Sinh năm 1941, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang từng giữ những chức vụ: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du…
Khó có thể tách bạch để gọi ông rõ ràng giữa các danh xưng là một tiến sĩ khoa học, một nhà nghiên cứu văn hóa, một dịch giả từng dịch các tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga hay một nhà phê bình văn học. Chưa kể, ông còn phải “gánh” thêm “trách nhiệm” là con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh...
Nhà văn Trần Thị Trường:Văn học Nga thật lớn và thú vị, tôi nghĩ những tác phẩm mà ông đã dịch như “Truyện ngắn Chekhov”, “Hơi thở nhẹ”, “Say nắng” của Bunin (giải Nobel văn học), “Daghestan của tôi” (Rasul Gamzatov), “Cánh buồm đỏ thắm” (Aleksandr Grin.)… thì người dịch phải có cả hai điều: am hiểu văn hóa Nga, đời sống con người và tinh thần Nga và cả văn hóa Việt. Ông đã dành tình cảm và thời gian cho việc dịch sách như thế nào trong giai đoạn đó?
Nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang: Tôi được học nhiều năm ở Nga, được biết nhiều tác phẩm hay của văn học Nga, bởi vậy nẩy sinh nhu cầu tự thân muốn được chia sẻ cùng người đọc nước nhà những gì mình may mắn được biết. Đơn giản thế thôi!
Đã có thời ở Nga một nhà văn lớn như Chekhov không được đề cao đúng mức. Hay như I. Bunhin, dù là nhà văn Nga đầu tiên được nhận giải Nobel (1933), vẫn bị ghẻ lạnh tại quê nhà vì là nhà văn lưu vong sau Cách mạng tháng 10. Tôi “trót” thích hai ông này vào lúc không “hợp thời” lắm nên dạo đó cũng bị rắc rối đôi chút…
Ông từng có thời gian ở Trung Quốc, và lâu hơn thì làm nghiên cứu sinh ở Nga - hai xứ sở có một nền văn hóa lâu đời, văn học của họ cho thấy sự tinh tế, tính nhân văn, con người ưa sự hài hòa… Theo ông, ngày nay có những thay đổi gì khiến cho những nền văn hóa lâu đời không còn (hoặc rất ít) tác động/ ảnh hưởng đến cuộc sống?
- Tính nhân văn, sự tinh tế, tính ưu việt của một nền văn học thực ra không có nhiều liên quan đến thực trạng chung của đời sống đạo đức văn hóa tin thần của một quốc gia dân tộc. Nhìn vào lịch sử, có thể thấy xã hội rối ren, phong hóa suy đồi mà văn học lại có những tác phẩm để đời và ngược lại. Điều có tác động/ ảnh hưởng lớn nhất, bao trùm nhất đối với mọi mặt đời sống xã hội chính là/ và chỉ có thể là - thể chế kinh tế - chính trị. Ở Trung Quốc, ở Nga, ở nước ta hay ở nước nào cũng vậy thôi.
Phải chăng có những trí thức (ở các nước đó) họ giống như ông Phan Hồng Giang, sống im lặng với những độc thoại vô tận?
- Tôi không rõ trí thức ở các nước thế nào. Riêng với tôi thì tôi không nghĩ rằng mình triền miên “im lặng với những độc thoại vô tận” như chị nói. Tôi không phải là tuýp người hay chuyện. Tôi tự xếp mình vào loại người “hướng nội”. Thích sống theo lời nhắn nhủ của R. Gamzatov trong “Daghestan của tôi”: “Con người cần 2 năm để học nói, nhưng cần tới 60 năm để học cách im lặng”. Nhưng tôi vẫn có nhu cầu được chia sẻ với mọi người những suy nghĩ, cảm xúc của mình trước số phận của con người, của dân tộc thông qua những việc làm, những bài viết, những cuốn sách. Chị có cảm giác tôi thiên về “độc thoại” có lẽ vì nếu tôi nghĩ 5-6 điều thì chỉ nói ra 1-2 điều chăng?
Ông có định một ngày những cuộc độc thoại đó được hiện ra, trong một hình thức nào đó: trò chuyện với ai đó, xuất bản gì đó?
- Xu hướng chung là con người trong xã hội sẽ ngày càng cởi mở với nhau hơn, ưa nói cho nhau nghe những suy tư tử tế, lương thiện, ôn hòa của mình, tôn trọng sự khác biệt của nhau để cùng đi tới một cái đích chung là tự do, hạnh phúc.
Tôi thấy ông ở tuổi U80, vẫn rất minh triết…? Vậy là ông có một phương pháp?
- Người bình thường, dù nói bất kỳ ở đâu, cũng luôn muốn mình được nghe. Khi không chắc là sẽ được lắng nghe thì tốt nhất là im lặng. Gặp người có thể trò chuyện tâm đắc thì người vốn ít nói có thể bỗng dưng thành kẻ lắm lời.
Chị dùng chữ "rất minh triết” là quá lời đấy, đầu óc tôi có thể dùng chữ “minh mẫn” là may lắm rồi. Tôi chẳng có phương pháp nào hay ho đâu. Nếu đến tuổi “cổ lai hy” này đầu chưa bị lẫn, âu cũng là lộc trời cho. Phần người được nhận thì phải biết trân quý, phải thường xuyên đọc và nghĩ, thường xuyên “tập thể dục” cho bộ não, không để nó rơi vào tình trạng ù lì, trì trệ. Tôi cũng thường xuyên làm theo lời dặn của nhà khai sáng Pháp Rutxô từ thế kỷ XVIII: “Tay chân có vận động thì não mới vận động”.
Như vậy, có thể thấy rằng không phải các nhà trí thức thường có tâm lý không thỏa mãn với hiện trạng của mình, và của xã hội mà thực ra là tri thức càng lớn thì tầm nhìn/ sự nhận ra những giá trị tinh thần và đạo đức của họ càng sâu. Họ biết những giá trị đó sẽ tác động ở mức nào với đời sống con người… Nhưng ý kiến của họ ngày nay đã được/ bị hiểu như thế nào theo đánh giá của ông?
- Ở nước ta nhiều vị lãnh đạo cao rất coi trọng bộ phận các chuyên gia tư vấn chính sách. Nhưng không phải lúc nào tiếng nói của trí thức cũng thực sự được lắng nghe…
Ông có cho rằng sự xuống cấp nhiều mặt của văn hóa thì nguyên nhân bao trùm trước tiên lại không nằm ở bản thân văn hóa, mà nằm ở… cái chỗ mình đã không nói/ đã nói mà những người cần nghe đã không nghe hoặc nghe mà không thực hiện không?
- Như trên tôi đã nhắc đến nguyên nhân bao trùm dẫn đến tình trạng văn hóa đạo đức xã hội xuống cấp nhiều khi không nằm trong bản thân lĩnh vực văn hóa mà ở thể chế kinh tế - chính trị, lĩnh vực có tác động toàn diện, sâu xa nhất tới mọi mặt của đời sống xã hội. Chúng ta đang còn tồn tại những lỗ hổng dễ dẫn đến tình trạng nhiều kẻ có chức quyền có điều kiện bòn rút, tham nhũng của công, hành xử theo lối cửa quyền ức hiếp dân lành, bảo vệ lợi ích nhóm mà bấy lâu nay dù ta ra sức chống vẫn chưa thể dẹp bỏ được. Các cán bộ có chức quyền lẽ ra phải là bộ phận tinh hoa nêu gương tốt trong xã hội thì nhiều người trong số đó lại là những kẻ thoái hóa, biến chất - sự suy đồi của văn hóa đạo đức xã hội có một trong những nguyên nhân có lẽ là đã bắt nguồn từ đây.
Ông vẫn để ý đến tình hình sáng tác văn học nghệ thuật của ta đấy chứ ạ? Theo ông nguyên nhân nào khiến chúng ta không có tác phẩm lớn, phản ánh thời đại, dẫn dắt hoặc chia sẻ với con người trong thời đại hiện nay?
- Tuổi cao sức yếu, mắt đã mờ phần nào nên tôi cũng không còn khả năng theo dõi sát sao tình hình văn chương nước nhà. Tuy nhiên nhờ mấy năm nay tôi được mời tham gia một hội đồng xét giải hạng mục sách văn học, mà chả tham gia thì tôi vẫn dành thời gian cho việc đọc… Ta “chưa có tác phẩm lớn” là một phàn nàn nghe đã quá quen tai từ bao năm nay. Nguyên nhân ư? Chắc là do tài năng văn học lớn chưa xuất hiện mà sự xuất hiện của tài năng lớn thì không theo quy luật nào và vô cùng quý hiếm. Như trong lịch sử văn học ngàn năm của nước ta không có Nguyễn Du thứ hai!
Còn nếu chúng ta không coi phải có giá trị ngang tầm “Truyện Kiều” mới được gọi là “tác phẩm lớn” thì có thể vì các lý do khác nhau ta cũng đã “lãng phí” bỏ qua một số tác phẩm hay mà động chạm tới đề tài gọi là "nhạy cảm" vì đánh giá hiện thực không theo lối mòn truyền thống, hoặc vì bức tranh hiện thực được/ bị vẽ ra với hơi nhiều gam mầu xám? v.v...
Để khắc phục tình trạng khắt khe quá mức trong đánh giá tác phẩm, cần phải khẳng định lại một lần nữa nguyên tắc đúng đắn: “Tự do sáng tác phải đi đôi với tự do phê bình" đã được chỉ ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật tháng 11/1987.
Như tôi quan sát được thì mọi ứng xử của ông ở đời thường với gia đình rất dung dị, hiền hậu, rất ổn… Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nói với tôi: Ông đã khiến cho chị có một cuộc sống hạnh phúc, toại nguyện…
- Cám ơn chị đã có nhận xét tốt đẹp về cá nhân tôi. Tôi vẫn hồ nghi tính xác đáng của những câu chữ đó đấy. Tôi luôn tự nhủ rằng bố mẹ cho mình một cuộc đời quý giá trên dương thế. Mình phải sống thế nào cho thanh thản, bình yên. Phải biết tránh xa những tất bật, ồn ào, không bao giờ ôm thù hận trong lòng, gắng làm những việc tử tế, lương thiện trước tiên là cho gia đình nhỏ của mình.
Xin cảm ơn ông!