Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá vừa đi vào vận hành không lâu thì xảy ra tình trạng hàng loạt giếng khoan, giếng khơi cũng như ao hồ cạn kiện; nhà cửa của người dân bị sụt nền, tường cột bị nứt toác…
Hàng loạt vết nứt xuất hiện tại nhà ông Hoàng Ngọc Cạy, thôn Bùi, xã Tiến Lộc.
Cách Trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 20 km về phía Bắc là làng nghề rèn truyền thống của xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Và câu chuyện ô nhiễm từ hoạt động của làng nghề này dường như không ai là không biết. Lo lắng đến sức khoẻ của người dân, ngành chức năng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực, ưu ái cho xã nhà máy nước sạch từ nguồn vốn ADB. Thế nhưng, khi Nhà máy nước sạch này đi vào hoạt động thì hàng loạt hộ dân sống gần khu vực nhà máy nền nhà bị sụt, tường nhà rạn nứt…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Cương - Bí thư thôn Bùi cho biết: Dân cư làng Bùi sinh sống ở đây từ lâu đời. Hiện tại cả làng có hơn 500 hộ, riêng thôn Bùi 2 có hơn 160 hộ. Tuy nhiên, quá trình sinh sống bao nhiêu năm nay không hề có hiện tượng đất bị lún đất như bây giờ. Chỉ từ khi Nhà máy nước sạch (đặt sát khu dân cư) đi vào hoạt động thì sụt lún mới xuất hiện.
Theo báo cáo lên cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá thì có 16 hộ xảy ra hiện tượng sụt nền, nứt toác nhà cửa, nếu tính số hộ trong diện ảnh hưởng thì phải lên tới 90 hộ dân.
Cũng theo ông Cương, qua theo dõi không chỉ thấy có hiện tượng sụt nền, nứt toác nhà cửa mà đến đường bê tông nông thôn được đổ dày cũng bị nứt toác, tường rào của các hộ dân vừa mới xây cũng bị nứt làm đôi... Trong khi đó, toàn bộ nguồn nước tự nhiên, nước mặt, giếng khơi, giếng khoan không có nước, gây khó khăn trong sinh hoạt sản xuất. Nước máy thì phải bỏ tiền mua, tuy nhiên nghịch lý là người dân lại đang phải sử dụng để chăn nuôi, tưới cây, tưới rau trong vườn,…
Theo chân Bí thư chi bộ thôn Bùi, chúng tôi đến hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Cạy (67 tuổi) - một trong những hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, ông Cạy cho biết: Nhà ông được xây dựng từ năm 1991, trước khi có Nhà máy nước sạch thì ngôi nhà ông không hề có hiện tượng rạn nứt hay sụt nền như bây giờ.
Tại hộ gia đình ông Hoàng Văn Tua thì có nhiều vết nứt khác nhau ở nhiều vị trí, từ chân cột nhà ra đến tận tường rào. Nếu tính chiều dài vết nứt thì nó chạy dài tới vài chục mét, xuyên từ nhà này sang nhà khác.
“Bờ gạch ở sân tôi hàn các vết nứt bằng cách đổ hồ dầu nhưng cũng không được. Tôi rất lo lắng vì rất có thể nó sẽ nứt vào căn nhà tôi mới xây dựng năm ngoái (trị giá 800 triệu đồng)” - ông Tua lo lắng.
Trong khi đó, gia đình ông Hoàng Văn Hùng ở ngay sát nhà máy nước không khỏi hoang mang khi căn nhà mới xây hai tầng (năm 2013) nhưng đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thiêm - Phó chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: Sau khi nhận được thông tin người dân thôn Bùi phản ánh, UBND xã đã làm tờ trình số 20/BC- UBND ngày 24/06/2015 báo cáo UBND huyện, UBND tỉnh và Trung tâm quản lý nước sạch của tỉnh.
“Từ khi có phản ánh của người dân đến nay, đã có 4 đoàn về kiểm tra, khảo sát nhưng hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng” - Ông Thiêm cho biết thêm.
Đến ngày 14-7-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có công văn số 1724/SNN&PTNT - QLXDCT về vấn đề trên. Hiện, Sở đã chỉ đạo Ban QLDA cấp nước sạch và VSMT nông thôn vùng miền Trung tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi vết rạn, nứt đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, xem xét xác định nguyên nhân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trang – Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (đơn vị giao thực hiện dự án) cho biết: “Kể từ khi có phản ánh tình trạng sụt lún, rạn nứt nhà dân, đơn vị quản lý đã cho giảm tần suất hoạt động xuống 50%, đồng thời cũng các đơn vị chức năng về kiểm tra xác minh sự việc. Ông Trang cũng khẳng định những phản ứng của người dân bị rạn nứt nhà là chính xác.
Được biết, Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc được đưa vào sử dụng tháng 9.2014 với tổng giá trị công trình là 30 tỷ 940 triệu đồng từ nguồn vốn ADB, trong đó vốn đối ứng địa phương là 1 tỷ 380 triệu đồng, có công suất 1200 khối/ngày đêm.
Sau khi xây dựng và đi vào hoạt động được bàn giao lại cho Trung tâm quản lý nước sạch tỉnh quản lý. Thế nhưng để xảy ra tình trạng trên dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vì sao khi lựa chọn vị trí đặt nhà máy nước, phía cơ quan chức năng đã khảo sát, có công tác thẩm định ban đầu nhưng đến nay lại xảy ra tình trạng trên? Phải chăng đó là sự tắc trách từ phía nhà quản lý?