Vốn nổi tiếng là quốc gia tổ chức giải đua Formula ePrix, Morocco còn đang nhắm đến mục tiêu trở thành nước tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái sinh. Hiện nay Morocco là nước có trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới.
Khu phức hợp Noor-Ouarzazate nhìn từ trên cao Nguồn: Getty.
Chuyển đổi sang năng lượng tái sinh
Được xây dựng trên một khu vực rộng hơn 3.000 ha – tương đương kích cỡ của 3.500 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế - khu phức hợp Noor-Ouarzazate sản sinh ra lượng điện năng đủ để cung cấp cho toàn bộ một thành phố lớn ngang với thủ đô Prague của Cộng hòa Séc.
Được đặt ngay tại khu vực được mệnh danh là Cổng sa mạc Sahara, toàn bộ khu phức hợp này có khả năng sản xuất 580 megawatt năng lượng điện mỗi năm – giúp cho toàn thế giới giảm được khoảng 760.000 tấn khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Morocco đã đặt ra một trong những mục tiêu năng lượng tham vọng nhất thế giới, đó là 42% tổng lượng nhu cầu năng lượng điện sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2020. Ở thời điểm hiện tại, đất nước này sắp đạt được mốc 35% tổng lượng cầu năng lượng điện đến từ các nguồn tái sinh, chính nhờ vào các nhà máy điện mặt trời như Noor-Ouarzazate.
Cách đây vài năm, Vua Mohamed IV của Morocco đã cắt băng khánh thành nhà máy điện mặt trời Noor-1, giai đoạn đầu của Tổ hợp Noor-Ouarzazate, sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch với quy mô lớn nhất thế giới. Nhà máy Noor-1 được khởi công xây dựng hồi năm 2013 với chi phí 660 triệu USD được đặt tại Ouarzazate, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Trung Morocco.
Khu phức hợp Noor-Ouarzazate gồm 4 nhà máy điện mặt trời công suất lớn, tổng giá trị đầu tư lên tới 9 tỷ USD. Nhà máy Noor-1 có 500.000 tấm gương thu ánh sáng mặt trời, xếp thành 800 hàng, công suất 160 megawatt điện một năm. Mỗi tấm gương hình parabol cao 12 m, nối với nhau bằng hệ thống đường ống thép có tác dụng như một “giải pháp truyền nhiệt” (Heat transfer solution - HFT) nóng tới 393 độ C tới một động cơ nhiệt. Ở đó, nước sẽ được bơm vào để tạo thành hơi nước làm chuyển động các turbine tạo ra điện.
Khu phức hợp điện năng này còn bao gồm một tòa tháp cao 243 m, hiện là kiến trúc cao nhất ở châu Phi, bên trong có chứa muối được nung chảy để tạo ra năng lượng.
Mục tiêu tham vọng
Bộ Môi trường Morocco cho biết, năng lượng mặt trời sẽ có ảnh hưởng tương tự tới khu vực như khai thác và sản xuất dầu mỏ. “Chúng tôi không phải là nhà sản xuất dầu. 97% điện năng mà Morocco sử dụng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và phải nhập khẩu từ nước ngoài, là gánh nặng lớn cho ngân sách” – Bộ Môi trường cho hay.
Với các mục tiêu năng lượng tham vọng, điện mặt trời cùng với điện gió và thủy điện sẽ đưa nguồn năng lượng tái tạo lên vị trí quan trọng, cung cấp một nửa lượng điện cho đất nước vùng sa mạc Morocco vào năm 2020. Lúc đó, Morocco sẽ trở thành quốc gia đứng đầu châu Phi về năng lượng tái tạo. Thêm vào đó, tổ hợp nhà máy Noor cũng sẽ là nhà máy điện năng lượng mặt trời tập trung lớn nhất thế giới.
Hiện tại, Morocco đặt mục tiêu sản xuất 42% nhu cầu điện bằng năng lượng tái tạo vào năm 2020 và 52% vào năm 2030. Với trữ lượng dầu khí ít ỏi, Morocco là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ nước ngoài từng chiếm tới 97% nhu cầu năng lượng của Morocco – theo Ngân hàng Thế giới. Đây cũng là lý do mà Chính phủ và người dân nước này nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó tập trung vào năng lượng tái sinh.
“Morocco đã trở thành một quốc gia mới nổi” – Yassir Badih, Quản lý dự án điện mặt trời Noor-Ouarzazate, nhận định – “Nhu cầu điện năng ở Morocco đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 đến nay, và tới năm 2030, chúng tôi muốn Morocco trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái sinh vượt trội so với năng lượng hóa thạch”.