Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Để lại dấu chân trên đất Nhật

Hoàng Thu Phố 29/04/2020 09:06

Dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười thường trực, ông Trần Ngọc Phúc - người phát minh ra máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFO dành cho trẻ sinh non - cho người ta cảm giác thật thoải mái khi ngồi trò chuyện. Dù sống xa Tổ quốc hơn nửa thế kỷ nhưng ông vẫn giữ được giọng Huế khá trầm ấm…

Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Để lại dấu chân trên đất Nhật

1. Cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tôi bất ngờ gặp nhà phát minh Trần Ngọc Phúc ở Hà Nội. Khi đó, ông Phúc về Hà Nội không phải để ăn Tết, mà về để ghi hình trong chương trình “Ngày trở về - Mẹ ơi, con là người Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là lần thứ hai ông xuất hiện trong chương trình này. Có thể nói, Ngày trở về là một trong những chương trình được thực hiện công phu, gây xúc động cho người xem. Ở đó hiện lên tài trí Việt Nam trong bản đồ trí tuệ thế giới, hiện lên văn hóa Việt Nam nơi xứ người, và ở đó, còn có những tiếng lòng của những đứa con xa Tổ quốc, luôn hướng về đất Mẹ… Tôi đã theo dõi chương trình đầu tiên có sự tham gia của ông Trần Ngọc Phúc. Đó là dịp Tết năm 2019. Khi ấy, câu chuyện của doanh nhân Trần Ngọc Phúc - một người Việt ở Nhật Bản phát minh ra chiếc máy thở đầu tiên dành cho trẻ sơ sinh đã khiến tôi tò mò muốn tìm ông. Cần nhớ rằng, Nhật Bản là quốc gia có nhiều nhà khoa học, với những phát minh mà thế giới nể phục, thế thì một thực tập sinh người Việt để lại dấu chân mình ở đó quả là một điều phi thường.

Có một câu nói của ông Phúc khiến tôi nhớ mãi: “Tôi quyết định mình phải lựa chọn một con đường, một nội dung công việc mà người Nhật chưa bao giờ làm, như vậy mình mới là người đầu tiên. Khi mình sống tha hương và ở trong nước của người ta, mình phải để lại dấu chân và đường đi của mình”.

Và ông Trần Ngọc Phúc đã bắt tay vào việc, không quản những va vấp nhọc nhằn. Nhưng cũng cần ngược dòng thời gian một chút. Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 trong một gia đình thương nhân khá giả ở Huế. Năm 1968, sang Nhật du học với mong muốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh ở quê hương. Tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai ở Kanagawa, Trần Ngọc Phúc tới làm thực tập sinh, sau đó trở thành nhân viên chính thức ở công ty Senko Medical. Nhưng sự kiện 1975 đã khiến chàng kỹ sư trẻ Trần Ngọc Phúc hoàn toàn mất liên lạc với gia đình. Nhưng nhờ sự động viên của người thầy dạy kiếm đạo mà Trần Ngọc Phúc đã dần lấy lại được thăng bằng. Chàng kỹ sư trẻ cũng tự nhủ con người cũ của mình đã mất và sẽ làm việc như thể vừa được tái sinh…

Thời gian làm thực tập sinh, chàng trai Ngọc Phúc thường khiến các nhân viên đàn anh khó chịu vì suốt ngày bám theo họ để hỏi bằng được những điều chưa hiểu. Sau này, ông đã có hàng chục phát minh cho công ty, giúp tăng năng suất lao động.

Những năm cuối thập niên 1970, đầu 1980, tỉ lệ trẻ sinh non ở Nhật tăng cao. Những chiếc máy hỗ trợ hô hấp thời ấy không giúp được nhiều dẫn tới 90% trẻ sinh non tử vong, số sống sót cũng bị thương tật. Trong những lần đi tới các bệnh viện cùng đồng nghiệp, Trần Ngọc Phúc chứng kiến nhiều em bé sinh non dưới 1kg nuôi trong lồng kính với nhiều thiết bị mà các bác sĩ cài đặt để cố níu từng hơi thở cho các em.

Dù không được đào tạo về y học, nhưng Trần Ngọc Phúc đã quyết định tìm hiểu, chế tạo một chiếc máy trợ thở dành riêng cho các bé sinh non. Tháng 12/1982, ông chế tạo thành công máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation). Chiếc máy đã dành giải nhất cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard. Thiết bị này đã dành lại cơ hội sống cho bao trẻ sinh non.

Năm 1984, Trần Ngọc Phúc rời công ty Senko sau 10 năm làm việc. Ông thành lập công ty thiết bị y tế Metran với bao khó khăn, thử thách. Làm việc trong ngành sản xuất thiết bị y tế, mỗi lần công ty đưa máy mới ra thị trường, Trần Ngọc Phúc luôn là người thử thiết bị đầu tiên. Ông cho rằng chỉ nên chia sẻ với mọi người những gì mình thực sự tâm đắc.

Dù thành công với thiết bị giúp trẻ sinh non, song Trần Ngọc Phúc vẫn tiếp tục nghiên cứu. “Là một nhà khoa học, tôi vui mừng với thành quả của mình nhưng không ngủ quên ở đó quá lâu mà sẽ ngay lập tức tìm kiếm một điều gì đó mới để làm”- ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ. Ông thành lập phòng nghiên cứu Magos để nghiên cứu và phát triển thêm các thiết bị hỗ trợ sức khỏe ngoài trẻ sinh non.

Hiện đã có hàng ngàn chiếc máy HFO được trang bị tại 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Tại Việt Nam, chiếc máy tần số cao đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội cách đây gần 10 năm.

Ông cũng dành thời gian nghiên cứu, cải tiến để máy trợ thở tốt hơn, thuận tiện hơn. Gần đây, Metran cho ra mắt máy thở dành cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với trọng lượng nhỏ gọn. Trong lần trở về Việt Nam dịp tết vừa qua, ông Trần Ngọc Phúc mang chiếc máy thở JFLO dành cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông nói rằng, nguyện vọng từ lâu của ông là làm một cái máy thở cho người Việt Nam. Chiếc máy này rất nhẹ, có thể đeo bên người...

Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Để lại dấu chân trên đất Nhật - 1

2. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cuối tháng 3 vừa qua, thông tin GS Trần Văn Thọ tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) và nhà phát minh Trần Ngọc Phúc sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam khiến nhiều người quan tâm. Khi đó, ông Trần Ngọc Phúc cho biết: “Hiện nay Metran đang có thể triển khai phát triển 2 dòng máy trợ thở để góp vào việc chăm sóc sức khỏe trong đại dịch Covid-19. Không chỉ triển khai ở Nhật Bản mà tôi cũng đang thảo luận nhiều bên để sớm chuyển giao công nghệ này về Việt Nam”. Cũng theo ông Phúc, trong 3 tháng tới, Việt Nam có thể có thêm 2.000 máy thở để điều trị Covid-19. “Những máy thở này sẽ được sản xuất cho riêng Việt Nam với giá mua thấp nhất có thể...”.

Đã sống ở Nhật Bản tới nửa thế kỷ, nhưng hai tiếng “Việt Nam” vẫn luôn vang lên trong trái tim nhà phát minh Trần Ngọc Phúc. Ông muốn phụng sự Tổ quốc, đóng góp cho quê hương thông qua những sáng chế của mình. Khi Covid-19 hoành hành, trên trang cá nhân của ông luôn có những dòng tin ấm áp. Hiện ông cũng là Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Chính sự gắn kết với cộng đồng người Việt ở xứ sở hoa anh đào đã khiến ông có một sợi dây bền chặt với quê hương.

Dù chỉ sống ở Việt Nam 20 năm, nhưng ông Phúc quan niệm, đó là nền tảng căn bản, ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời của ông mãi tới tận hôm nay. Những món ăn, cách ứng xử của người Việt, những nụ cười và ánh mắt tất cả đều thấm sâu vào cốt tủy bên trong, và ảnh hưởng sâu đậm vào lối sống của ông. Nhưng sống ở Nhật lâu, cũng khiến ông học được một triết lý sống của người Nhật, đó là coi trọng tình và nghĩa. “Nếu như tình có thể khiến ta hành động thiên về cảm xúc thì nghĩa chính là cái để giữ cho con người mình đi đúng đường và đi được lâu dài”- ông Phúc tâm niệm.

Trong dấu ấn cuộc đời của nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, có nhiều dấu mốc quan trọng. Nhưng có lẽ ông sẽ không bao giờ quên năm 1986, lần đầu tiên sau 18 năm, ông được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Cũng bắt đầu từ đây, những cuộc trở về của ông Phúc trở nên đều đặn hơn, và cũng giúp ông hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn mà đội ngũ y bác sĩ trong nước đang phải đối mặt. Khi quay lại Nhật Bản, bằng uy tín của mình, ông đã làm cầu nối để xin hỗ trợ những thiết bị y tế cho Việt Nam từ các bệnh viện của Nhật Bản. Năm 1986, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở cao tần số do công ty ông tài trợ.

Cũng có một sự kiện khác mà ông Phúc thường hay kể để minh chứng cho việc “để lại dấu chân mình trên đất Nhật”. Đó là năm 2012, doanh nghiệp Metran của ông được lựa chọn là một trong ba doanh nghiệp được đón tiếp Nhật Hoàng Akihito đến thăm. Đây là vinh dự rất lớn, bởi Nhật Hoàng chỉ viếng thăm duy nhất một lần trong năm một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật. Theo ông Trần Ngọc Phúc, “được gặp Nhật Hoàng là ước mơ của người dân Nhật. Với tôi, được hướng dẫn ông tham quan nhà máy trong hơn một tiếng đồng hồ quả là vinh dự quá lớn. Có thể nói, đó là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của Metran”.

Với nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, đã dấn thân vào làm khoa học, phải nghiên cứu cái gì mà người ta chưa làm. Chiếc máy trợ thở tần số cao là câu trả lời cho nỗ lực và cũng là triết lý sống của nhà khoa học này. Trong suốt mấy chục năm qua và cả trong quãng đời còn lại của mình, ông Trần Ngọc Phúc chỉ tập trung vào chiếc máy thở thay vì đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm khác. Ông muốn cống hiến cho xã hội một sản phẩm ngày càng tối ưu hơn, để có thể sử dụng thuận tiện và dễ dàng hơn… Bởi ông quan niệm, “linh hồn của tác phẩm được chắt lọc từ chính con người”.

Với những đóng góp cho ngành y tế tại Nhật Bản, năm 2018, Trần Ngọc Phúc được nhận Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng bạc…

Tôi quyết định mình phải lựa chọn một con đường, một nội dung công việc mà người Nhật chưa bao giờ làm, như vậy mình mới là người đầu tiên. Khi mình sống tha hương và ở trong nước của người ta, mình phải để lại dấu chân và đường đi của mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Để lại dấu chân trên đất Nhật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO