Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn còn vướng mắc khó triển khai.
10 năm chưa thể triển khai dự án
Đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền cho biết, đơn vị đã hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của các cấp để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội Nam Lý (Thủ Đức) phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức, người nghèo. Phần đất thực hiện dự án đã quản lý, sử dụng từ năm 1993.
Thế nhưng, đến thời điểm này gần 10 năm đơn vị trên vẫn chưa được giao đất để thực hiện dự án. Công ty Thảo Điền đề nghị có văn bản trả lời để biết được tiếp tục hay ngưng triển khai dự án. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng dịch vụ du lịch Thiên Phát cũng đề nghị tạo điều kiện để sớm triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội cho thuê tại Khu chế xuất Linh Trung 2, giai đoạn 2. Năm 2018, công ty được chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội Khu chế xuất Linh Trung 2 giai đoạn 2 chỉ để cho thuê với quy mô gồm 400 căn hộ với hơn 2.500 chỗ thuê. Nay, Công ty gặp vướng mắc do Ban Quản lý Khu chế xuất Linh Trung 2 chưa thực hiện thủ tục cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” lại yêu cầu Công ty phải thực hiện thủ tục cấp “Giấy chứng nhận đầu tư”.
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở tại thành phố giai đoạn 2021-2025, sẽ phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội, vốn đầu tư 37.693 tỷ đồng. Dự kiến triển khai 47 dự án nhà ở xã hội, trong đó 10 dự án sử dụng 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại. 37 dự án còn lại do doanh nghiệp tự đền bù, thực hiện.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho thuê, cho biết hiện nay doanh nghiệp có 3 dự án nhà ở đang cần tháo gỡ vướng mắc. Đó là dự án nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc, dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo 2. Theo ông Nghĩa, dự án nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc được triển khai xây dựng từ năm 2017 với quy mô 930 căn hộ. Trước đó, Công ty Lê Thành xin chuyển đổi mục tiêu dự án nêu trên từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cho thuê, đã được UBND TPHCM chấp thuận. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất điều chỉnh nội dung quyết định từ hình thức dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho thuê để làm cơ sở ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất. Thế nhưng, lại không khẳng định về thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài, cũng không khẳng định đối với phần diện tích đất 20% được bán thương mại là được miễn tiền sử dụng đất. Từ đó nảy sinh vướng mắc.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội
Ngoài những dự án nêu trên, hiện nay trên địa bàn TPHCM còn nhiều dự án nhà ở xã hội đang bị “thắt cổ chai” nên chậm triển khai. Trước tình trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mong muốn, các sở, ngành, quận/huyện và thành phố Thủ Đức sớm xem xét tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, hoặc thủ tục giao đất cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… nhằm tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Ông Châu thông tin thêm, chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Tạo 2; dự án nhà ở xã hội Nam Lý; dự án nhà ở xã hội cho thuê (giai đoạn 2) Khu chế xuất Linh Trung 2 nếu được tháo gỡ vướng mắc hoàn toàn có thể khởi công xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022. Chỉ với 3 dự án của Công ty Lê Thành, nhà ở xã hội Nam Lý, nhà ở xã hội cho thuê (giai đoạn 2) Khu chế xuất Linh Trung 2 sẽ có thêm 5.209 căn hộ giá rẻ trong năm 2024-2025. Đây chính là nguồn cung căn hộ khá lớn phục vụ tốt cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, thành phố là địa phương có nhiều DN đi đầu trong việc xây dựng nhà ở giá rẻ, kể cả tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch. Nhiều DN tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, trong đó có các dự án nhà ở xã hội cho thuê của Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái… Thế nhưng do vướng mắc chủ yếu trong khâu pháp luật nên một số dự án bị ách tắc chưa thể triển khai.
“Bên cạnh gỡ vướng cho nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị UBND TPHCM phối hợp hoặc chỉ đạo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra. Từ đó, các chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”- ông Châu nói.