Nhà phê bình văn chương Hoài Nam: Xã hội luôn có những cái ngưỡng

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 13/05/2017 09:00

Không phải vì lượng người thích làm thơ tăng lên nên chất lượng thơ giảm sút. Hai điều này không liên quan nhau. Có lẽ phải diễn đạt thế này thì sẽ chính xác hơn: vì lượng người thích làm thơ tăng lên nhưng nảy ra quá ít thi sỹ đích thực trong số đó – tôi nhấn mạnh mấy chữ “thi sỹ đích thực” - nên chất lượng thơ vẫn cứ mãi làng nhàng cỏ rả thế thôi- Nhà phê bình văn chương Hoài Nam

Nhà phê bình văn chương Hoài Nam.

Hồng Thanh Quang: Anh nghĩ thế nào về những cái gọi là sự cố “sai chữ sai hình” trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu vào dịp Nguyên tiêu? Có lý do gì dễ hiểu để giải thích chuyện này không?

Hoài Nam: “Sai chữ sai hình” trong ngày thơ Việt Nam vừa rồi đương nhiên là một sự cố. Những người tổ chức không muốn, công chúng cũng không muốn, nhưng nó vẫn xảy ra. Thế bây giờ quy lỗi cho ai? Tôi cho rằng, trong câu chuyện này, nguyên nhân chủ yếu là do “người nhầm việc”, hoặc “việc nhầm người”. Các nhà thơ nắm vai trò tổ chức của chúng ta rất thông minh, ai là ai, họ biết hết cả đấy, không nhầm lẫn đâu. Nhưng khi họ để/ bỏ trận địa cho những kẻ tay ngang – có thể nói luôn, “trận địa” ở đây là công việc thiết kế trưng bày tại không gian Văn Miếu trong ngày thơ vừa rồi, một công việc chắc là cũng phải tốn kha khá ngân khoản - thì sự thể ắt sẽ diễn ra như vậy. Với công chúng nói chung, nhầm lẫn ấy chỉ có cắt nghĩa bằng hai từ “tắc trách” và “bất cẩn”, không thể khác. Tôi nghĩ như vậy.

Anh có tham dự hội thơ vừa rồi không? Nói chung, những năm gần đây, các hội thơ có còn cuốn hút anh không?

- Ngày thơ vừa rồi tôi không tham gia. Cũng xin được chia sẻ với anh Hồng Thanh Quang một chi tiết: lần duy nhất tôi tham gia Ngày thơ là năm 2007, tham gia là hoàn toàn bởi… trẻ người non dạ, ham vui mà thành. Năm ấy là năm đầu tiên có “sân thơ trẻ” tại Văn Miếu bên cạnh “sân thơ già” đã có trước đó, tôi cùng nhà thơ Dạ Thảo Phương giữ vai trò là những người dẫn chương trình. Sau lần đó là thôi, kể cả chỉ đến để ngắm cảnh hội hè đông vui tấp nập. Nói chung, đây là câu chuyện cá nhân thôi, tôi vốn không ưa những chốn đông người, càng không thích những chốn đông người nhân danh Thơ.

Người sáng tạo có nhất thiết phải cần đám đông không?

- Để trả lời cho câu hỏi này, tôi nghĩ, chỉ cần dẫn ra tên một tiểu luận của nhà thơ Chăm Inrasara là đủ: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”. Đã là thế, thì người sáng tạo còn tham hơi hướng đám đông để làm gì?

Thì tôi vẫn thấy có người cho tới hôm nay vẫn phê phán câu thơ của Xuân Diệu: “… Không có ai bè bạn nổi cùng ta…” Nhưng thôi, chúng ta sẽ không triển khai tiếp chủ đề nỗi cô đơn cần có cho người sáng tạo… Một số người gần đây cứ kêu ca là chúng ta đang lạm phát thơ, lạm phát những người thích làm thơ… Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lạm phát thơ còn hơn là lạm phát các hành vi phạm tội, lạm phát những thứ xám xịt vẫn được coi là “văn xuôi của đời sống”. Anh lựa chọn cách nhìn nào? Cũng phải nói luôn là tôi cũng không thích cách nghĩ rằng Việt Nam là “vương quốc của thi ca”…

- Tôi đồng ý với anh, đương nhiên lạm phát thơ dù sao cũng còn hơn lạm phát các hành vi phạm tội (kiểu như cướp, giếp, hiếp, tham nhũng, lừa đảo, trốn thuế, hối lộ…). Vì, cùng lắm thì lạm phát thơ bây giờ cũng chỉ khiến cho số lượng người được hoặc tự gọi là nhà thơ đột ngột đông hơn lên mà thôi. Nó không làm hỏng thẩm mỹ thơ ca của công chúng nhiều lắm đâu, vì dù sao thì thẩm mỹ ấy cũng đã đủ hỏng rồi. Nó cũng không trở thành thủ phạm ngốn nuốt xenlulo khủng khiếp cho việc in các thi tập như trước nữa, vì giờ đây người ta đã có thể đăng thơ trên facebook, quá tiện. Còn về chuyện Việt Nam là một “thi quốc”, như người ta vẫn thường nói ầm lên – cứ làm như các nước khác khinh thường thơ ca lắm vậy - và như anh vừa bày tỏ sự không thích của mình, thì tôi nghĩ có khi Việt Nam lại là một “truyện quốc” cũng nên? Trình bày việc này cho cụ thể ở đây, lúc này, ắt sẽ khá dài dòng, nên nếu được, xin hẹn với anh Hồng Thanh Quang bằng một bài viết về nó trên “Tinh hoa Việt”. Hy vọng anh không từ chối.

Hiển nhiên là không từ chối... Tôi nghĩ rằng không chỉ với cá nhân tôi, đó là một chủ đề cực kỳ thú vị.

- (Cười):

Nước Việt của chúng ta có thể là một “thi quốc”, cũng có thể là một “truyện quốc”. Và xét theo thực tế hiện nay, cũng có thể là một quốc gia của những lễ hội. Tuy nhiên, có người bảo môi trường tinh thần và văn hóa của chúng ta hiện nay đang bị suy thoái, cho nên các lễ hội cũng bị nhuốm nhiều hơn những màu sắc bị coi là không lành mạnh. Và thơ cũng thế. Vậy tại sao số lượng những người thích làm thơ vẫn tăng lên? Và phải chăng vì như thế nên chất lượng thơ nói chung cũng bị suy giảm?

- Thưa anh Hồng Thanh Quang, biết đâu đấy, cái sự việc lượng người thích làm thơ vẫn tăng lên trong bối cảnh một môi trường văn hóa xã hội đang có chiều suy thoái (như anh nói) lại chính là một trong những dấu chỉ tố cáo sự suy thoái tinh thần? Chuyện này ông Nguyễn Huy Thiệp đã nói vài lần, và nói rất sắc sảo, nên tôi không bàn thêm. Về ý thứ hai trong câu hỏi của anh, thì quan điểm của tôi ngắn gọn như sau: không phải vì lượng người thích làm thơ tăng lên nên chất lượng thơ giảm sút. Hai điều này không liên quan nhau. Có lẽ phải diễn đạt thế này thì sẽ chính xác hơn: vì lượng người thích làm thơ tăng lên nhưng nảy ra quá ít thi sỹ đích thực trong số đó – tôi nhấn mạnh mấy chữ “thi sỹ đích thực” - nên chất lượng thơ vẫn cứ mãi làng nhàng cỏ rả thế thôi.

Anh bình luận thế nào về câu nói được coi là phát ngôn của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mỗi nhà thơ chỉ nên làm một bài thơ... hay”?

- Thực sự thì tôi cũng không rõ câu “Mỗi nhà thơ chỉ nên làm một bài thơ hay” có phải phát ngôn của anh Trần Đăng Khoa không? Nhưng điều ấy không quan trọng, vì cái ý nhấn mạnh rằng thơ “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, rằng mỗi nhà thơ mà có một bài thơ hay, có thể đứng được với thời gian thì cũng đủ hạnh phúc lắm rồi, thì là ý nhiều người đã nói. Tuy nhiên tôi lại muốn nhìn chuyện này theo cách khác.

Sáng tạo, chắc anh đồng ý với tôi, là một quá trình liên tục. Nhưng có khá nhiều trường hợp cho chúng ta thấy rằng người sáng tạo đã không vượt qua được chính thành công của mình để tiếp tục quá trình. Không phải anh ta không có tài hay bị hụt hơi đâu, mà cứ như thể là định mệnh bắt phải thế. Lúc ấy, liệu có phải cái thành công kia, cái “một bài thơ hay” kia cũng chính là cái gông cái cùm với bản thân người sáng tạo hay không? Nhà thơ, “phu chữ” Lê Đạt đã từng viết về nhà thơ Thôi Hiệu trong truyện ngắn có tên “Lầu hạc vàng” với cái ý bi kịch như vậy đấy, thưa anh Hồng Thanh Quang. Bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu hay đến mức nó cũng trở thành nấm mồ chôn luôn đời làm thơ của ông ta khi nó trở nên nổi tiếng, cho dẫu sự thực là sau đó ông ta vẫn tiếp tục làm thơ.

Nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko từng viết “Nhà thơ ở nước Nga, còn hơn là thi sĩ”. Tôi không hoàn toàn nghĩ thế nhưng thực sự tôi rất dị ứng với lối tư duy cho rằng, nhà thơ chỉ biết làm thơ thôi, còn dính vào việc gì khác cũng đều hỏng. Vấn đề là nhà thơ nào, chứ không phải tất cả các nhà thơ đều thế. Nhà thơ như Pablo Neruda ở Chile từng là một đại sứ thành công, một chiến sĩ cộng sản kiên định chống độc tài cho tới phút cuối cùng… Đúng vậy không anh?

- Tôi đồ đoán, khi Evtushenko viết câu ấy, là ông ta viết từ chính thân phận thi sỹ của mình và của một vài thi sỹ khác cùng thời. Họ là ai? Là số ít người có tài năng thơ ca đặc biệt, và phần nào cũng may mắn được nhận sự ứng xử đặc biệt của toàn thể xã hội, trước hết của chính những người cầm quyền. Nên họ có quyền nói vậy. Nhưng nếu là như vậy, thì đâu phải chỉ ở Nga thời Evtushenko mới có chuyện “là thi sỹ nghĩa là còn hơn cả thi sỹ”. Lý Bạch cũng có thể nói thế về thi sỹ ở Trung Quốc thời Đường, Victor Hugo hay Goethe cũng có thể nói thế về thi sỹ ở Pháp và ở Đức trong thời của các ông ấy. Tản Đà ở Việt Nam cũng là thi sỹ được cưng chiều hết mức trong khoảng từ 1920 đến 1930 đấy chứ. Nhưng, tôi nhấn mạnh, họ là những thi sỹ thuộc về số ít, là loại nhà thơ siêu đặc biệt. Chẳng có mấy người trên đời được như thế đâu.

Và từ những ví dụ này sẽ dẫn sang nội dung thứ hai trong câu hỏi của anh, đó là sự can dự của nhà thơ và của thơ trong đời sống. Trước hết, nếu bảo rằng đã là nhà thơ thì chỉ nên làm thơ thôi, đừng tham gia bất cứ hoạt động xã hội nào khác ngoài thơ, vì họ sẽ làm rất dở, thì hoặc đó là câu người ta tiện miệng nói vui, hoặc đó là một nhận định cực kỳ nghiêm túc trong sự hời hợt tuyệt vời. Bởi trên thực tế, có không ít người sở hữu sự đa dạng về năng lực cá nhân. Họ là những nhà thơ nhà văn “có cỡ” trong khi vẫn không thôi là những nhà khoa học, những bác sỹ, những luật sư, những kỹ sư, những doanh nhân, những nhà quản lý xã hội, thậm chí là cả những chính khách thành công.

Anh Hồng Thanh Quang đã lấy ví dụ Pablo Neruda, nhà thơ – nhà ngoại giao – chiến sỹ cộng sản người Chile; còn tôi lại nghĩ tới một trường khác: Havel Vaclav, nhà viết kịch – nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa - tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc sau những chính biến ở Châu Âu nửa sau thế kỷ XX. Với những con người mang kích cỡ ấy, bắt họ chỉ làm thơ mà thôi (giả sử thế) thì thật là điều ác nghiệt, vì người ta sẽ bé nhỏ hóa, tầm thường hóa họ lại. Thứ hai, bản thân việc làm thơ (làm văn chương nói chung) cũng đã chính là một can dự xã hội rồi. Trong công trình “Văn chương là gì?”, Jean Paul Sartre có ý cho rằng: mỗi chữ được viết ra chính là một viên đạn đã được bóp cò, người ta phải nhằm vào cái gì đó, chứ không bóp cò vu vơ chỉ để nghe tiếng nổ. Khi anh viết ra, thế giới đã không còn như trước nữa, và anh không thể nói rằng anh vô can về điều đó. Hãy nhớ lại, tôi chỉ lấy một ví dụ thôi nhé, bài ký “Đường chúng ta đi” của nhà văn Nguyên Ngọc thời chống Mỹ. Bài ký tuyệt hay này rõ ràng mang sức mạnh của lời hiệu triệu, lời thôi thúc, giục giã, động viên bao con người trẻ tuổi thời đó xung phong ra trận mà lòng không hề run sợ. Vậy đó có phải vấn đề xã hội không? Thế nào mà lại có thể nói “các nhà văn nhà thơ chỉ nên lo chuyện sáng tác thôi, đừng dính dáng quá sâu vào các vấn đề xã hội” được nhỉ?

Nhà phê bình văn chương Hoài Nam và nhà thơ Hồng Thanh Quang.

“Nay ở trong thơ nên có thép…” Điều đó quá đúng rồi. Nói cho cùng, ở thời nào cũng thế, thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung, cũng giống như tín ngưỡng, không nên và không được đứng bên lề cuộc sống. Ở những thập niên giữa thế kỷ XX, ý tưởng này đặc biệt được phổ cập. Tôi còn nhớ một nhà thơ Ba Lan khá nổi tiếng từng viết: “Tôi bổ thơ tôi vào đất, như bổ cuốc…” Thế nhưng, thời gian gần đây lại có ý tưởng nổi lên là, các nhà văn nhà thơ chỉ nên lo chuyện sáng tác thôi, đừng dính dáng quá sâu vào các vấn đề xã hội. Anh nghĩ thế nào về câu chuyện này? Ở Việt Nam ta những thập niên gần đây, theo quan sát của anh, những văn nghệ sĩ nào có thể được coi là thành công không chỉ trong sáng tạo mà cả trong các hoạt động xã hội?

- Có nhiều cách quan niệm về sự thành công. Lại nữa, người đã/ đang thành công quan niệm về sự thành công chắc cũng sẽ khác quan niệm của người chưa/ không thành công. Về phía tôi, nếu phải lấy ví dụ, tôi nghĩ đến vài người, cả quen biết và cả biết nhưng không quen. Như kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa hay nhạc sỹ Đức Trí, chẳng hạn. Là những nghệ sỹ đầy tài năng và nổi tiếng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng họ cũng rất thành công về mặt kinh doanh. Nhà văn Hồ Anh Thái là một ví dụ khác: viết nhiều, in nhiều, người đọc nhiều, được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều, và vẫn cứ ung dung Phó đại sứ Việt Nam hết ở Iran lại đến Indonesia. Hay nhà văn, họa sỹ Đỗ Phấn: vẽ nhiều viết nhiều uống cũng nhiều, mà lúc nào cũng đủng đỉnh thảnh thơi, vuốt râu tủm tỉm ra điều cao bồi già nhàn nhã. Hay nhà văn Chu Lai: cũng viết nhiều, in nhiều, người đọc nhiều, giờ ông lại kiêm thêm nghề ngồi Ban giám khảo cho hết Liên hoan phim quốc gia này đến Hội diễn sân khấu toàn quốc kia. Gần đây nhất, ông còn được nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, tức cái nơi mà ông đang có chân Chủ tịch hội đồng văn xuôi. Thế đã gọi là thành công được chưa anh?

Ít ra thì nhiều người muốn được như thế lắm. Nhưng thành thực mà nói, coi là thành công hay chưa thì cũng tùy ở góc nhìn… Có cách phân chia một cách tương đối như sau: nhà chính trị phải sắp đặt xã hội, nhà văn chăm sóc phần “vệ sinh” tâm hồn cho con người. Nhà quản lý xã hội lo lắng cho mọi sự càng nghiêm ngắn càng tốt, còn nhà văn thì càng làm cho suy nghĩ và hành động của con người thăng hoa hơn càng hay. Và chúng ta phải coi là bình thường nếu như đôi khi hai lĩnh vực này không hẳn đã trùng khít được với nhau. Đó là sự mâu thuẫn mang tính biện chứng, cần được đưa đẩy theo hướng xây dựng cái chung chứ không phải để nó trở thành đối kháng. Có đúng vậy không anh?

- Nếu anh Hồng Thanh Quang không giận, tôi xin được phép nói thật. Tôi thấy cái giả định về sự phân công chức năng xã hội mà tôi vừa nghe, nó giống như một kịch bản đậm chất… thơ, do một nhà thơ vô cùng đậm chất lãng mạn viết ra. Thứ nhất, đúng là nhà chính trị/ nhà quản lý thì phải luôn lo lắng tổ chức sắp đặt mọi chuyện trong đời sống xã hội sao cho càng nghiêm ngắn càng tốt (nghiêm ngắn theo quan niệm của anh ta, đương nhiên). Luật pháp, cơ chế giám sát thi hành luật và các chế tài xử lý vi phạm luật được đẻ ra vì thế. Thế nhưng, để cho tất cả mọi người trong xã hội cùng đi vào khuôn khổ của sự nghiêm ngắn này một cách… vui vẻ hồ hởi, thì lại cần đến những một loạt những việc phải làm như giáo dục, tuyên truyền, nêu gương, tạo hình ảnh, động viên, cổ vũ v.v… người ta. Nghĩa là, nhà chính trị/ nhà quản lý cũng phải, buộc phải, can dự vào chính cái việc như anh nói về chức năng của nhà văn, tức là “chăm sóc vệ sinh cho tâm hồn con người”, và đây là một thực tế phổ biến ở mọi xã hội đã định hình tổ chức nhà nước.

Thứ hai, đúng, nhà văn là người góp phần nào đó “chăm sóc vệ sinh cho tâm hồn con người”. Nhưng về cách “chăm sóc vệ sinh cho tâm hồn con người” thì không phải nhà văn nào cũng giống nhau và cũng giống cách của nhà chính trị/ nhà quản lý. Nếu tất cả đều đồng thuận, thì… chẳng còn có gì để phải nói nữa, xã hội ắt là đã thái bình như thời vua Nghiêu vua Thuấn rồi. Nhưng oái oăm là mâu thuẫn vẫn diễn ra như một thực tế không thể tránh khỏi, thậm chí, không thể giải quyết…

Cách phân chia trên không phải là của một nhà thơ mà là của một nhà văn lớn, rất sắc sảo và tinh đời. Ít ra thì theo trí nhớ của tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có lần nói như thế trong một lần trò chuyện. Nhưng mặc dù thế, chúng ta, anh và tôi, cũng đều có quyền đồng tình hay phản bác. Nói chung, người sáng tạo nào cũng “nghĩ theo cách của riêng mình”. Làm gì để những cái riêng, độc đáo và nhiều lúc tài hoa đó không trở thành những lý do để làm xã hội trở nên rắc rối hơn? Quan điểm của người sáng tạo về vấn đề này nên là như thế nào? –Cũng phải nói thêm rằng, người sáng tạo hay cực đoan. Nếu cực đoan trong sáng tạo thì không sao nhưng đưa thái độ đó vào đánh giá xã hội thì rất bất cập, thậm chí chắc chắn là có hại…

- Tôi xin được trả lời ngay với anh Hồng Thanh Quang: không phải người sáng tạo nào cũng nghĩ theo cách của riêng mình, và không phải người sáng tạo nào cũng cực đoan. Ngược lại là đằng khác: rất nhiều người sáng tạo chỉ nghĩ trong những điều người khác nghĩ, và họ tôn thờ chủ nghĩa trung bình cộng an toàn như một lý tưởng để sống và… sáng tạo. Anh hẳn là còn nhớ cái bài “Hãy viết lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” mà nhà văn Nguyễn Minh Châu viết lúc cuối đời? Cùng cực đau khổ và dằn vặt đến điều là bởi ông nhận thấy hầu hết “chúng ta”, chữ của Nguyễn Minh Châu, đã chỉ dám nghĩ trong những điều người khác nghĩ và “chúng ta” luôn đeo bám lấy sự an toàn. Vì thế, “nghĩ theo cách của riêng mình” và “cực đoan”, theo tôi, chính là những dấu chỉ cho thấy - hoặc diễn đạt cách khác, những phẩm chất làm nên – một người sáng-tạo-đích-thực, chứ không phải một người ngụy-sáng-tạo. Tài năng thì đương nhiên phải là phẩm chất hàng đầu với người-sáng-tạo đích-thực rồi, nhưng chuyện đấy ta không bàn ở đây. Cái đáng bàn là người sáng tạo - ta đang nói tới người sáng tạo nghệ thuật, phải không anh? - với cách nghĩ riêng và sự cực đoan vốn có của mình, chắc chắn sẽ luôn khiến cho xã hội trở nên “rắc rối” hơn. Bởi anh ta khuấy đảo sự yên bình cố hữu, anh ta đập vỡ các thói quen đã đóng khuôn, anh ta gây hấn bằng cách bắt thiên hạ phải thay đổi cách nhìn, cách nghe, cách cảm, cách nghĩ dưới tác động của sản phẩm do chính anh ta làm ra.

Ví dụ ư? Những truyện ngắn xuất hiện vào cuối những năm 1980 của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn: “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”, “Không có vua” v.v… một loạt những “thứ ấy” đã chẳng khiến cho văn đàn Việt Nam lúc ấy trở nên vô cùng “rắc rối” đó sao anh? Tôi cho đấy là sự rắc rối rất cần thiết để một nền văn chương có thể khẳng định rằng mình đang sống. Và như thế, tại sao chúng ta lại đặt ra vấn đề phải làm gì để ngăn người sáng tạo nghĩ theo cách riêng của mình? Đấy là định mệnh của những người sáng-tạo-đích-thực.

Tuy nhiên, tôi đồng ý với anh, có lẽ chỉ nên nghĩ theo cách của riêng mình và cực đoan như vậy trong sáng tạo nghệ thuật mà thôi. Đi vào cuộc đời thực tế lại là một câu chuyện khác. Karl Marx từng nhận định: “Con người, trong tính hiện thực của nó, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Xã hội, để tồn tại được, luôn có những cơ chế điều chỉnh mọi sự thái quá, cực đoan, luôn có những cái ngưỡng. Và anh, bất kể anh là ai, anh phải biết đến những cái ngưỡng ấy để tự điều chỉnh mình. Anh không biết ắt nó sẽ dạy cho mà biết. Chuyện này có lẽ chỉ cần hình dung đơn giản như vậy thôi.

Có người cho rằng, những năm gần đây, các nhà văn Việt Nam đi quá sâu vào các vấn đề đời thường nên đã tạo ra không được nhiều những tác phẩm lớn. Đúng hay sai? Và nói chung, trong giai đoạn hiện nay, văn học của chúng ta có những tác phẩm lớn, những tác phẩm đỉnh cao hay không? Anh có thể trả lời câu hỏi này với tư cách một người nghiên cứu và theo dõi khá sát sao tình hình văn học nước nhà?

- Nói rằng những năm gần đây văn chương Việt Nam không có những tác phẩm lớn là vì các nhà văn Việt Nam chỉ, và thực sự là đã đi quá sâu vào các vấn đề đời thường, theo tôi, là một nhận định hàm hồ xuất sắc. Đúng là đã có nhiều tác phẩm lớn, trước hết, bởi chúng nhằm vào những đề tài lớn, như dân tộc và thời đại, chiến tranh và hòa bình, tôn giáo và tình yêu, lịch sử lâu dài của một quốc gia nhiều xáo trộn v.v… Nhưng còn có gấp nhiều lần hơn thế những tác phẩm bé tí, dù nhà văn cũng viết về chính những đề tài ấy. Mặt khác, chắc anh Hồng Thanh Quang nhớ, bà Alice Munro, nữ nhà văn người Canada đã được trao giải Nobel văn chương danh giá chỉ bằng những truyện ngắn viết về những gì hết sức lặt vặt tủn mủn diễn ra hàng ngày ở trong bếp, trong phòng khách, trên giường, ngoài vườn, trên đường đi học đi chợ v.v… Vậy thì vấn đề là ở tài năng của người viết, ở cái cách anh ta nghĩ về thế giới anh ta đang sống và về chính bản thân mình như thế nào, chứ không phải ở tầm cỡ của cái được viết, phải không anh?

Tiếp tục, anh hỏi trong giai đoạn hiện nay văn chương của chúng ta có những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao hay không? Thì trước hết, tôi xin phép được nói một vài suy nghĩ cá nhân về cụm từ “tác phẩm đỉnh cao” đã. Tôi không rõ cụm từ này ra đời từ khi nào, nhưng chắc là chưa lâu đâu, và chắc chắn nữa, nó là nỗi lo lắng của một vài quan chức lãnh đạo văn nghệ, những người rất biết cách thành lập và phân phối những cái gọi là “dự án đầu tư cho sáng tác các tác phẩm đỉnh cao”. Hình như họ nghĩ rằng đã tác phẩm đỉnh cao thì nhà văn cần phải được hỗ trợ/ đầu tư lớn thì phải? Vì thế, dù “tác phẩm đỉnh cao là gì, cao đến đâu mới được gọi là cao?” là câu hỏi chẳng ai trả lời được cho xuôi, nhưng người nào tham gia dự án thì cũng đều nhận được một ngân khoản kha khá để… chinh phục đỉnh.

Còn thì, trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, theo tôi, chúng ta vẫn có những tác phẩm đọc được, tạo được dư luận xã hội nói chung và gây được tranh luận trong giới những người viết. Có thể kể đến những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh ở giai đoạn đầu đổi mới. Tiếp đến là các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh. Sau nữa là một vài tác giả như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Nguyên Phước. Gần đây tôi chú ý tới hai tác giả trẻ là Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang. Những tác giả tôi kể ra ở đây, đoan chắc với anh Hồng Thanh Quang, họ viết và chỉ mong sao viết được bằng hết cái mình muốn viết thôi, chẳng có đầu óc đâu quan tâm đến câu chuyện “tác phẩm đỉnh cao” kia, và cũng chẳng sốt ruột nếu tác phẩm của họ không may chỉ ở đỉnh… nhơ nhỡ.

Mục đích của người sáng tạo, nói theo cách của nhà thơ Nga Boris Pasternak, là “tận cùng dâng hiến”. Tại sao trong xã hội hiện đại, ý tưởng này càng ngày càng mờ nhạt đi?

- Yêu cầu người sáng tạo phải “tận cùng dâng hiến” của Pasternak không hề mờ nhạt về ý tưởng trong bối cảnh xã hội hiện nay, mà có chăng, là mờ nhạt về hành động. Có hai cách để cắt nghĩa được cho sự mờ nhạt này. Thứ nhất, chúng ta vẫn tận cùng dâng hiến đấy, nhưng là cho cái khác. Thứ hai, chúng ta cạn rồi, chẳng còn gì để dâng hiến nữa!

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà phê bình văn chương Hoài Nam: Xã hội luôn có những cái ngưỡng