Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo các nhà mạng phải lập tức gỡ bỏ ngay các rào cản về chuyển mạng giữ số để tỷ lệ chuyển mạng thành công phải đạt 90%. Song, có vẻ như các nhà mạng vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo trên của Bộ TT-TT.
Chuyển mạng giữ nguyên số là một trong những chủ trương về dịch vụ viễn thông được các chủ thuê bao chờ đợi, kỳ vọng mở ra cơ hội cho khách hàng trong việc được lựa chọn chất lượng dịch vụ tốt, giá rẻ. Việc chuyển mạng giữ nguyên số buộc các nhà mạng phải cạnh tranh nhau trong việc cung ứng dịch vụ tốt hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, hạ giá thành sản phẩm... Nói đơn giản, nhà mạng nào tốt, nhiều tiện ích, giá rẻ sẽ thu hút được nhiều thuê bao.
Về mặt lý thuyết, muốn thực hiện chuyển mạng rất đơn giản. Để chuyển mạng giữ số, khách hàng thực hiện theo 4 bước: Đến các cửa hàng của nhà mạng đang có nhu cầu chuyển sang đưa ra yêu cầu, các nhận thông tin. Nhà mạng mới và nhà mạng đang sử dụng sẽ gọi điện cho khách hàng để kiểm tra về yêu cầu. Khách hàng tiến hành xác nhận thông tin về yêu cầu muốn chuyển mạng giữ số. Nhà mạng mới cung cấp thông tin về việc chuyển mạng giữ số.
Nếu thành công, khách hàng sẽ được hẹn thời gian và đưa ra những giấy tờ cần thiết để chuyển đổi nhà mạng. Và cuối cùng để hoàn tất quá trình chuyển mạng, khách hàng cần thanh toán cước phí thuê bao còn nợ (nếu có) với nhà mạng cũ. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng để thực hiện lại không dễ chút nào.
Thống kê mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), từ ngày 1/5 đến ngày 28/5/2020, tỷ lệ thuê bao chuyển mạng giữ số thành công của các nhà mạng đã giảm mạnh.
Cụ thể, Mobifone chỉ có 48,2% thuê bao chuyển đến thành công và 34,3% chuyển đi thành công. Tỷ lệ này tại Vinaphone lần lượt là 49,2% và 46,5%; Viettel là 46,9% và 54,7%. Đặc biệt là kỳ thống kê đầu tháng 5/2020 đã cho thấy tỷ lệ thuê bao chuyển đến và chuyển đi của các nhà mạng thành công rất thấp, thấp hơn mức trung bình của tháng 5 nêu trên mà không rõ lý do.
Thực trạng các nhà mạng cố tình gây khó dễ cho các chủ thuê bao khi có nhu cầu chuyển sang nhà mạng khác vẫn giữ nguyên số đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Và Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo các nhà mạng phải lập tức gỡ bỏ ngay các rào cản về chuyển mạng giữ số để tỷ lệ chuyển mạng thành công phải đạt 90%. Song, có vẻ như các nhà mạng vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo trên của Bộ TT-TT.
Còn nhớ, vào thời điểm sơ kết 6 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (nay là Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện) từng thẳng thắn nêu lên tình trạng các doanh nghiệp viễn thông từ chối sai, cố tình gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng. Các phương tiện truyền thông từng đề cập một số trường hợp khách hàng phản ánh về quy trình, thủ tục thời gian chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng kéo dài, thuê bao yêu cầu nhiều lần nhưng vẫn không được chuyển...
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết, ông Hoàng Việt Tiến, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam lý giải: Có thể chính sách đã sẵn sàng nhưng thực thi chưa sẵn sàng. Có thể sau thời gian nghỉ dịch, số lượng thuê bao xin chuyển mạng nhiều, dẫn đến việc nhà mạng bị quá tải dẫn đến tỷ lệ thành công của chuyển mạng trong tháng 5 thấp...
Ông Tiến đã đưa ra rất nhiều điều “có thể” để giải thích hộ các nhà mạng trong việc gây khó cho chủ thuê bao muốn chuyển mạng giữ số.
“Bạn cho thuê trọ, bạn mất tiền điện nước để khách trọ được sử dụng. Nhưng rồi cuối tháng người ở trọ lại đi thanh toán tiền cho người khác thì bạn có thích không? Và nhà mạng đơn giản cũng vậy...” - ông Tiến cố giải thích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người khi muốn chuyển mạng giữ số chỉ còn cách “nhờ trợ giúp của người thân” làm trong các nhà mạng, để nhờ tác động mới dễ dàng chuyển đổi. Khó chuyển mạng bởi càng giữ được thị phần, các nhà mạng càng có nhiều lợi nhuận, vậy thì có lý gì họ nhả ra?