn ông dã man nhưng không khuất phục được tinh thần của người chiến sĩ, dù trong tù vẫn tiếp tục là thủ lĩnh của những người cộng sản Chilê đang phải hoạt động trong vòng bí mật… Có điều, người con trai duy nhất của ông đã bị chết vì trụy tim sau khi bị những tên lính của chế độ độc tài tra tấn ngoài sân vận động…
Những người anh em ở Moskva đã không bỏ rơi ông. Trong lúc ở tù, ông được trao giải thưởng quốc tế mang tên Lênin. Và nhiều cuộc thương lượng đã được các nhà ngoại Liên Xô tiến hành với các đại diện của Pinochet và cuối cùng, Corvalan cũng đã được trả lại tự do và bị trục xuất sang Liên Xô. Có nguồn tin là, tham gia các cuộc thương lượng này còn có cả đại diện của một số nước từng ủng hộ đảo chính ở Chilê. Để nhận được ông Corvalan, Moskva đã trả lại tự do cho một tù nhân mà phương Tây cần. Đó là nhà văn mang tư tưởng phản kháng chế độ Xôviết Vladimir Bukovsky. Cuộc trao đổi diễn ra tại sân bay Zurich, Thụy Sĩ ngày 18-12-1976…
Luis Corvalan đã tạm trú ở Liên Xô trong vòng 7 năm. Ông rất được những người cộng sản Xôviết trọng đãi. Về sau ông nhớ lại: “Những năm tôi sống ở Liên Xô, chủ yếu tại Moskva, đã thành một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ quên bạn bè cũ. Vào dịp sinh nhật lần thứ 90 của mình, tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, trong đó có lời chúc mừng từ đảng Cộng sản Nga và các nhà báo, các phóng viên truyền hình”.
Tuy nhiên, trong lòng ông vẫn không nguôi nỗi nhớ tổ quốc và những người đồng bào đang phải rên xiết trong sự kìm kẹp và đàn áp của chế độ độc tài. Năm 1983, sau một ca phẫu thuật chỉnh hình ở CHDC Đức (theo một số nguồn tin khác, ca phẫu thuật này đã được tiến hành ở Moskva), Luis Corvalan đã bí mật quay trở về Chilê và lại tham gia các hoạt động ngoài vòng pháp luật quen thuộc của những người cộng sản. Chính ông đã trực tiếp tham gia vào vụ mưu sát nhà độc tài Pinochet do nhóm Mặt trận yêu nước mang tên Manuel Rodriguez, lực lượng quân sự của đảng Cộng sản Chilê, tiến hành tháng 9-1986. Chỉ nhờ một sự may mắn rất tình cờ mà Pinochet thoát chết: Chiếc xe Limousine của ông ta bị bắn từ súng phóng lựu nhưng cú bóp cò thứ nhất bị tắc, còn sau cú bóp cò thứ hai thì quả lựu đạn chỉ làm vỡ kính xe nhưng lại không nổ…
Năm 1989, dưới sức ép của các phong trào chính trị khác nhau, Pinochet đã bị loại khỏi bộ máy quyền lực ở Chilê. Sau chiến thắng của các lực lượng dân chủ, hoạt động của đảng Cộng sản Chilê lại được hợp pháp hóa và Corvalan đã lên tiếng tuyên bố về sự trở lại chính thức của mình cùng tổ quốc - trước đó, ông đã sống “mai danh ẩn tích”ở Chilê. Về sau, tháng 5-1989, do tuổi cao, ông đã rời khỏi cương vị chính thức của mình nhưng vẫn tham gia Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Chilê. Ông vẫn luôn luôn trung thành với lý tưởng cộng sản. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Corvalan nói: “Thế giới hiện nay đang cấu tạo sai lầm vì xã hội tư bản luôn là không công bằng. Tất nhiên, tôi đã rất đau đớn khi Liên bang Xôviết tan rã – sự việc này theo tôi ngay cả người Mỹ trước đó cũng không ngờ tới. Nhưng thời gian đã trôi qua và tôi cũng đã tĩnh tâm lại chút ít rồi. Điều quan trọng là hơn 70 năm trước tôi đã gia nhập đảng Cộng sản và từ đó, tôi không hề thay đổi quan điểm của mình”. Corvalan cho rằng, việc tan rã Liên bang Xôviết tác động rất tiêu cực tới tất cả những người cộng sản và không chỉ riêng những người cộng sản mà với toàn bộ loài người tiến bộ…
Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, Luis Corvalan vẫn tin vào lý tưởng của mình. Ông đã nhắc đi nhắc lại rằng thế giới kiểu gì rồi cũng quay trở về với con đường phát triển xã hội chủ nghĩa và ngay cả sự tan rã của Liên bang Xôviết, từng khiến ông rất đau đớn, cũng chỉ là bước lùi tạm thời trước chủ nghĩa tư bản… Thái độ nhất quán của ông trong chính trị khiến ông thu phục được sự kính trọng không chỉ của các đồng chí trong đảng mà ngay cả các đối thủ chính trị cũng phải nể trọng…
Luis Corvalan thọ 94 tuổi. Đúng như ông mong ước, ông đã sống lâu hơn kẻ thù chính yếu của đời ông, nhà độc tài August Pinochet, kẻ đã chết vào ngày 10-12-2006. Trong cách nhìn của ông, Pinochet mãi mãi chỉ là “một kẻ cắp, một kẻ dối trá, một tên tội phạm”. Ông từng kể lại rằng, khi nghe trên truyền hình thông báo tin Pinochet đã chết, ông cảm thấy một niềm vui vô cùng tận, cũng như đại đa số nhân dân Chilê. Bởi lẽ, Pinochet đã nhấn chìm Chilê trong một biển máu suốt cả một thời gian không ngắn. Nỗi hận này đâu dễ dàng quên...
Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, Luis Corvalan vẫn tin vào lý tưởng của mình. Ông đã nhắc đi nhắc lại rằng thế giới kiểu gì rồi cũng quay trở về với con đường phát triển xã hội chủ nghĩa và ngay cả sự tan rã của Liên bang Xôviết, từng khiến ông rất đau đớn, cũng chỉ là bước lùi tạm thời trước chủ nghĩa tư bản… |