Ai cũng nhớ những Tết đã qua của mình. Tết của thế hệ chúng tôi mang những dấu ấn của thời chúng tôi sinh ra và lớn lên, có những màu sắc, chi tiết mà không thời nào có (tất nhiến thời nào mà chả vậy) nhưng dù với màu sắc nào thì Tết với mỗi người luôn Đẹp.
Tết của chúng tôi xưa, thèm thuồng chia nhau từng chiếc kẹo hoặc miếng mứt nhiều khi đã mốc xanh trong chiềc hộp móp méo vì bị chất trong kho của Mậu dịch và thùng xe tải trước khi được bày trang trọng trên (cái gọi là) bàn thờ. Tôi phải mở ngoặc đơn như vậy vì cái thời xưa đó của chúng tôi, căn nhà chật chội của các gia đình “công nhân - viên chức” đâu có chỗ để có một chiếc bàn thờ trang trọng và đẹp đẽ như bây giờ. “Bàn thờ” thường chỉ là “giá thờ” được treo bằng đủ mọi phương cách trên một khoảng nào đó trên vách nhà.
Tết với những đứa trẻ con thời bao cấp như chúng tôi bắt đầu khi nhìn thấy “túi hàng Tết”, được mua bằng phiếu mua hàng, được bố mẹ mang về nhà trước tết khoảng một tuần, cũng có năm sớm hơn hoặc muộn hơn, tùy theo thời gian có thể đi xếp hàng mà mua về từ cửa hàng mâu dịch. Một chiếc túi nilon to chứa tất cả những gì mang phong vị tết mà ngày thường không thể có: Một hộp mứt thập cẩm, 250 gram (trộn) năm sáu vị mứt: nhiều nhất (và chán nhất) là mứt bí, mấy viên lạc bọc một lớp áo đường màu trắng (trẻ con chúng tôi gọi là “trứng chim” chứ chẳng đứa nào gọi là mứt lạc !), vài miếng cà rốt, vài miếng khoai tây, vài miếng mứt gừng, năm nào “sang” thì có thể thêm vài quả táo khô hoặc một quả quất… Phải kể hộp mứt trước vì đó là thứ duy nhất ngoài vỏ có in chữ Tết - “Mứt Tết”. Những thứ khác cùng có trong cái túi nilon to đó gần như năm nào cũng giống nhau: một miếng bóng bì cong queo 150 gram, một túi kẹo thường đã chảy, giấy gói bết với kẹo, một gói chè khô (thường mang nhãn hiệu Ba Đình), một gói thuốc lá (thường là loại Điện Biên bao bạc), một chai rượu mùi, chanh hoặc cam (chỉ là cồn pha với phẩm và hương liệu), 200 gram miến, một xấp bánh đa để gói nem, một túi nhỏ hạt tiêu, và có một thứ mà các bà mẹ thích nhất - một túi nhỏ mỳ chính khoảng 50 gram. Thời đó chúng tôi chỉ biết tên gọi mỳ chính. Sau năm 1975, danh từ “bột ngọt” mới lan dần từ miền Nam ra và hoàn toàn chưa có khái niệm gì về các loại “bột nêm” như bây giờ tràn ngập quảng cáo… Khi thực phẩm khan hiếm, những đứa trẻ chúng tôi lớn lên trong vị ngọt của mì chính được “giả tưởng” là vị ngọt của thịt, nhiều khi chỉ dám pha thêm vào nước mắm để chấm chứ không được xúc vô tội vạ đổ vào nồi nước dùng như ngày nay (mà nếu nhìn thấy) có thể làm thực khách phát hoảng.
Chuẩn bị đón tết những năm chúng tôi lớn lên là cả một niềm hao hức của con trẻ và nỗi lo toan của người lớn, không như bây giờ, cứ sát tết đi mua một vòng là xong. Khi thay quyển lịch (xé) mới trên trường là đã bắt đầu ngóng tết. Chỉ đơn giản là Tết thì được nghỉ lâu nhất, dù công nhân, viên chức chỉ được nghỉ có ba ngày chứ chẳng bao giờ mơ dược nghỉ “dồn” đến 9 ngày như tết nay. Trẻ con thì chỉ thích đơn giản là tết sẽ được ăn ngon, được mặc đẹp (hơn mọi ngày) - chứ chẳng như bây giờ, ngày nào cũng có thể ăn ngon và mặc đẹp.
Ngày xưa chưa hề có khu công nghiệp hút người tứ xứ về làm để rồi tết mới được khăn gói bồng bề nhau về ăn tết quê, tạo ra một dòng “di cư mùa vụ” vĩ đại. Cái sự tết về thăm quê cũng ít hơn ngày nay vì xưa phương tiện đi lại ít và kém hơn nay rất nhiều. Mỗi chuyến di chuyển là cả một thử thách lớn. Những người đi làm xa muốn về thăm cha mẹ ở quê có khi phải bù bằng những ngày phép “để dành” từ giữa năm. Vợ chồng con cái chỉ được thăm cha mẹ, ông bà được vài ngày, ăn được mấy bữa cơm quê rồi “ra giêng” (cũng chỉ tối đa đến ngày mùng ba tết) lại khăn gói trở về thành phố với một mớ “quà” quê, chủ yếu là thực phẩm tươi, cố niú kéo hưởng nốt vị mấy ngày nghỉ ở quê. Những ngày tết thời đó vất vả nhưng ấm áp lắm, dễ làm cho ta nuối tiếc khi nhìn những cảnh xô bồ bây giờ. Hương vị tết xưa có lẽ cũng như rượu tốt ủ trong thùng gỗ sồi, càng lâu năm càng ngon, càng quý.
Tôi không có quê xa, vợ con cũng vậy, nên chưa từng được trải nghiệm cái tình / cảnh vợ chồng con cái lếch thếch mà hồ hởi về quê. Âu cũng là một điều khiếm khuyết. Nhưng bù lại tôi được nếm trải cái không khí rục rịch đầm vui vẻ của khu phố / làng xóm khi chuẩn bị đón Tết. Người ta hỏi thăm nhau về lá dong, về gạo nếp, về đỗ xanh về thịt làm nhân bánh chưng… Mấy nhà sẽ chọn một khoảnh làm bếp chung, kê nồi luộc bánh chưng. Lại có khi mấy nhà cùng chung nhau một cái nồi to (thường là cái thùng phuy 200 lít) mà luộc bánh, tất nhiên bánh của nhà nào đã được đánh dấu bằng lạt buộc, chẳng thể sai được. Chất đốt thì bằng đủ mọi loại củi “nhặt” được, dồn lại dành riêng cho nồi bánh chưng. Lũ trẻ con và cả vài người lớn sẽ tụ tập lại “trông” bánh với đủ mọi câu chuyện quanh bếp lửa, đến khi những đứa bé nhất ngủ rũ ra trong lòng người lớn…
Càng lớn, những ký ức thời Tết xưa càng xa, càng làm ta nhớ...
Ngày nay (một số ít) con cái làm ăn phát đạt có thể không về quê nữa mà mời bố mẹ (từ quê ra) đi du lịch - vẫn là Tết đoàn viên nhưng ở một phương trời khác và với những tiện nghi hoàn toàn khác. Cũng có thể không tỷ mỉ hãm thủy tiên hàm tiếu đúng sáng mùng một mà có thể ngắm hoa tuy líp nhập từ Hà Lan… Tuy vậy, theo tôi vẫn còn những “hằng số Tết” cần hiểu hơn và phải giữ: Tinh thần “tống cựu nghinh tân” (dọn dẹp, từ bỏ những cái cũ để đón những cái mới tươi đẹp), tình cảm Hiếu (với cha mẹ tổ tông) - Đễ (với anh em họ mạc), không khí gia đình thuận hòa êm ấm (thậm chí kiêng không nói to trong ba ngày Tết), truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo (Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thày, xin chữ, làm câu đối…)… Những nét đẹp “hằng số” đó vẫn cần “sống” trong xã hội hiện đại và cũng cần được mang vẻ mặt hiện đại. Đó cũng là mong ước của tôi.