Thông tin trên được Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thông tin tối 5/11.
Trong thời gian vừa qua, tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo để bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo về việc tăng công suất sản xuất xăng dầu trong nước, ngày 18/10/2022 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%. Trong thời gian qua, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn chủ động bám sát diễn biến thị trường, duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450 ngàn m3 so với khối lượng đã cam kết, tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1039/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Và trong cuộc họp mới nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và sản lượng cung ứng ra thị trường.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã triển khai đàm phán ngay với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô tháng 11 và 12/2022 cho Nhà máy; nhập khẩu thêm các lô nguyên liệu trung gian; rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn hướng tới mục tiêu tăng công suất vận hành tối đa. Theo đánh giá, Nhà máy có thể tăng và giữ ổn định ở 112% công suất nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung và điều kiện thời tiết thuận lợi. Hiện từ đêm 4/11 đến rạng sáng 5/11/2022, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.
Trước đó, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có 3 lần nâng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vào thời điểm nâng công suất lên 109%, ông Cao Tuấn Sĩ, Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nói: Sau khi tăng công suất từ 105% lên 107%, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào đảm bảo, Công ty quyết định tăng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 109%, vượt 6% so với kế hoạch cả năm 2022 là Nhà máy vận hành trung bình ở 103% công suất. “Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường”, ông Sĩ cho hay.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.
Kể từ khi chính thức cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình đối với an ninh năng lượng, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.