PGS.TS - nhà phê bình Bùi Việt Thắng luôn tạo cho người ta cảm giác ấm áp, gần gũi mỗi khi gặp gỡ. Một ánh mắt nheo cười tươi tắn. Bàn tay ấm lòng, giọng nói nhỏ nhẹ thậm chí chỉ nụ cười hiền đã thấy thân thiện.
Viết như một... mệnh lệnh
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng luôn bám sát đời sống văn học từng ngày, rất nhiều tác giả và tác phẩm ông quan tâm và biết bài nghiên cứu phê bình, có khi chỉ vài câu gộp chung người này với người khác mà giới sáng tác chúng tôi luôn thấy ở đó những thanh âm hữu ích.
Bùi Việt Thắng viết rất tinh, nhất là mảng văn học đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông cùng với GS Đinh Xuân Dũng là những người theo sát và viết nhiều về mảng đề tài này.
Để có được thành tựu là những đầu sách dày dặn, Bùi Việt Thắng đã phải đọc rất nhiều, đọc các khu vực khác nhau trong nước và ngoài nước để đối sánh và chỉ ra những điều căn cốt nhất.
Ông viết rủ rỉ rù rì mà rất đỗi mạch lạc, phong quang. Văn phong phê bình của Bùi Việt Thắng vừa có giọng chính luận vừa có sự mềm mại, linh hoạt với từng tác giả và tác phẩm.
Viết về Lê Lựu chẳng hạn, Bùi Việt Thắng đã nhận diện và khẳng định tài hoa của Lê Lựu không phải nằm ở trong câu chữ mà là nằm trong tư tưởng sâu sắc khi đột phá, làm chuyển động, đặt dấu mốc của văn học thời kỳ Đổi mới với “Thời xa vắng” - cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Lê Lựu cũng là của thời kỳ Đổi mới. Như thế đủ thấy, tình cảm và trách nhiệm, bản lĩnh và “con mắt xanh” nghệ thuật với một tác giả cụ thể, một giai đoạn văn học cụ thể.
Bùi Việt Thắng từng trả lời phỏng vấn rằng: Tôi là người yêu nghề, tận tụy vì nghề nên cũng có cái cảm giác cô đơn như người sáng tác khi viết. Tôi viết trước hết cho học trò của tôi có cái để đọc, để học. Viết với tôi như một mệnh lệnh của trái tim, như một sự thôi thúc không cưỡng được của nghề nghiệp. Những gì tôi viết được, có cái được, cái chưa được. Nhưng mặc lòng, tôi cứ viết vì nghĩ rằng "có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”.
Tôi nghĩ rằng, một nhà phê bình đã đành phải viết về những tác giả đã trở thành lịch sử của văn học, nhưng viết và phát hiện những cây bút mới cũng là điều nên làm, họ mới là những người cần phải có một động lực để phát triển tài năng hoặc, nếu họ không có tài thì cũng nên dừng lại để làm một công việc khác hơn là theo đuổi nghiệp văn chương vốn dĩ rất nhọc nhằn. Tôi không có bất cứ một thứ "mác" gì ngoài niềm kiêu hãnh được làm một người bình thường, chân chính, hữu ích. Bởi vì tôi có học trò của mình.
Bạn bè quen thân hoặc giả ai đó cố gắng hiểu tôi, chợt có lúc họ đưa ra một nhận xét nghĩ cũng thú vị - tôi là "một người Việt trầm lặng". Mà tôi trầm lặng thật. Thậm chí tôi không bao giờ "làm duyên" cốt để nổi tiếng. Làm một người bình thường khó hay dễ, tôi nghĩ là tùy từng người, vì số phận không ai giống ai. Giờ đây ở tuổi trên bảy mươi, tôi vẫn nghĩ mình là một người bình thường. Nhưng làm một người bình thường là khó. Đúng như triết lý "làm người là khó".
Ông nói như vậy không phải là quá khiêm tốn mà chính là sự trung thực của Bùi Việt Thắng. Cách lao động của Bùi Việt Thắng trong nghề nghiệp khiến lứa nhà văn đồng thời với tôi rất tín nhiệm ông. Ông viết gì về chúng tôi cũng đều thẳng thắn và trung thực, căn cứ trên văn bản các tác phẩm mà viết đúng với bản chất vốn có, không thêm thắt những gì nằm bên ngoài, càng không bỏ sót những thanh âm hữu ích từ bên trong, những hạt vàng ẩn khuất của tác phẩm.
Ông viết luôn khiến mọi người yên tâm vì sự chừng mực và tính khung khổ của một nhà giáo mực thước. Viết phê bình nếu không dựa vào nền tảng ấy sẽ rất dễ bốc đồng yêu ghét cá nhân, đậm tính chủ quan khiến người đọc dễ lầm tưởng mông lung không biết đâu là thật giả. Bùi Việt Thắng sở dĩ được giới nghiên cứu phê bình và nhất là giới nhà văn trân trọng chính là sự khách quan và tấm lòng liên tài vị nghệ thuật, vị nhân văn của ông.
Người chăm "gạn đục khơi trong"
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng sinh ngày 1/10/1951 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp loại ưu khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại trường, trở thành giảng viên của khoa từ năm 1974 cho đến khi nghỉ hưu (năm 2011).
Ông là tác giả của các đầu sách tiêu biểu như: "Bình luận truyện ngắn" (Tiểu luận - Phê bình); "Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại" (Chuyên luận); "Tiểu thuyết đương đại" (Tiểu luận - Phê bình). Biên soạn các cuốn sách như "Bàn về tiểu thuyết"; "Văn học Việt Nam 1945-1954"; "Truyện ngắn hiện thực 1930 - 1945"; "Anh Đức - Về tác gia và tác phẩm", "Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội"... và gần 20 đầu sách viết chung.
Tuy số lượng không mang tính quyết định tầm vóc của một nhà phê bình, song một nhà phê bình, nhất thiết phải viết ra nhiều đầu sách mới từng bước khẳng định vị trí riêng biệt mà nhất là phải có những đóng góp mang dấu ấn cá nhân thì chỉ có thể thể hiện trong các tập sách.
Bùi Việt Thắng lúc nào cũng cần mẫn và chăm chỉ trong các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm về văn học nghệ thuật về các ngành khoa học xã hội nhân văn. Tiếng nói của ông ở đây luôn thể hiện sự nghiêm túc, tài hoa và có bản sắc riêng.
Trong các cuộc tôi cùng dự với ông, nghe ông và mọi người phát biểu, càng thấy trong sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta hôm nay rất cần tiếng nói nghiêm túc của phê bình trên tinh thần đồng hành, sáng tạo và đồng thuận phấn đấu tiến tới các giá trị thẩm mỹ nhân văn của con người Việt Nam từ các sáng tác văn học nghệ thuật. Đây là vấn đề rất lớn và rất khó, nói thì dễ đấy, nhưng để thực hiện được, để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao thật khó biết bao.
Bùi Việt Thắng có cách làm việc riêng, song tôi luôn cho ông là người thực hành văn học nghệ thuật theo cách thức thực tế nhất. Các bài viết của ông, dù một bài điểm sách ngắn hoặc một công trình nghiên cứu dày dặn, đều được viết ra trên tinh thần trách nhiệm rất cao. Cái cách ông gạn đục khơi trong cũng thần tình lắm.
Chúng ta tuy mong mỏi có những tác phẩm thật lớn, nhưng cũng phải hiểu rằng, những tác phẩm văn học nghệ thuật đã xuất hiện cũng rất đáng trân trọng. Đừng đòi hỏi quá sức ở người sáng tác cũng như đừng đòi hỏi phải có thiên tài phê bình văn học nghệ thuật.
Chúng ta hãy bằng lòng và tự hào với những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta. Không ở đâu xa, chỉ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội với nhiều tên tuổi văn học đã được đặt tên phố, tên đường, tên trường học như: Nguyễn Thi, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Phùng Quán, Xuân Thiều... đáng để chúng ta tự hào lắm chứ. Những “Núi Đôi”, “Đồng chí”, “Mùa lạc”, “Mảnh trăng cuối rừng”, “Đất nước đứng lên", “Việt Nam trên đường chúng ta đi”... cũng đáng để chúng ta tự hào lắm chứ. Đất nước của chúng ta, nhân dân của chúng ta đã dịu mát và yêu thương nhau hơn từ những tác phẩm văn học nghệ thuật của các thế hệ văn nghệ sĩ trong thời đại của chúng ta.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng với những chặng đường đã qua và chặng đường đang bước phía trước luôn cho giới sáng tác chúng tôi, nhất là những người trẻ tuổi sự cảm thông sâu sắc và niềm tin lớn trước trang giấy trắng. Mỗi trang viết của chúng tôi, đều như được ông chia sẻ, đồng hành với nụ cười thân thiện, tươi xanh.
Tôi không có bất cứ một thứ "mác" gì ngoài niềm kiêu hãnh được làm một người bình thường, chân chính, hữu ích. Bởi vì tôi có học trò của mình. Bạn bè quen thân hoặc giả ai đó cố gắng hiểu tôi, chợt có lúc họ đưa ra một nhận xét nghĩ cũng thú vị - tôi là "một người Việt trầm lặng". Mà tôi trầm lặng thật. Thậm chí tôi không bao giờ "làm duyên" cốt để nổi tiếng. Làm một người bình thường khó hay dễ, tôi nghĩ là tùy từng người, vì số phận không ai giống ai. Giờ đây ở tuổi trên bảy mươi, tôi vẫn nghĩ mình là một người bình thường. Nhưng làm một người bình thường là khó. Đúng như triết lý "làm người là khó".
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng