Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Chạy theo phong trào thì đừng bảo tồn

Tuấn Kiệt (thực hiện) 18/06/2015 18:04

Trước thực trạng việc bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều ngổn ngang, bất cập, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam) đã chỉ ra những mâu thuẫn trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể lâu nay. Ông cho rằng ở đó có sự hờ hững với “hồn cốt” dân tộc, rằng nếu việc bảo tồn di sản chỉ chạy theo phong trào thì đừng làm nữa còn hơn.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Chạy theo phong trào thì đừng bảo tồn

Ca trù trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

PV: Thưa ông, thêm danh hiệu gắn cho một di sản không hẳn đã là điều đáng mừng. Thế nên không ít nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam vẫn canh cánh một nỗi lo về việc chúng ta đã và đang tiếp nhận, ứng xử như thế nào với những giá trị văn hóa từ quá khứ, về những mặt trái của danh hiệu. Theo ông, cái dở nhất của bảo tồn di sản hiện nay là gì?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Chạy theo phong trào thì đừng bảo tồn - 1

Ông Bùi Trọng Hiền: Theo tôi, cái dở nhất là chúng ta đang bảo tồn theo phong trào, theo số đông. Lấy ví dụ ca trù - loại hình được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để được công nhận danh hiệu này, chúng ta phải cam kết về kế hoạch hành động để khôi phục, bảo tồn và sớm đưa di sản ra khỏi nguy cơ thất truyền. Thế nhưng, từ khi nhận danh hiệu cách đây vài năm, gần như không thấy biện pháp bảo tồn đáng kể nào được đưa ra với ca trù. Lượng người hát ca trù ở mức độ xuất sắc vô cùng ít, chỉ còn được vài nhóm nhỏ tại Hà Nội. Và vì không có sự đầu tư nuôi dưỡng, cứ lay lắt tự vận động như vậy, nên việc tìm được thế hệ kế cận là đáng lo vô cùng. Với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Trong khi đó tỉnh nào cũng muốn làm di sản, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, còn danh hiệu di sản thì họ không lo bảo tồn đâu. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ không bao giờ bảo tồn được- nếu chỉ làm hình thức…

Ông đã từng “dị ứng” khi các địa phương đưa đờn ca tài tử, hát xoan, ca trù, quan họ… vào nhà hàng phục vụ du khách, mà theo họ đó cũng là một cách bảo tồn?

- Hiện nguy cơ di sản âm nhạc truyền thống bị khai thác phục vụ du lịch một cách bừa bãi. Trước hết, điều này đến từ sự khó tiếp cận của di sản âm nhạc cổ đối với người nghe hiện đại, đặc biệt là các khách du lịch quốc tế. Không thể phản đối nếu người ta giới thiệu với du khách những loại hình mô phỏng hát xoan, quan họ, nhã nhạc Cung đình... với sự biến đổi cho hấp dẫn và phù hợp. Bởi chúng ta cũng không cấm được điều này. Nhưng nếu vậy, chúng ta cần sòng phẳng đó là sự mô phỏng để phục vụ du lịch và không hề liên quan tới bảo tồn. Lại càng không thể nhầm lẫn, đánh tráo 2 khái niệm ấy với nhau. Cái đích của danh xưng “di sản thế giới” xét cho cùng là nhu cầu đánh thức sự quan tâm để gìn giữ và bảo tồn của cộng đồng. Không thể dừng lại ở chuyện khai thác danh hiệu một cách tối đa để phục vụ du lịch và thỏa mãn lòng tự hào.

Chúng ta đang hô hào bảo vệ di sản, nhất là các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống bằng cách đưa di sản vào trường học, đây có phải là sự áp đặt không?

- Rõ ràng chúng ta không thể bắt các em thích hay phải hát quan họ, ca trù, tuồng, hát xoan... Đó là cả một kho tàng của cha ông, chúng ta phải tổ chức giáo dục chuyển biến dần dần vì chúng ta đã bị “chặt đứt” với nền âm nhạc của cha ông trong hơn nửa thế kỷ. Ông bà chúng ta còn nghe, nhưng đến bố mẹ chúng đã không nghe nữa, đến chúng ta nghe mang máng, đến con cái chúng ta thì chúng nghe... thấy khó vào là đúng rồi. Vậy thì chúng ta cũng không nên đòi hỏi thế hệ trẻ hôm nay phải biết nghe quan họ, cải lương, lại vừa biết thưởng thức cồng chiêng... Mỗi di sản sẽ có lượng khán giả nhất định, và di sản ở vùng nào thì hãy làm (lôi kéo khán giả) ở vùng ấy. Và theo thời gian, chúng ta hãy nhân lượng khán giả ấy lên.

Dân ca ví, giặm; đờn ca tài tử; ca trù, hát xoan... được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong khi đó, những người giữ hồn cốt, giá trị của văn hóa dân gian lại không được quan tâm đúng mức?

- Trước tiên nói về mặt quản lý, khi làm hồ sơ tìm giá trị của di sản đó là người ta biết rất rõ rằng, người thực hành những di sản đó là những nghệ nhân, là những báu vật, nhân vật sống của xã hội. Tức là toàn bộ giá trị của di sản đó có được bảo tồn, phát huy hay không là phụ thuộc vào chính các nghệ nhân. Đằng sau bảo vệ di sản là bảo vệ các nghệ nhân, phải có chính sách đãi ngộ như thế nào cho các nghệ nhân già cũng như các nghệ nhân thế hệ tiếp nối, nhưng những nhà quản lý đã không làm trong một thời gian rất dài, mà điều này trong dân gian người ta gọi là “đánh trống bỏ dùi”. Và chúng ta đang hờ hững với “hồn cốt” dân tộc.

Với Nghị định 62/2014 về phong danh nghệ nhân mà Bộ VHTT&DL vừa xét duyệt Nghệ nhân ưu tú đợt I (2015), ông có ý kiến gì?

- Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản. Định mức “nhân dân” và “ưu tú” của danh hiệu “nghệ nhân” trong nghị định là sự mô phỏng theo mẫu nghệ sĩ “nhân dân” và “ưu tú”, vốn học theo mô hình của Liên Xô cũ, nó không còn phù hợp với tình hình văn hóa xã hội hiện nay. Với thực tiễn hoạt động của nghệ nhân các loại hình di sản, sự phân cấp danh hiệu này là điều không cần thiết. Ở Nghị định phong danh 62/2014 cho thấy rõ việc phong tặng được tiến hành theo cơ chế xin/ cho chứ không phải sự chủ động của Nhà nước với những người gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Chạy theo phong trào thì đừng bảo tồn